Vụ công nhân bị trừ lương do xét nghiệm COVID giá cao: Lỗi do ai?

Liên quan đến việc doanh nghiệp trừ tiền lương công nhân do xét nghiệm COVID-19, ngành chức năng Bình Dương đã vào cuộc kiểm tra nhưng chưa phát hiện sai phạm. Người lao động kêu khổ vì bị trừ lương và cho rằng doanh nghiệp làm sai, trong khi doanh nghiệp lại đổ lỗi cho bên thứ ba.

Những ngày qua, thông tin trừ tiền xét nghiệm PCR giá cao vào lương công nhân gây xôn xao dư luận liên quan đến Công Ty TNHH Uchiyama Việt Nam phường Bình Hòa, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Trước đó, tháng 11.2021, một số công nhân tại công ty nói trên test nhanh phát hiện dương tính với SARS-CoV-2. Sau đó, công ty yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm PCR của một đơn vị y tế tư nhân liên kết và cho biết chi phí xét nghiệm sẽ được trừ vào tiền lương. Đến tháng 12, khi nhận lương, công nhân tá hỏa thấy bị trừ một khoản tiền lớn.

Có người bị trừ 1,9 triệu đồng (tương đương với 1 lần lấy mẫu xét nghiệm PCR), có người bị trừ 4,5 triệu đồng (3 lần xét nghiệm PCR). Theo danh sách, có 57 lao động bị trừ tổng số 152,9 triệu đồng. Bị trừ lương, công nhân phản đối vì cho rằng giá phí xét nghiệm cao và đổ lỗi cho doanh nghiệp.

Sau đó, Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Ban Quản lý, Công đoàn và Công an KCN Việt Nam-Singapore đã có buổi làm việc với Công ty TNHH Uchiyama Việt Nam.

Làm việc với đoàn kiểm tra, phía doanh nghiệp cho biết công ty có thỏa thuận trước đó về việc người lao động mắc COVID-19 nếu xác định nguồn lây trong nhà máy sẽ được hỗ trợ toàn bộ tiền xét nghiệm bằng RT-PCR.

Đối với người lao động mắc COVID-19 xác định nguồn lây từ bên ngoài công ty thì tự chi trả phí xét nghiệm. "Việc phân biệt nguồn lây nhằm để người lao động tuân thủ nghiêm 5K khi về nhà", đại diện doanh nghiệp nói.

Vụ công nhân bị trừ lương do xét nghiệm COVID giá cao: Lỗi do ai? - Ảnh 1.

Danh sách công nhân bị trừ lương tại Công ty TNHH Uchiyama

Giải thích lý do vì sao chọn Phòng khám Đa khoa An Thuận để xét nghiệm bằng PCR cho công nhân, trong khi chi phí của cơ sở y tế này cao hơn mặt bằng chung, đại diện Công ty TNHH Uchiyama Việt Nam nói đã có sự hợp tác từ trước để khám sức khỏe cho công nhân. Doanh nghiệp đã ký hợp đồng với phòng khám từ hồi tháng 7, nên giữ nguyên mức giá, sau này phía công ty có làm việc lại, phòng khám đã giảm từ 1,9 triệu đồng xuống 1,5 triệu đồng và bây giờ còn 1,3 triệu đồng/mẫu đơn.

Tại buổi làm việc, phía doanh nghiệp hứa sẽ làm việc lại về giá phí xét nghiệm với đơn vị cung cấp là phòng khám đa khoa An Thuận, đồng thời xem xét hỗ trợ lại chi phí xét nghiệm cho công nhân. Phía công ty này cũng cho biết, trước đó thực hiện sản xuất "3 tại chỗ", mặc dù lỗ nhưng để duy trì họ đã chi rất nhiều tiền để lo ăn uống, phí xét nghiệm miễn phí cho người lao động.

Không chỉ công ty TNHH Uchiyama Việt Nam là đơn vị duy nhất than khổ mà thời gian qua doanh nghiệp và người lao động ở Bình Dương gặp rất nhiều khó khăn khi phải bỏ chi phí rất lớn liên quan đến vấn đề xét nghiệm. Kể từ đầu tháng 10, các doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường được quy định phải thuê cơ sở y tế test nhanh COVID-19 cho công nhân trước khi vào nhà máy làm việc. Ngoài ra, định kỳ phải xét nghiệm tầm soát COVID-19 trong công nhân lao động.

Vào thời điểm đó, UBND tỉnh Bình Dương có buổi gặp gỡ với doanh nghiệp để lắng nghe và kịp thời tháo gỡ khó khăn. Tại đây, lãnh đạo một doanh nghiệp đóng trên địa bàn TP. Thuận An chia sẻ trong 3 tháng họ phải chi hơn 40 tỷ đồng để trả phí xét nghiệm.

"Hiện nay, hầu hết doanh nghiệp đều tự lo, đảm bảo công tác phòng, chống dịch, do đó những doanh nghiệp không đủ tiềm lực buộc phải để người lao động một phần chi phí. Tất nhiên, doanh nghiệp đều thỏa thuận với người lao động trước khi đưa ra một chính sách nào đó", đại diện một công ty trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một nói.

Trở lại việc Công ty TNHH Uchiyama Việt Nam trừ lương công nhân, hiện Sở Y tế tỉnh Bình Dương đang phối hợp với các đơn vị liên quan làm rõ phí xét nghiệm chênh lệch. Đến chiều 15/12, ngành chức năng Bình Dương cho biết vẫn chưa có kết luận về vấn đề này.

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/vu-cong-nhan-bi-tru-luong-do-xet-nghiem-covid-gia-cao-loi-do-ai-a6957.html