Sáng nay (27/12), Bộ Y tế phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức buổi mít-tinh hưởng ứng ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh với chủ đề Tăng cường quản lý nhóm nguy cơ.
Sự kiện này nhằm trong chuỗi các hoạt động nhằm mang tới thông điệp về tầm quan trọng của việc tất cả mọi người đều được tiêm chủng. Vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan, các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước đối với hoạt động tiêm chủng phòng bệnh nói chung và phòng chống bệnh Covid-19 nói riêng.
Thông tin tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay: “Từ đầu năm 2020, Chính phủ và Bộ Y tế đã nỗ lực triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh với chiến lược chủ động ngăn chặn phát hiện sớm, cách ly kịp thời, khoanh vùng gọn, dập dịch triệt để và điều trị hiệu quả.
Việt Nam đã tiếp cận các nguồn vắc-xin phòng Covid từ sớm với nhiều hình thức khác nhau như chương trình Covax Facility, đàm phán song phương với các nhà sản xuất, hoạt động ngoại giao vắc-xin”.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, tính đến ngày 24/12/2021 cả nước đã tiêm được gần 144 triệu liều vắc-xin trong tổng số hơn 166 triệu vắc-xin được phân bổ.
Tỉ lệ bao phủ 1 liều vắc-xin 79%, tỉ lệ bao phủ đủ liều vắc-xin cơ bản 66% tổng dân số Việt Nam.
“Tỉ lệ này đã vượt mục tiêu đề ra của tổ chức Y tế thế giới đề ra đến hết năm 2021 mỗi quốc gia phấn đấu trên 40% dân số của quốc gia được tiêm phòng chống Covid-19”, ông Sơn bày tỏ.
Ngoài ra, với tiến độ trên đến hết 31/12 toàn quốc sẽ đảm bảo bao phủ 1 mũi cho dân số từ 18 tuổi trở lên, và bao phủ cơ bản mũi 2 khoảng 90%. Đồng thời bao phủ cơ bản liều vắc-xin cho trẻ em từ 12-18 tuổi. Và phấn đấu đến hết quý I/2022 sẽ bao phủ tiêm mũi nhắc lại.
Về phía Bộ Ngoại giao, ông Phạm Quang Hiệu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cũng đánh giá về hoạt động ngoại giao vắc-xin của Việt Nam thời gian qua: “Bộ Ngoại giao luôn nỗ lực phối hợp với ngành y tế trong tranh thủ nguồn lực, tri thức, kinh nghiệm của quốc tế ngăn ngừa và ứng phó với các dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19.
Bộ Ngoại giao đã phát huy vai trò của mạng lưới hơn 90 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cùng với sự phối hợp của Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan triển khai một cách quyết liệt, toàn diện và hiệu quả công tác vận động các bạn bè, đối tác quốc tế hỗ trợ các nỗ lực phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.
Đặc biệt là về vắc-xin, trang thiết bị, vật tư y tế, kết nối, thúc đẩy chuyển giao công nghệ vắc-xin và thuốc điều trị; tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế về phòng chống dịch bệnh và các biện pháp phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội để cùng các bộ ngành tham mưu cho Chính phủ”.
Ông Hiệu bày tỏ, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác ngoại giao vắc-xin đã đạt kết quả rất quan trọng, đóng góp tích cực vào việc thực hiện mục tiêu vừa bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng nhân dân, vừa khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội.
Hoạt động quản lý nhóm nguy cơ
Ngoài hoạt động đẩy mạnh tiêm vắc-xin, các địa phương cũng có những chương trình bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương trong đại dịch.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế Tp.HCM đã báo cáo kết quả triển khai chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm có nguy cơ cao, nhằm tập trung nguồn lực bảo vệ sức khỏe cho người tren 65 tuổi và người có bệnh nền, hạn chế thấp nhất tỉ lệ mắc và tử vong do Covid-19
“Sau 20 ngày triển khai chiến dịch qua thực hiện xét nghiệm nhanh tầm soát đã phát hiện 5.101 người có kết quả dương tính và kịp thời được điều trị ngay với thuốc kháng vi-rút (Molnupiravir) và cách ly chăm sóc tại nhà (4.581 người) hoặc cách ly tập trung (520 người).
Các quận, huyện đang tiếp tục khẩn trương triển khai xét nghiệm tầm soát cho tất cả người dân thuộc nhóm nguy cơ theo kế hoạch và tiếp tục cho người F0 khi phát hiện ra uống ngay liều kháng vi-rút”, ông Nam thông tin.
Ngoài ra, 20 ngày đầu chiến dịch còn phát hiện 37.188 người thuộc nhóm nguy cơ nhưng chưa tiêm vắc xin (chiếm tỷ lệ 6,2%).
Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ của Tp.Hồ Chí Minh gồm 6 hoạt động chính:
Hoạt động 1. Cập nhật danh sách và quản lý sức khỏe người dân thuộc nhóm nguy cơ (hoàn thành trước ngày 12/12/2021).
Hoạt động 2. Triển khai xét nghiệm tầm soát phát hiện F0 đối với người thuộc nhóm nguy cơ (hoàn thành trước ngày 18/12/2021).
Hoạt động 3. Tăng cường truyền thông đối với các hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ.
Hoạt động 4. Đẩy mạnh tiêm vắc xin phòng Covid-19 đảm bảo không bỏ sót đối với những người thuộc nhóm nguy cơ (hoàn thành trước ngày 29/12/2021).
Hoạt động 5. Chăm sóc và điều trị người F0 thuộc nhóm nguy cơ
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/viet-nam-vuot-chi-tieu-bao-phu-vac-xin-covid-19-cua-to-chuc-who-a7741.html