Apple cắt giảm sản xuất, iPad tại Việt Nam khan hàng

Theo chia sẻ của một số đại lý trong nước, lượng hàng iPad hiện không đủ cung ứng cho nhu cầu mua sắm cuối năm của người dùng.

Do áp lực từ cuộc khủng hoảng chip bán dẫn toàn cầu, lượng hàng iPad xuất xưởng bị cắt giảm. Tại thị trường Việt Nam, các dòng máy tính bảng của Táo Khuyết rơi vào tình trạng cháy hàng tại một số đại lý lớn.

Các model mới ra mắt thiếu hàng sang đến năm sau

“Với nhu cầu tăng cao đột biến không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn thế giới, nguồn cung của Apple cho các dòng iPad vẫn chưa đủ đáp ứng trong ngắn hạn”, ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc khối Viễn thông Di động của hệ thống bán lẻ FPT Shop trả lời Zing.

iPad tai Viet Nam thieu hang vi Apple cat giam san xuat anh 1

Các dòng iPad mới ra mắt thiếu hàng tại nhiều đại lý lớn. Ảnh: The Verge.

Theo ông Kha, các dòng tablet Apple mới ra mắt như iPad mini 6, iPad 10,2 inch 2021 vẫn đang thiếu hàng trong thời gian đầu bán ra, không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, đại diện FPT Shop cho biết đến tháng 1/2022 sẽ có đợt hàng iPad mới cung ứng, phục vụ mùa mua sắm cuối năm.

Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện nhà bán lẻ CellphoneS cho biết lượng hàng Apple cung cấp cho đại lý vẫn thấp hơn nhiều lượng đặt. “Tại CellphoneS, số lượng iPad được cung cấp tăng đến 100% nhưng vẫn không đủ bán vì nhu cầu cấp tăng gấp 3 lần”, ông Huy chia sẻ.

Đồng thời, ông Phạm Tuấn Anh, đại diện hệ thống ShopDunk cho biết không có thêm hàng iPad mini 6 đến cuối năm nay. Trong khi đó, dòng iPad gen 9 đang bị đẩy giá cao hơn thời gian đầu mở bán.

Theo đại diện một chuỗi bán lẻ di động lớn tại thành phố Hà Nội, việc thiếu hụt các dòng máy tính bảng của Apple hiện tập trung tại các hệ thống AAR (Apple Authorized Reseller) lớn, có sức mua mạnh. Ở một số chuỗi bán lẻ nhỏ hơn, lượng hàng vẫn đủ đáp ứng.

“Hiện tại, lượng hàng máy tính bảng đời mới như iPad Pro M1, iPad gen 9, iPad mini 6 hay iPad Air 4 tại đại lý vẫn sẵn hàng cho khách đặt, đáp ứng nhu cầu mua sắm cuối năm đang tăng mạnh”, ông Đào Hải, đại diện Minh Tuấn Mobile cho biết.

Nguyên nhân thiếu hụt

Đầu tháng 11, Nikkei cho biết Apple đã cắt giảm mạnh lượng iPad được sản xuất để phân bổ nhiều linh kiện hơn cho iPhone 13 series. Hành động này cho thấy dấu hiệu của cuộc khủng hoảng chip toàn cầu đang ảnh hưởng đến Táo khuyết nhiều hơn dự kiến.

iPad tai Viet Nam thieu hang vi Apple cat giam san xuat anh 2

iPad và iPhone dùng chung một số thành phần, cho phép Apple chuyển đổi nguồn cung ứng khi cần. Ảnh: Nikkei.

Bên cạnh đó, theo nhiều nguồn tin, lượng iPad được xuất xưởng trong tháng 9- 10 đã giảm 50% so với kế hoạch ban đầu của Apple. Đồng thời, nhiều linh kiện của các mẫu điện thoại cũ đang được chuyển sang ưu tiên iPhone 13.

Đây không phải lần đầu Apple ưu tiên iPhone hơn iPad. Năm 2020, công ty đã phân bổ lại một số bộ phận sản xuất iPad cho iPhone 12. Thay đổi này nhằm giúp dòng máy 5G đầu tiên của hãng có thể thuận lợi đến tay người dùng giữa thời kỳ chuỗi cung ứng gián đoạn trong dịch Covid-19.

Táo khuyết đã thừa nhận tác động từ khủng hoảng chip bán dẫn toàn cầu đến việc sản xuất. Ông Luca Maestri, Giám đốc tài chính của Apple cho biết doanh thu từ iPad trong quý IV sẽ giảm do thiếu linh kiện, các sản phẩm khác không bị ảnh hưởng.

Ông Brady Wang, chuyên gia phân tích thị trường công nghệ của Counterpoint Research cho rằng việc Apple ưu tiên iPhone hơn iPad là điều đương nhiên.

“Quy mô iPhone là khoảng 200 triệu chiếc mỗi năm, lớn hơn nhiều so với iPad. iPhone là trung tâm của hệ sinh thái sản phẩm Táo khuyết và cũng là thiết bị mang tính biểu tượng của hãng. Ngoài ra, iPad không có có tính thời vụ lớn như iPhone”, ông Wang nói.

Apple hiện chiếm 32,5% thị phần máy tính bảng, bỏ xa Samsung đứng thứ hai với 19,1%. Táo khuyết đã sản xuất được 40,3 triệu chiếc iPad trong 9 tháng đầu năm nay, tăng 17,83% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại thị trường Việt Nam, Apple đứng sau Samsung về thị phần. Theo GfK, Táo khuyết chiếm khoảng 32% thị phần tablet trong tháng 10.

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/apple-cat-giam-san-xuat-ipad-tai-viet-nam-khan-hang-a7514.html