Để kịp thời hỗ trợ trẻ em, góp phần giảm bớt một phần khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã đề nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Quỹ Bảo trợ trẻ em ở địa phương và các đơn vị chức năng triển khai thực hiện hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Quỹ Bảo trợ trẻ em và các đơn vị chức năng ở địa phương lựa chọn danh sách và chịu trách nhiệm trong việc xác định đúng thông tin, đối tượng hỗ trợ.
Trao đổi với Người Đưa Tin về các hoạt động của địa phương nhằm giúp đỡ các trẻ em bị ảnh hưởng trong mùa dịch, ông Nguyễn Tuấn Triệu, Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Bình Dương, cho biết: “Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã đề nghị các địa phương khảo sát và lập danh sách các em được nhận hỗ trợ. Quá trình triển khai sẽ diễn ra nhiều đợt.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay quá trình khảo sát cụ thể đến từng nhà, từng trường hợp rất khó diễn ra vì tình hình diễn biến dịch ở các địa phương còn phức tạp. Vì vậy, phần lớn các em chưa được nhận đầy đủ hỗ trợ".
"Ngoài gói hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh cũng có kế hoạch dài hạn hỗ trợ cho những trẻ thuộc diện có người thân (cha hoặc mẹ, hoặc cả cha lẫn mẹ, người nuôi dưỡng trực tiếp) bị mất do dịch bệnh Covid-19; những em này cũng thuộc gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo và đang học tập (từ lớp 1 đến dưới 16 tuổi). Sẽ có 3 cấp hỗ trợ cho các em, với mức thấp nhất là 500.000 đồng/tháng mỗi em”, ông Triệu cho biết thêm”.
Chia sẻ về vấn đề trên, bà Nguyễn Thị Thu Phương, Phó trưởng Phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương cho biết: “Hoạt động hỗ trợ các em không chỉ diễn ra trong thời gian ngắn mà sẽ là quá trình lâu dài ngay cả khi dịch đã ổn định. Ngoài hỗ trợ về kinh tế, điều quan trọng chúng tôi hướng tới là đồng hành về mặt tinh thần, đặc biệt là với những em có cha mẹ mất vì mắc Covid-19 thì cần phải chăm sóc đến khi các em trưởng thành.
Ngoài ra, các em cũng là những đối tượng đặc biệt, dễ bị tổn thương nên những hoạt động này sẽ phải cân nhắc kỹ, hạn chế chia sẻ thông tin của các em, để đảm bảo cho sự phát triển của trẻ sau này”.
Cần nhanh chóng triển khai hoạt động giúp đỡ
Trao đổi với Người Đưa Tin, ĐBQH Nguyễn Thị Sửu bày tỏ mong muốn các địa phương cần đẩy nhanh việc giải ngân gói hỗ trợ trẻ em bị chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 : “Trong quá trình thực hiện chính sách, đặc biệt là chính sách đối với đối tượng là trẻ em vẫn có những tiến độ chậm và kết quả không như mong muốn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có nguyên nhân chủ quan là chính quyền và các cán bộ địa phương khi thực hiện chính sách còn để xảy ra nhiều vấn đề bất cập, cần phải rút kinh nghiệm”.
Nữ ĐBQH cũng cho rằng, các cấp chính quyền, đặc biệt là ở cơ sở phải xác định được đối tượng trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương phải cần được các cấp quan tâm, giải quyết sớm, nhất là khi các em đang ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thì cần có những hoạt động nhanh chóng hỗ trợ.
Ngoài ra, bà Sửu cho rằng, năm học mới đã bắt đầu, những em gặp khó khăn sẽ khó có thể tiếp cận được chương trình giáo dục trực tuyến thì càng cần phải thực hiện sớm giúp đỡ các em.
Bàn về giải pháp trong việc đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ, bà Sửu bày tỏ: “Phương pháp tối ưu trong diễn biến tình hình dịch Covid-19 phức tạp đó là phải chuyển đổi số trong quản lý và chi trả chính sách.
Trong quản lý phải có sự kết hợp giữa các cấp chính quyền và người được hưởng chính sách. Dữ liệu về y tế, chính sách, gói hỗ trợ nếu được chuyển đổi số sẽ đễ dàng, nhanh chóng thực hiện".
Về cơ chế giám sát, xác định đối tượng thụ hưởng, bà Nguyễn Thị Sửu gợi ý: “Ngoài cán bộ, người giám sát có thể là người dân, làng xóm, người thân, vì đây là những người hiểu rõ hoàn cảnh của đối tượng nhất”.
Ngày 23/9, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH hội Nguyễn Thị Hà đã ký Công văn số 3234/LĐTBXH-TE gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai kịp thời các biện pháp chăm sóc trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19.
Công văn ghi rõ các địa phương cập nhật số lượng, danh sách, hoàn cảnh cụ thể, điều kiện chăm sóc từng trường hợp trẻ em có cha, mẹ mất do đại dịch Covid-19, nguyện vọng của trẻ em và người giám hộ của trẻ em để có biện pháp trợ giúp kịp thời, phù hợp.
Ngoài ra phải ưu tiên bố trí, hỗ trợ để trẻ em được chăm sóc thay thế bởi người thân, bởi cá nhân, gia đình nhận chăm sóc để trẻ em được sống trong môi trường gia đình và bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em. Việc trẻ em được chăm sóc thay thế tại cơ sở trợ giúp xã hội chỉ là biện pháp sau cùng.
Hồng Bích
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/can-nhanh-chong-ho-tro-tre-em-gap-kho-khan-boi-dai-dich-a777.html