Sau 4 làn sóng dịch bệnh liên tiếp, nền kinh tế Việt Nam đã "thấm đòn" trên diện rộng khi cả hộ kinh doanh, doanh nghiệp quy mô nhỏ đến các tập đoàn đều bị cuốn vào vòng xoáy đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Riêng tại Tp.HCM, đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.Hồ Chí Minh (HUBA) cũng cho rằng hầu hết các ngành nghề, các lĩnh vực đều rơi vào tê liệt, đóng cửa, ngừng kinh doanh trong giai đoạn cao điểm dịch bệnh, kéo theo nhiều hệ lụy đến tốc độ phục hồi của doanh nghiệp lẫn kinh tế TP.
Trước tác động chưa từng có của dịch bệnh, điều mà nền kinh tế cần và các doanh nghiệp kỳ vọng đó là các chính sách, gói hỗ trợ về tài khóa, tiền tệ... đủ "liều lượng", quy mô đủ lớn để giúp cho doanh nghiệp sớm "bình phục" và nền kinh tế sớm phục hồi.
Doanh nghiệp đối diện với khó khăn khi trở lại
Ông Trần Việt Anh- Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh đã chia sẻ về tình hình chung, bắt đầu từ ngày 1/10, hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất đã hoạt động tương đối ổn định trở lại với công suất lên đến 96%.
Tiên phong cho sự trở lại này là khối FDI, tiếp đó là các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” trong bối cảnh chỉ thị 16, thứ 3 là các khối DN nằm trong KCN và KCX và cuối cùng là các doanh nghiệp ngoài KCN.
Tuy vậy, ông Trần Việt Anh cho rằng, doanh nghiệp vẫn còn đang đối mặt với rất nhiều thách thức: "Một trong những cái khó mà doanh nghiệp phải đối diện là vấn đề số lượng lao động giảm. Cụ thể, các doanh nghiệp hoạt động dưới 1.000 nhân công và DN “3 tại chỗ” thì lực lượng nhân công quay lại làm việc chỉ đạt 70%; những doanh nghiệp trên 1.000 nhân công thì số lực lượng lao động làm việc sau dịch chỉ chiếm trên 50%".
Ông Trần Việt Anh cũng nhận định bên cạnh lao động, doanh nghiệp hiện đang gặp khó về vốn vay để chuẩn bị nguyên liệu, đầu tư cho sản xuất 2022.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đặng Hiến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM (HBA)chỉ ra rằng: "Dựa trên những số liệu khảo sát về hệ luỵ của dịch gây ra thì từ giờ đến cuối năm, những vấn đề như ăn uống, mua sắm,… sẽ có chiều hướng đi xuống so với cùng kỳ năm ngoái".
Giải pháp trước sức cầu giảm
Đánh giá về quy mô gói hỗ trợ của các nước, PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Tp. Hồ Chí Minh cho hay mỗi nước đều khác nhau, song bình quân các nước phát triển là 16% GDP, đơn cử Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản. Các nước có thu nhập trung bình cao như Thái Lan cũng có gói trên 15% GDP.
Trong khi đó, hai năm qua, để ứng phó dịch bệnh và hỗ trợ kinh tế phục hồi, tổng gói hỗ trợ của Việt Nam chỉ khoảng 4% GDP năm 2020, tương đương 13,7 tỷ USD, thấp hơn hàng loạt các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp.
Song vấn đề quan trọng hơn hết mà ông Ngân đề cập là cần có những kiến nghị trình lên Quốc hội nhằm tạo ra một gói cứu trợ với quy mô đủ lớn để phát triển kinh tế.
Ông Ngân khẳng định điều đầu tiên Việt Nam cần làm là đưa ra được một thông điệp để các doanh nghiệp tin tưởng chúng ta sẽ kiểm soát tốt dịch, không còn giãn cách nghiêm ngặt, đóng cửa hay đứt quãng sản xuất. Do đó, cần phải dành nguồn lực cho ngành y tế có thể đảm bảo kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Tiếp đó, ông Ngân đề nghị cần tiếp tục có gói hỗ trợ cho doanh nghiệp theo 2 hình thức trực tiếp và gián tiếp.
Đối với dòng tiền, ông Ngân nhấn mạnh phải hỗ trợ cho doanh nghiệp vay được vốn. Trong đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn do gặp khó về tài sản thế chấp nên cần khôi phục quỹ bảo lãnh cho nhóm doanh nghiệp này.
"Bên cạnh đó, cần hỗ trợ lãi suất vay cho doanh nghiệp, khoảng 2% mỗi năm. Đồng thời, tăng gói đầu tư công để tập trung cho việc hoàn thiện cao tốc Bắc - Nam. Điều này sẽ giúp chúng ta giảm chi phí logistic lại", ông Ngân chia sẻ thêm.
Đề xuất các gói hỗ trợ mới
Ông Ngân cho rằng các gói hỗ trợ cần hướng đến 2 khía cạnh, một bên là nhận hỗ trợ để chia sẻ, giữ chân người lao động và một bên là nhận hỗ trợ để thúc đẩy tăng trưởng.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Việt Anh cho rằng tất cả các gói hỗ trợ đều cần thiết, song cần phải xác định gói hỗ trợ đúng đối tượng, nên tập trung vào doanh nghiệp có thể hoặc đang hoạt động, có kế hoạch cho 2021 nhưng bị dừng lại do dịch và đã có kế hoạch cho 2022.
"Gói hỗ trợ mới phải là gói cần sử dụng ngay cho nhóm trên, ưu tiên cho các doanh nghiệp có số lượng lao động lớn bởi lực lượng lao động này chính là người tiêu dùng, người tạo ta nguồn cầu cho TP" - ông Việt Anh đề xuất.
Phó Chủ tịch HUBA cho rằng doanh nghiệp cần một thủ tục tiếp cận vốn nhanh, đồng thời những chính sách miễn và giảm cần phải rõ ràng. Theo ông, hiện Việt Nam đang nhập khẩu nguyên vật liệu rất lớn, đến 70-80%, khi hàng về doanh nghiệp phải đóng ngay VAT nên doanh nghiệp đang mong giảm, giãn thuế này.
Ngoài ra, ông Việt Anh cũng đề xuất cần có gói hỗ trợ an sinh cho người lao động, lo nơi ăn chốn ở đạt chuẩn, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn để cải tạo nhà trọ theo đúng chuẩn, có internet,...
Thêm vào đó, hiện các doanh nghiệp và người lao động rất chờ được để tiêm mũi 3, do đó cơ quan chức năng cần có trả lời cho các doanh nghiệp là khi nào người lao động được tiêm mũi 3.
Đối với biến chủng mới Omicron, ông Việt Anh cũng cho rằng Bộ Y tế cần thông tin chính thức về mức độ nguy hiểm để người lao động phòng ngừa và doanh nghiệp chủ động phòng, chống dịch.
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/goi-ho-tro-kinh-te-can-ho-tro-dung-nguoi-dung-doanh-nghiep-a6819.html