Chiều 11-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến dự Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp (DN) công nghệ số Việt Nam lần thứ III với chủ đề "Chuyển đổi số - động lực phục hồi và phát triển kinh tế". Diễn đàn do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tổ chức.
Doanh nghiệp thiếu sự liên kết
Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Việt Nam đã sẵn sàng cho sự phát triển số mạnh mẽ. Trong tiến trình này, cần thêm cú hích là Chính phủ hoàn thiện thể chế số, hợp pháp hóa các tài sản số, sản phẩm, dịch vụ số và được pháp luật bảo vệ. "Chuyển đổi số tạo ra dữ liệu như một loại đất đai mới và kêu gọi DN nhận trách nhiệm phát triển các nền tảng chuyển đổi số quốc gia" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Ông Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, nhận định hạ tầng viễn thông công nghệ số đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi số quốc gia. Ông Dũng bày tỏ lo ngại, nếu Việt Nam tiếp diễn tình trạng đi mua các sản phẩm của nước ngoài sẽ không làm chủ được công nghệ cũng như không bảo đảm an toàn bảo mật thông tin.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm công nghệ số của doanh nghiệp Việt Ảnh: MINH SƠN
Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), cho rằng chuyển đổi số sẽ là "bàn đạp" để khôi phục ngành du lịch. Vừa qua, ngành du lịch đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu như hệ thống khách sạn, hướng dẫn viên du lịch nội địa - quốc tế, lữ hành; xây dựng nền tảng kết nối liên thông các cơ quan quản lý địa phương và DN; thiết lập ứng dụng công nghệ hỗ trợ khách du lịch…
Theo ông Kurt Bình, Giám đốc điều hành Công ty Smartlog, logistics như một mạch máu quan trọng và việc đứt gãy chuỗi cung ứng trong đợt dịch vừa qua càng chứng minh cho tầm quan trọng của logistics đối với nền kinh tế. "Chi tiêu cho ngành này chiếm hàng chục tỉ USD, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế như còn phân mảnh, thiếu sự liên kết, lãng phí phương tiện và chuyển đổi số không đồng đều" - ông Kurt Bình chỉ rõ.
Phải phát triển bền vững
Lắng nghe các nội dung thảo luận và góp ý của cộng đồng DN công nghệ số, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết có 2 cảm xúc khi tham gia diễn đàn này. Thứ nhất, là tâm trạng rất vui khi các bộ - ngành, DN, người dân đã có một quyết tâm chuyển đổi số rất mạnh mẽ.
"Nhiều sản phẩm công nghệ số đã được vinh danh, rất thiết thực với cuộc sống, phù hợp thực tiễn yêu cầu phát triển của đất nước" - Thủ tướng nhận xét và khẳng định các sản phẩm công nghệ số đã làm lợi cho người dân, góp phần cho sự phát triển chung của đất nước.
Bên cạnh niềm vui đó, Thủ tướng cũng bày tỏ lo lắng bởi chúng ta có tham vọng lớn, yêu cầu cao nhưng thời gian có hạn, bối cảnh năm 2022 còn nhiều khó khăn. "Vậy phải làm thế nào để diễn đàn năm 2022, khi chúng ta lại ngồi đây, sẽ có nhiều sản phẩm hơn, chất lượng hơn và người dân được hưởng lợi hơn so với năm 2021" - Thủ tướng đặt vấn đề.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ chuyển đổi số phải tham gia vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, phát triển bền vững. Chuyển đổi số phải tham gia vào quá trình phòng chống dịch Covid-19; phục vụ cho chống biến đổi khí hậu, góp phần chuyển đổi xanh; chuyển đổi số phục vụ cho học tập, làm việc từ trực tiếp sang trực tuyến và kết hợp giữa trực tiếp với trực tuyến. Một yêu cầu quan trọng khác được Thủ tướng "đặt hàng" là chuyển đổi số phải khắc phục già hóa dân số.
Thủ tướng khẳng định mục tiêu lớn nhất của chuyển đổi số là phục vụ cho cuộc sống của người dân ngày một ấm no, hạnh phúc, đất nước ngày càng hùng cường, thịnh vượng. Thủ tướng mong các DN sẽ làm được những nhiệm vụ vừa nêu và tránh 2 khuynh hướng là chủ quan nóng vội và cầu toàn.
3 trụ cột
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp lần thứ nhất của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số ngày 30-11. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu chuyển đổi số với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Theo từng lĩnh vực, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành chủ quản sớm thúc đẩy, hoàn thiện các nhiệm vụ, gồm: cơ sở dữ liệu dân cư; sử dụng hóa đơn điện tử, phổ cập chữ ký số; phổ cập thanh toán số, thanh toán không dùng tiền mặt...
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/chuyen-doi-so-de-giup-dat-nuoc-thinh-vuong-a6611.html