Có cần thêm chính sách tổng thể cho sản xuất ô tô trong nước?

Các chuyên gia cho rằng chính sách mới sẽ hỗ trợ nền kinh tế; tuy vậy, vẫn cần có thêm chính sách tổng thể giúp phát triển ngành sản xuất ô tô trong nước.

Những ngày đầu áp dụng chính sách giảm 50% phí trước bạ với xe sản xuất, lắp ra trong nước, người dân đến làm thủ tục tại các điểm đăng ký xe trên địa bàn Hà Nội tăng vọt. Nhiều nơi ghi nhận xảy ra tình trạng quá tải.

Chị Kiều Thu Phương (30 tuổi, Hà Nội) hôm 4/12 vừa rồi đăng ký trước bạ thành công cho chiếc xe ô tô mới mua của mình. Năm 2020, Nhà nước cũng từng giảm lệ phí trước bạ với xe ô tô sản xuất trong nước nhưng thời điểm đó chị không đủ tiền. Chị nói: "Tôi thường đọc báo và chờ thông tin quyết định giảm mới mua xe. Hôm 1/12 tôi định đi nhưng theo dõi thấy điểm đăng ký đông người nên đợi vài hôm mới đi dù đã mua xe".

Chị Phương cho biết nhờ chính sách nên được giảm hơn 30 triệu đồng so với việc đăng ký trước đây. 

Chính sách - Có cần thêm chính sách tổng thể cho sản xuất ô tô trong nước?

Tại điểm đăng ký xe địa chỉ 1234 Đường Láng (quận Đống Đa, Hà Nội), lượng lớn người dân đến đăng ký xe ô tô. (Ảnh: Hữu Thắng)

Chị Phạm Ngọc Giang (24 tuổi, Hà Nội) hiện là nhân viên văn phòng cho công ty cung cấp dịch vụ hải quan, nhập khẩu thiết bị y tế. Chị Giang cũng mới làm thủ tục mua xe, chị nói: "Tôi đi làm gần 2 năm nên chưa đủ tiền, tuy nhiên đợt này theo thông tin nếu mua xe được giảm vài chục triệu phí trước bạ so với trước nên ngoài phần tích góp được, bố mẹ giúp tôi thêm kinh phí". Chị cho biết nếu không nhờ quyết định giảm lệ phí trước bạ này, có thể rất lâu sau chị mới sở hữu xe ô tô. 

Theo số liệu của Tổng cục Thuế, lượng xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thực hiện đăng ký nộp lệ phí trước bạ trong ngày đầu tiên áp dụng chính sách đạt 11.286 xe, gấp gần 10 lần so với mức 1.187 xe những ngày cuối tháng 11/2021.

Nguyên nhân do ngày 26/11 vừa rồi, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu hiện hành.

Theo đó, từ ngày 1/12 đến 31/5/2022, lệ phí trước bạ nộp lần đầu với ô tô lắp ráp trong nước được giảm 50%. Từ 1/6/2022, mức thu lệ phí trước bạ trở về mức cũ.

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chưa xứng với tiềm năng

Đánh giá về chính sách, PGS.TS Phạm Thế Anh - Chuyên gia Kinh tế trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng ở góc độ tiêu dùng, đối tượng có nhu cầu mua xe là những người có thu nhập cao. "Chính sách không hỗ trợ người yếu thế" - ông nói.

Bên cạnh đó, ở góc độ sản xuất, PGS Phạm Thế Anh nhận định, tỉ lệ nội địa hóa của xe lắp ráp trong nước chỉ dưới 10% giá trị, 90% còn lại là nhập khẩu. Chưa kể, 10% linh kiện sản xuất trong nước cũng chủ yếu từ doanh nghiệp FDI. 

Chính sách - Có cần thêm chính sách tổng thể cho sản xuất ô tô trong nước? (Hình 2).

PGS.TS Phạm Thế Anh cho rằng chính sách không hỗ trợ nhóm người yếu thế và đang kích nhầm vào người nước ngoài.

Theo ông, giá trị gia tăng từ lắp ráp nhỏ. "Do vậy, giảm phí trước bạ để khuyến khích tiêu dùng ô tô, dù là xe lắp ráp trong nước đang kích nhầm vào người nước ngoài" - ông cho hay.

TS Võ Trí Thành - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đánh giá mức tỉ lệ nội địa hóa của xe lắp ráp hiện ở mức thấp. 

Ông cho rằng việc phát triển ngành ô tô nội địa hiện vẫn là câu chuyện dài, gây tranh cãi. “Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chưa xứng với tiềm năng, chưa được gọi là thành công” - ông cho hay. 

Tuy nhiên, theo TS Võ Trí Thành, một chính sách không thể bắn được nhiều đích. 

Ông nhận định chính sách giảm 50% phí trước bạ này sẽ kích cầu khi người dân mua được xe với chi phí lăn bánh thấp hơn trước đây, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ngành ô tô "vượt khó". Ông nói: “Tại Việt Nam, tầng lớp trung lưu đủ khả năng mua ô tô đang ngày càng tăng; ô tô hiện có nhiều phân khúc và về lâu dài, không nên xem đây là mặt hàng xa xỉ. Như vậy, lượng người được hưởng chính sách không phải là ít".

Chính sách - Có cần thêm chính sách tổng thể cho sản xuất ô tô trong nước? (Hình 3).

TS Võ Trí Thành đánh giá mức tỉ lệ nội địa hóa của xe lắp ráp hiện ở mức thấp. 

Bên cạnh đó, TS Võ Trí Thành cũng cho rằng Việt Nam đang mở cửa kinh tế và có nhiều cam kết quốc tế phải thực thi. Chính sách sẽ gắn với sự phát triển nền kinh tế của đất nước. 

Theo ông Thành, đây chỉ là một chính sách trong nhiều chính sách được Nhà nước đưa ra để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động. “Còn nhiều chính sách khác hỗ trợ cho các ngành, nghề và đối tượng khác” - ông nói. 

Đặc biệt, việc giảm lệ phí sẽ kích thích sự tiêu dùng, đẩy nhanh lượng tiêu thụ hàng hóa, cụ thể ô tô sản xuất trong nước. "Như vậy, nguồn thu ngân sách sẽ tăng lên" - ông nói. 

Thực tế, giảm phí trước bạ không giúp giảm giá xe nhưng sẽ giảm các chi phí để xe lăn bánh. Việc giảm loại phí này cũng nhằm kích cầu tiêu dùng thị trường xe trong nước. Năm ngoái, khi áp dụng chính sách giảm 50% vào nửa cuối năm, số thu lệ phí trước bạ theo chính sách giảm 7.314 tỷ đồng nhưng tổng số thu ngân sách nhà nước tăng 14.110 tỷ đồng. 

6 tháng đầu năm ngoái (khi chưa giảm 50% phí trước bạ), lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trước bạ lần đầu là hơn 102.900 xe, bình quân gần 17.600 xe một tháng. Nửa cuối năm ngoái, số xe đăng ký gấp đôi. Đặc biệt, tháng cuối năm lượng xe đăng ký ghi nhận kỷ lục, đạt 29.382 chiếc. 

"Chính sách vẫn hỗ trợ toàn nền kinh tế"

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp tại Học viện Tài chính cho rằng cần có cái nhìn cởi mở hơn bởi chính sách vẫn hỗ trợ toàn nền kinh tế. 

Ông đồng tình rằng nhóm người mua xe ô tô hầu như đều có mức thu nhu nhập từ trung bình đến cao, không phải người thu nhập thấp. Theo ông, thu nhập và đời sống người lao động đang dần được nâng cao, xe ô tô sẽ trở thành hàng hóa bình thường.

Theo ông, dù đối tượng mua ô tô là ai, việc doanh số bán xe tăng sẽ thúc đẩy không chỉ ngành công nghiệp ô tô mà giúp thêm hàng chục nghìn lao động kéo theo có thêm thu nhập, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, hỗ trợ nền kinh tế.

Ông đưa số liệu, lượng xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trước bạ 6 tháng đầu năm 2021 là 160.095 xe, bình quân 26.682 chiếc/tháng, giảm 34% so với 6 tháng cuối năm 2020 (thời điểm áp dụng giảm 50% phí trước bạ). 

Theo ông, khi doanh số ô tô tăng lên, các ngành liên quan như sản xuất linh kiện, sơn, cao su để sản xuất lốp... cũng tăng theo. Lượng người lao động tham gia sản xuất mặt hàng này cũng có công ăn việc làm. "Xét về tổng thể, chính sách vẫn hỗ trợ nhóm người có thu nhập thấp và toàn bộ nền kinh tế" - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định. 

PGS.TS Phạm Thế Anh cũng cho rằng nhờ chính sách, ngân sách tháng cuối năm sẽ còn "bội thu". Tuy nhiên, theo ông, không nên công bố chính sách trước một khoảng thời gian dài để tránh tình trạng "găm xe" (hoặc trì hoãn mua xe) tới vài tháng mới đăng ký. 

"Khi thuế, phí ở chiều giảm, chính sách nên mang tính "úp sọt" sẽ tốt hơn. Việc này tránh tình trạng chen nhau đăng ký, dễ lây lan bệnh dịch" - PGS.TS Phạm Thế Anh nói thêm.

Chính sách - Có cần thêm chính sách tổng thể cho sản xuất ô tô trong nước? (Hình 4).

Việc đông người đăng ký ô tô khiến công tác phòng, chống dịch mất an toàn, nhiều người dân không đảm bảo khoảng cách khi chờ đợi. (Ảnh: Hữu Thắng)

Đại lý cắt bớt khuyến mãi: "Không nhìn thấy lợi ích lâu dài"

Từ đầu năm, dịch Covid-19 khiến thị trường xe bị ảnh hưởng nặng, các hãng xe và đại lý giảm giá sâu, tặng phụ kiện từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Nhưng từ sau hôm 26/11, khi chính thức có thông tin giảm 50% lệ phí trước bạ, nhiều đại lý lập tức có động thái cắt bớt mức ưu đãi.

Đối với Toyota, mức khuyến mãi giảm khoảng 10-20 triệu so với trước đó. Một số hãng co nhẹ mức ưu đãi là Mitsubishi, Honda và Ford. Các dòng xe của các hãng ưu đãi tiền mặt từ 20-25 triệu đồng giờ co về 15-25 triệu đồng. Với dòng xe sang, hiện chỉ có Mercedes có xe lắp ráp trong nước, mức khuyến mãi cũng giảm so với trước đó từ 3-5% giá xe giảm về 2-3%.

Trước vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá các hãng xe chỉ nhìn lợi ích trước mắt, không thấy lợi ích lâu dài. Theo ông, người tiêu dùng đều thông minh, sẽ nghiên cứu mức giá trước và sau khi giảm của các hãng. Đồng thời, họ có nhiều lựa chọn, nếu thấy không hợp lý thì sẵn sàng chuyển sang hãng khác. 

Chính sách - Có cần thêm chính sách tổng thể cho sản xuất ô tô trong nước? (Hình 5).

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá việc cắt bớt khuyến mại cho thấy đánh giá các hãng xe chỉ nhìn lợi ích trước mắt, không thấy lợi ích lâu dài. 

Anh Lê Mạnh Linh - Giám đốc kênh Mê Xe - đã làm việc với nhiều hãng xe, đánh giá động thái giảm phí đăng ký trước bạ sẽ kích cầu tiêu dùng, vực dậy doanh số của các hãng xe, giúp thị trường phục hồi. Anh cho rằng thời điểm này các hãng không nên cắt bớt khuyến mại so với trước đây vì nó còn liên quan đến vấn đề đạo đức trong kinh doanh. 

Ngoài ra, anh cho biết các hãng xe phản hồi rằng chính sách chỉ giúp giảm lệ phí xe sản xuất trong nước, không giảm xe nhập. Theo anh Linh, hầu hết các xe nhập có giá cao, phục vụ nhóm người thu nhập tương ứng nên không nhất thiết hỗ trợ nhóm này mà nên ưu tiên nhóm khác. 

"Ngoài ra, hãng xe sản xuất, lắp ráp trong nước mới chịu ảnh hưởng nặng từ đợt dịch Covid-19 lần 4 tại Việt Nam. Doanh nghiệp nước ngoài đã có nước họ hỗ trợ" - anh nhấn mạnh. 

Thực tế, chính sách giảm 50% phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước góp phần quan trọng giúp ngành ô tô phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng.

Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, trong giá bán xe, có tới khoảng một nửa là thuế, phí (VAT, nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, phí trước bạ). Một chiếc xe lắp ráp trong nước có giá lăn bánh là 1 tỷ đồng thì có tới 500 triệu là thuế, phí. "Chưa kể, nuôi một chiếc xe còn phải nộp phí bảo trì đường bộ, tiêu thụ xăng dầu" - ông nói. 

Bên cạnh đó, với công nghiệp hỗ trợ, hiện chỉ có quy định chung về ưu đãi đầu tư cho tất cả các dự án, trong khi ngành này đòi hỏi sự chuyên sâu về công nghệ và kỹ thuật, việc quy định chung như vậy không khuyến khích đầu tư vào công đoạn có kỹ thuật cao. 

Hơn nữa, hỗ trợ lại không xét đến quy mô đầu tư nên không tạo động lực cho các doanh nghiệp đầu tư lớn. Chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam đối với công nghiệp hỗ trợ ô tô hiện còn sơ sài.

Để tạo ra sự phát triển mạnh mẽ cho ngành công nghiệp ô tô, cũng như cho nền kinh tế và đáp ứng nhu cầu của người dân, phải chăng vẫn cần có chính sách tổng thể hấp dẫn và dài hạn hơn để phát triển ngành sản xuất ô tô trong nước.

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/co-can-them-chinh-sach-tong-the-cho-san-xuat-o-to-trong-nuoc-a6674.html