Tâm thế “sẵn sàng cho mọi biến động”

Tại chương trình Én Xanh 2021, các DNXH, DNTTĐ, Tổ chức Xã hội có sáng kiến kinh doanh sẽ có cơ hội được gặp gỡ, truyền cảm hứng, học hỏi với nhau và từ chuyên gia.

Covid 19 đã mang đến những thách thức chưa từng có với cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp xã hội (DNXH), doanh nghiệp tạo tác động (DNTTĐ) và các tổ chức xã hội có hoạt động kinh doanh.

Dưới tác động đó, Gala Én xanh 2021 đã được tổ chức với sự đồng hành của các chuyên gia đến từ nhiều lĩnh vực để cùng chia sẻ về những câu chuyện, đồng thời truyền năng lượng để bước qua năm tiếp theo với sự thành công.

Gala là sự kiện khép lại Chương trình Én Xanh 2021 với một chuỗi các sự kiện – Chuyện của Én; chuỗi các tọa đàm, buổi đào tạo nâng cao năng lực, cuộc thi Hackathon Én Xanh – tìm kiếm các sáng kiến xuất sắc giải quyết thách thức của cộng đồng DNXH, DNTTĐ đặc biệt là trong bối cảnh COVID hiện nay.

Phát biểu tại Gala, bà Đậu Thúy Hà – Thành viên HĐQT CSIP, Đại diện BTC Én Xanh 2021 cho biết: "Sau gần 2 tháng phát động, đã có gần 100 cánh Én DNTTĐ đã trực tiếp tham gia, trong đó có 64 câu chuyện Én Xanh đã được biên tập và lan tỏa trên website của Chương trình và các kênh MXH. Chuỗi hoạt động của Chương trình đã thu hút 1.000 lượt tham gia của các lãnh đạo DNTTĐ, các chuyên gia, các tổ chức hỗ trợ, và đã có thêm rất nhiều con số ấn tượng khác mà chúng ta sẽ cùng xem lại trong quá trình của GALA".

Sự kiện - Tâm thế “sẵn sàng cho mọi biến động”

Hình ảnh buổi Gala được tổ chức trực tuyến.

"Cánh én kiên cường, vượt qua bão giông"

Én Xanh 2021 được tổ chức nhằm tôn vinh những sáng kiến kinh doanh và những doanh nghiệp tạo tác động đã kiên cường vượt qua thử thách của đại dịch Covid-19. Qua đó, giữ vững mô hình kinh doanh và tiếp tục lan tỏa các giá trị cho cộng đồng.

"Những mục tiêu này của Én xanh và các doanh nghiệp cộng đồng hoàn toàn phù hợp với chiến lược phát triển và hành động của Oxfam, nhằm góp phần xây dựng một nền kinh tế nhân văn lấy con người làm trung tâm", ông Phạm Quang Tú, Phó giám đốc Tổ chức Oxfam tại Việt Nam chia sẻ.

Sự kiện - Tâm thế “sẵn sàng cho mọi biến động” (Hình 2).

Ông Phạm Quang Tú, Phó giám đốc Tổ chức Oxfam tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, ông Tú cũng đưa ra những kết quả mà tổ chức Oxfam đã đạt được trong năm qua. Trong đó, tổ chức đã hỗ trợ và góp phần nâng cao năng lực quản trị kinh doanh cho hơn 70 doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động trong chuỗi giá trị nông nghiệp và theo đuổi mô hình kinh doanh với người thu nhập thấp (inclusive business). Qua đó, giúp cho các doanh nghiệp có thể phát triển kinh doanh tốt hơn và tiếp tục tạo thêm các giá trị hữu ích cho cộng đồng.

Khi bàn về vấn đề trên, bà Đàm Bích Thủy- Chủ tịch ĐH Fulbright có những nhận định: "Tôi không cần phải nhắc lại những con số thống kê ảm đạm về tác động của đại dịch đối với sinh kế của người dân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng điều mà tôi muốn tập trung chia sẻ nhiều hơn hôm nay, là lý do vì sao tôi tin rằng thảm kịch khủng khiếp này vẫn có thể đem lại cho chúng ta niềm hy vọng lâu dài vào tương lai. Và hơn ai hết, chính các bạn, là một phần lý do cho sự lạc quan này".

Bà cũng cho biết thêm trong những thời điểm ngặt nghèo, khi dòng tiền cạn kiệt, nguồn cung ứng bị đứt gãy, hay thị trường bị thu hẹp,…mỗi người đều bị đặt trước những lựa chọn sống còn. Tinh thần kiên cường, những nỗ lực bền bỉ để tìm cách thích ứng với nghịch cảnh, tìm ra “khe cửa hẹp” trong cơn bão để sống sót và tiếp tục vươn lên của mọi người thật đáng khâm phục.

Từ những khó khăn, bà Thủy đưa ra 3 bài học. Cụ thể, tâm thế “sẵn sàng cho mọi biến động” phải là điểm xuất phát cho hành trình đầy khó khăn này. Chỉ khi chấp nhận sự biến động như một điều đương nhiên của thế giới chúng ta đang sống, và sẵn sàng cho những thay đổi buộc phải đến, chúng ta mới có thể trui rèn cho mình tính bền bỉ để thích ứng với hoàn cảnh và khả năng xoay xở linh hoạt trước những biến cố bất ngờ.

Bài học thứ hai được bà nêu ra là hãy tập trung, kiên định với sứ mệnh mà bạn đã lựa chọn, với những giá trị cốt lõi mà bạn đã tin tưởng và vun đắp từ những ngày đầu.

Song, bà cũng tin tưởng rằng “một cánh én nhỏ không làm nên mùa xuân” nhưng nỗ lực của “nhiều cánh én” sẽ tạo ra những thay đổi có ý nghĩa. Dẫu rằng, môi trường hoạt động của các doanh nghiệp tạo tác động xã hội còn quá nhiều rào cản. Dẫu rằng, ở Việt Nam còn chưa thực sự phát triển một hệ sinh thái ươm dưỡng cho những doanh nghiệp tạo tác động xã hội, bao gồm các hỗ trợ về tiếp cận nguồn vốn, tiếp cận thị trường và các ưu đãi về cơ chế chính sách. 

Chính phủ đồng hành cùng cộng đồng DNTTĐ vượt qua khó khăn

"Chúng tôi cảm thấy rằng dường như cả cộng đồng đang đi cùng Chính phủ, tuy nhiên cộng đồng DNTTĐ chưa được ghi nhận đúng vai trò, và tôi đang có suy nghĩ về việc trong thời gian sắp tới cần phải hành động gì đấy để thay đổi", bà Bùi Thu Thủy, Phó cục trưởng, Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ.

Trước tác động của Covid-19, bà Thủy nhấn mạnh rằng, với sự kiên cường sẵn có, các DN sẽ tìm cách sáng tạo, tìm ra các cơ hội cho cộng đồng của mình, người lao động của mình.

"Về phía Cục Phát triển doanh nghiệp, hằng ngày, chúng tôi đều phải làm báo cáo nhanh gửi Thủ tướng – và xin chia sẻ rằng Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc ban hành Nghị quyết 105, Nghị quyết 128 để tháo gỡ các khó khăn cho DN. Đặc biệt, trước khi có nghị quyết 128, các Doanh nghiệp rất kêu về việc mỗi tỉnh lại ban hành quy định, chính sách khác nhau, do đo, Chính phủ đã phải chấp nhận các rủi ro để “mở” ra như vậy", Phó cục trưởng cho hay.

Trước những trao đổi trên, Bà Phạm Kiều Oanh, sáng lập kiêm Giám đốc CSIP bày tỏ quan điểm: "Nhà nước và các tổ chức sẽ có vai trò nương tựa vào nhau: Nhà nước có vai trò kiến tạo, các tổ chức có vai trò đồng hành, xây dựng nội lực, hỗ trợ trong ngắn và dài hạn; Sự tham gia của Cộng đồng – suy cho cùng chúng ta sống ở Việt Nam, chúng ta không thể rời sang nước khác - ở đây bao gồm người dân của mình với vai trò là khách hàng, người lao động…"

Trong khi đó, nhìn nhận bức tranh về sự hỗ trợ, hợp tác của các bên Nhà nước, Tổ chức, Cộng đồng, tại Gala, đại diện một số doanh nghiệp đã có những kiến nghị, giải pháp riêng.

Điển hình, ông Phạm Việt Hoài, Chủ tịch HĐQT KymViet mong muốn: "Thứ nhất, Nhà nước có chính sách về vốn – giúp Doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn dễ dàng hợn; Thứ hai là chế độ, quy định về vấn đề cho BH cho người lao động, vì dù rất cố gắng nhưng DNXH khá là khó hỗ trợ hoàn toàn. Đặt biệt có vấn đề trong bảo hiểm là, BHXH sẽ có bao gồm BHYT, tuy nhiên các Người lao động khuyết tật ở Kym Việt đã có bảo hiểm riêng theo chính sách dành cho NKT rồi, do đó DN mong muốn chế độ BH như thế nào để không chồng lấn và cuối cùng Chính phủ cũng nên tạo hành lang thúc đẩy bán hàng, kết nối kinh doanh".

Các DNTTĐ cũng mong muốn đồng hành với những Tổ chức phi Chính phủ (NGO) trong công tác hỗ trợ xúc tiến thương mại. 

Sự kiện - Tâm thế “sẵn sàng cho mọi biến động” (Hình 3).

Toàn cảnh lễ trao giải và tôn vinh.

Ngoài ra, Gala Én xanh còn là dịp để tôn vinh những doanh nghiệp đạt nhiều thành tưu trong năm 2021. Trong đó, 3 đội và 7 Én được trao giải "Gói hạt giống" Én Xanh và 5 Én thành tựu đặc biệt (Én tiên phong, Én sáng tạo, Én đột phá, Én nhân ái và Én can trường) và danh hiệu Én kiên cường dành cho 64 doanh nghiệp tham gia câu chuyện Én Xanh 2021.

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/tam-the-san-sang-cho-moi-bien-dong-a7300.html