Làm giàu từ sản vật quê hương

Những chàng nông dân 8X đã vượt bao khó khăn, biết cách làm giàu bằng nông sản sẵn có của quê hương mình

Trong danh sách 63 nông dân được Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021", có một chàng trai sinh năm 1980 với thành tích đặc biệt xuất sắc về sản xuất, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm từ củ nghệ sang thị trường Nhật Bản, Đài Loan, châu Âu... Đó là Hoàng Quang Đông - Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Minh Châu (xã Chí Tân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Anh được người dân địa phương ưu ái gọi là "vua" nghệ.

Vươn lên từ gian khó

Học hết lớp 9, anh Đông theo người trong làng đi làm đủ thứ nghề, rồi chuyển sang lái xe tải chở hàng thuê từ các tỉnh miền núi về miền xuôi. Trong những chuyến hàng xa, anh Đông chở nhiều nhất là củ sắn sấy khô. Thấy nhiều bà con trên vùng cao thoát nghèo, có thể làm giàu nhờ trồng và chế biến loại nông sản này, anh Đông liền nảy ra ý tưởng áp dụng cách sấy củ sắn để sấy nghệ - nông sản trồng phổ biến ở quê mình nhưng chỉ được người dân xem như một loại gia vị để chế biến món ăn; giá bán rất rẻ, khó có thể làm giàu.

Nghĩ là làm, năm 2008, anh Đông thuê 2 mẫu ruộng trồng nghệ; sắm máy móc, xây dựng nhà xưởng để bắt đầu khởi nghiệp. Thời gian đầu gặp nhiều khó khăn lẫn thất bại. Vì chưa có kinh nghiệm vận hành máy móc phải đổ bỏ cả tấn hàng; hàng bị ế ẩm nặng do chưa có đầu ra.

Sau nhiều năm học hỏi kinh nghiệm sản xuất và tìm kiếm thị trường, tích cực kết nối với các doanh nghiệp xuất khẩu, anh Đông may mắn ký được hợp đồng xuất khẩu trên 80 tấn nghệ khô thái lát sang Ukraine vào năm 2010.

Làm giàu từ sản vật quê hương - Ảnh 1.

Nông dân Hoàng Quang Đông giới thiệu với khách hàng sản phẩm nghệ của mình

Nắm bắt cơ hội vàng ở thị trường xuất khẩu, năm 2011, anh Đông vay vốn ngân hàng thành lập Công ty TNHH Hoàng Minh Châu; đầu tư, mua sắm dây chuyền sản xuất tinh bột nghệ sạch.

Ban đầu, tinh bột nghệ do công ty của anh Đông sản xuất giá thành cao, gấp 1,5-2 lần so với tinh bột nghệ sản xuất thủ công, nên khó bán. Nhưng dần dần, tinh bột nghệ Hoàng Minh Châu đã chinh phục được khách hàng bằng chất lượng, mẫu mã vượt trội so với những sản phẩm tương tự.

Khi các sản phẩm nghệ của anh Đông bắt đầu có chỗ đứng trên thị trường; công ty nhận được nhiều đơn đặt hàng thì biến cố lại xảy ra; vào năm 2015, xưởng sản xuất và nhà kho chứa hơn 30 tấn nghệ khô thái lát của anh bị cháy rụi, thiệt hại gần 1,5 tỉ đồng.

Một lần nữa, anh Đông phải khởi động lại hành trình làm giàu từ nghệ bằng việc vay mượn vốn, xây dựng lại nhà xưởng sản xuất rộng 700 m2 với hệ thống máy móc sản xuất nghệ hiện đại được nhập khẩu.

Anh Đông là người đầu tiên ở Chí Tân đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất các sản phẩm từ củ nghệ, tập trung sản xuất 3 mặt hàng chủ lực: nghệ khô thái lát, nghệ bột khô và tinh bột nghệ. Trong đó, anh sử dụng 100% nghệ Chí Tân làm nguyên liệu sản xuất tinh bột nghệ do chất lượng nghệ vùng này được đánh giá hàng đầu trong nước.

Năm 2017, công ty của anh Đông đưa ra thị trường khoảng 300 tấn nghệ khô và 20 tấn tinh bột nghệ. Ngoài tiêu thụ tại thị trường trong nước, sản phẩm còn được xuất sang Đông Âu, Ấn Độ, Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc và các quốc gia vùng Trung Đông; doanh thu mỗi năm khoảng 40-50 tỉ đồng, lãi ròng trên 3 tỉ đồng.

Dấu mốc quan trọng nhất đối với anh là ngày 5-6-2019, lô hàng 200 tấn nghệ khô, bột nghệ và tinh bột nghệ đầu tiên của công ty đã chính thức xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản bằng đường biển, mở ra nhiều cơ hội cho sản phẩm nghệ của công ty đến được các thị trường khó tính khác.

Bên cạnh việc phát triển các sản phẩm nghệ sơ chế, tinh bột nghệ, nghệ khô thái lát, bột nghệ khô, curcumin... để xuất khẩu, Công ty TNHH Hoàng Minh Châu còn sản xuất các sản phẩm sữa nghệ, viên nghệ mật ong, gia vị từ nghệ... để phục vụ thị trường trong nước.

Hiện nay, quy mô nhà máy sản xuất và chế biến nghệ của anh Đông rộng 3.600 m2 với 15-40 công nhân đứng máy, mức lương mỗi người từ 6-8 triệu đồng/tháng.

Làm giàu từ sản vật quê hương - Ảnh 2.

Nông dân Nguyễn Văn Ba (giữa, hàng đầu) tại lễ tôn vinh “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2001”. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Nâng tầm cho miến quê hương

"Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021" Nguyễn Văn Ba (sinh năm 1983) là con thứ 3 trong một gia đình nông dân có 5 anh em. Lên 5 tuổi, anh theo bố mẹ từ Hà Nam đến xóm Việt Cường - xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên - làm kinh tế mới. Hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên việc học hành của anh Ba đành dang dở; sau khi học hết cấp II (THCS), phải nghỉ học ở nhà đi làm thuê đủ công việc để mưu sinh, phụ giúp gia đình. Bôn ba đủ đường, cuối cùng anh quyết định tiếp nối nghề làm miến dong truyền thống của gia đình.

Theo anh Ba, các công đoạn làm miến trước đây hoàn toàn bằng thủ công nên mất nhiều thời gian và công sức người làm bỏ ra rất lớn, năng suất lại không cao; điều kiện sản xuất phụ thuộc vào thời tiết nên miến chỉ được sản xuất theo thời vụ, tập trung nhất là khoảng 1-2 tháng trước Tết Nguyên đán.

Đến khi tiếp quản công việc của gia đình, anh Ba dần đổi mới dây chuyền sản xuất và ứng dụng công nghệ hiện đại, nhờ đó, sức lao động giảm đi, sản lượng miến làm ra tăng cao. Tuy nhiên, ban đầu anh cũng gặp không ít khó khăn về vốn để đầu tư, mua sắm máy móc, thiết bị hiện đại và xây dựng nhà xưởng. Anh Ba phải vay mượn ngân hàng, anh em, bạn bè được 180 triệu đồng để làm vốn ban đầu. "Hướng đi lựa chọn để sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường, được người tiêu dùng đón nhận là phải nâng cao chất lượng sản phẩm" - anh Ba xác định.

Tháng 4-2007, anh Ba thành lập HTX Miến Việt Cường nhằm gây dựng tên tuổi, thương hiệu cho miến dong của địa phương, đáp ứng yêu cầu nguồn gốc xuất xứ. Từ 7 thành viên ban đầu, đến nay HTX Miến Việt Cường đã có 30 thành viên tham gia. Để mở rộng sản xuất và đáp ứng nhu cầu thị trường, HTX đã đầu tư hệ thống nhà xưởng và giàn phơi lên tới 26 tỉ đồng với quy mô 2 ha. Nhờ đó đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 30 lao động với mức thu nhập trung bình 6 triệu đồng/người/tháng.

Từ năm 2008, HTX Miến Việt Cường chú trọng cải tiến dây chuyền sản xuất hiện đại. Thay ép miến bằng tay bằng hệ thống máy ép thủy lực với công suất lên tới 2 tấn sản phẩm/ngày. Việc khuấy bột, cắt miến cũng sử dụng bằng máy.

Năm 2017, anh Ba cùng một số thành viên đã sáng chế ra dây chuyền phơi miến bán tự động chạy bằng ròng rọc, đẩy năng suất tăng lên khoảng 1.000 kg miến/ngày.

Giám đốc HTX Miến Việt Cường cho biết hiện HTX có tất cả 4 sản phẩm chính là miến dong, miến khoai lang, miến sắn dây và miến tỏi đen. Nhờ áp dụng dây chuyền sản xuất hiện đại nên các sản phẩm của HTX ngày càng được nâng cao về chất lượng.

Năm 2020, sản phẩm miến dong Việt Cường đã được chứng nhận OCOP. Từ đó, sản lượng miến của HTX bán ra ngày càng tăng. Hiện nay, trung bình mỗi tháng, HTX Miến Việt Cường xuất bán khoảng 50 tấn miến các loại với doanh thu hàng chục tỉ đồng mỗi năm.

Anh Ba cho biết trong tương lai sẽ mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời sẽ tiếp tục thu mua, hỗ trợ bà con tại làng nghề tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở giám sát quy trình chế biến và sản xuất, từ đó đưa miến Việt Cường lan tỏa đến khắp mọi vùng miền của đất nước, nâng tầm thương hiệu và giá trị cho miến dong truyền thống của địa phương. 

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/lam-giau-tu-san-vat-que-huong-a7097.html