NASA phóng kính viễn vọng James Webb, tìm hiểu bí mật của vũ trụ

Sau hai tuần bay trong không gian, kính viễn vọng James Webb sẽ đến đích trên quỹ đạo mặt trời cách Trái đất gần 1 triệu dặm.

NASA đã phóng thành công kính viễn vọng không gian mạnh nhất thế giới James Webb vào vũ trụ ngày 25/12. Thành tựu này được coi là một bước ngoặt lớn trong tiến trình khám phá tìm hiểu không gian vũ trụ suốt nhiều thập kỷ qua.

Kính viễn vọng James Webb được phóng bằng tên lửa Ariane 5 từ cảng vũ trụ của châu Âu ở vùng Guiana thuộc Pháp vào lúc 19h20 ngày 25/12 theo giờ Hà Nội.

“Chúng tôi đã phóng thành công kính viễn vọng không gian James Webb, đánh dầu sự khởi đầu của một thập kỷ khoa học mới. Sứ mệnh của James Webb sẽ thay đổi những hiểu biết của chúng ta về không gian”, dòng chia sẻ của NASA đăng trên Twitter cho biết. Khoảng nửa tiếng sau khi rời bệ phóng, kính viễn vọng James Webb của NASA tách thành công khỏi tên lửa Ariane 5 và mở tấm pin mặt trời, bắt đầu hành trình dài một tháng tới quỹ đạo quanh điểm Lagrange 2 giữa Trái Đất và Mặt Trời.

Cuộc sống số - NASA phóng kính viễn vọng James Webb, tìm hiểu bí mật của vũ trụ

Hình ảnh minh hoạ kính thiên văn James Webb trong không gian. Ảnh: Getty Images

Kính viễn vọng James Webb có nhiệm vụ quan sát bầu khí quyển của các hành tinh bên ngoài – một trong số những hành tinh này tiềm ẩn dấu hiệu sự sống, và nó được kỳ vọng sẽ phát hiện ra manh mối trong quá trình tìm kiếm sự sống bên ngoài Trái Đất. 

James Webb trị giá 10 tỷ USD, là một trong những thiết bị kính viễn vọng kích cỡ lớn nhất, phức tạp nhất mà con người từng chế tạo. Kính viễn vọng này có một chiếc gương lớn có thể mở rộng tối đa 6,5m, cho phép nó thu thệp nhiều ánh sáng hơn từ các vật thể mà nó quan sát được khi hoạt động trong không gian. Tấm gương càng thu thập được nhiều ánh sáng thì kính viễn vọng càng có khả năng quan sát được nhiều chi tiết. Chiếc gương gồm 18 mảnh lục giác mạ vàng, mỗi mảnh rộng 1,32m.

Sau hai tuần bay trong không gian, kính thiên văn James Webb sẽ đến đích trên quỹ đạo mặt trời cách Trái đất 1 triệu dặm, xa hơn mặt trăng khoảng 4 lần. Và quỹ đạo đặc biệt của James Webb sẽ giúp nó luôn thẳng hàng với Trái đất khi hành tinh của chúng ta và kính viễn vọng đồng thời quay quanh mặt trời.

Để so sánh, "người tiền nhiệm" 30 năm tuổi của Webb - kính viễn vọng không gian Hubble - quay quanh Trái đất từ ​​khoảng cách 340 dặm, đi vào và ra khỏi bóng của Trái đất sau mỗi 90 phút.

Được đặt tên theo người đứng đầu NASA trong hầu hết thập kỷ của những năm 1960, James Webb nhạy và mạnh hơn Hubble khoảng 100 lần và được kỳ vọng sẽ mang tới những hiểu biết và cái nhìn mới về vũ trụ cho các nhà khoa học và vị trí của Trái đất trong đó.

Đào Vũ (Theo VOV, VTV)  

 

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/nasa-phong-kinh-vien-vong-james-webb-tim-hieu-bi-mat-cua-vu-tru-a7964.html