Sở Công Thương TP HCM lý giải vì sao bệnh viện thu phí xét nghiệm với shipper

(NLĐO) - Sở Công Thương TP HCM nhận được một số phản ánh về việc dù kit test được cấp miễn phí nhưng có tình trạng thu phí với mức 75.000 đồng/bộ xét nghiệm nhanh.

Sở Công Thương TP HCM lý giải vì sao bệnh thu phí xét nghiệm với shipper - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi họp báo định kỳ về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP HCM

Tại buổi họp báo định kỳ về công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP HCM chiều 24-9, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM, thông tin hiện TP đang điều trị 40.504 bệnh nhân, trong đó có 3.799 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.037 bệnh nhân nặng đang thở máy và 23 bệnh nhân can thiệp ECMO. 

Trong ngày 23-9, TP có 3.591 bệnh nhân nhập viện và 3.260 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 1-1 đến nay là 183.471), 140 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 1-1 đến nay là 14.124). "Nếu ngày 22-8 số ca tử vong là 340 thì đến nay, ngày 23-9 còn 140, giảm 200 ca so với thời điểm trước đó" – ông Hải chia sẻ.

Sở Công Thương TP HCM lý giải vì sao bệnh thu phí xét nghiệm với shipper - Ảnh 2.

Ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM

Thông tin về tình hình tiêm chủng trên địa bàn TP HCM, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), cho biết ngày 23-9, HCDC đã nhận hơn 600.000 liều vắc-xin phòng Covid-19 gồm Pfizer và AstraZeneca do Bộ Y tế phân bổ. TP vẫn tiếp tục tiêm vắc-xin trong thời gian tới. Tính đến nay, tại kho của HCDC còn tổng công hơn 1 triệu liệu vắc-xin các loại.

Về việc xét nghiệm cho shipper, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM, cho biết đơn vị đã phối hợp với Sở Công Thương và HCDC tập huấn cho doanh có shipper tự test nhanh; đồng thời đã cấp phát kit test nhanh cho Sở Công Thương để phân bổ đến các doanh nghiệp này.

Giải thích về việc vì sao có sự tụ tập đông người trong ngày 24-9, bà Mai cho biết các đơn vị, doanh nghiệp không chỉ có shipper mà còn có tài xế công nghệ nên nhu cầu xét nghiệm đông. Tuy nhiên, chỉ những shipper mới được ưu tiên xét nghiệm miễn phí, do đó, các đơn vị cần điều phối tài xế chạy xe công nghệ thực hiện xét nghiệm chỗ khác chứ không thể tập trung tại chỗ như hiện nay.

Thông tin thêm về việc xét nghiệm cho shipper, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP HCM cho biết mục đích của việc giao cho shipper tự xét nghiệm là để tránh tình trạng tập trung đông người và bị động cho trạm y tế.

Sở Công Thương TP HCM lý giải vì sao bệnh thu phí xét nghiệm với shipper - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP HCM

"Định hướng sắp tới là giúp doanh nghiệp chủ động tự xét nghiệm, tự chịu trách nhiệm và người lao động phải nâng cao ý thức bảo vệ bản thân, phòng chống dịch. Do đó, chủ trương cho các đơn vị tự xét nghiệm là hoàn toàn chính xác, nếu thực hiện tốt sẽ giúp giải quyết được nhiều vấn đề trong tập trung đông người, quản lý, kiểm tra, kiểm soát tốt hơn" - ông Phương nhấn mạnh.

Ông Phương cũng chia sẻ hôm nay (24-9), Sở nhận được một số phản ánh về việc dù kit test được cấp miễn phí nhưng có tình trạng thu phí với mức 75.000 đồng/bộ xét nghiệm nhanh. Qua kiểm tra, ông Phương cho biết có 2 đơn vị thu phí xét nghiệm của shipper.

Lý giải nguyên nhân này, ông Phương cho biết do doanh nghiệp nhận kit test trễ, đến trưa cùng ngày mới nhận nên trước đó, doanh nghiệp có hợp đồng với Bệnh viện Lê Văn Thịnh và yêu cầu shipper tới xét nghiệm có trả phí 75.000 đồng. Đơn vị thứ 2 cũng thu phí của shipper với mức giá tương tự, xét nghiệm tại Bệnh viện Tâm Anh.

Theo ông Phương, sở đã làm việc và đề nghị các đơn vị không được thu khoản phí nào và yêu cầu chấm dứt việc thu tiền xét nghiệm. Doanh nghiệp hướng dẫn xét nghiệm mẫu gộp 3, sau khi xét nghiệm xong có thể gửi hình ảnh về cho công ty để tải lên hệ thống kho dữ liệu của TP nhằm kiểm tra, kiểm soát. Cơ quan chức năng kiểm tra nếu phát hiện vi phạm thì sẽ có chế tài, cụ thể là yêu cầu shipper tắt app, không hoạt động nữa.

"2 đơn vị đã thu phí thì sở sẽ làm việc và thu hồi kit test mà họ đã thu tiền của shipper" - ông Phương cho biết.

Về việc tiêm vắc-xin cho shipper, theo ông Phương, qua số liệu cập nhật TP có 160.000 shipper, trong đó, có gần 2.000 chưa tiêm và hơn 33.000 đã tiêm 2 mũi.

Có hay không chuyện mua bán gói thuốc C?

Về gói thuốc A-B-C, bà Mai cho biết TP có chương trình quản lý, điều trị F0 tại nhà để họ không thấy đơn độc. Do đó, TP đã chi ngân sách để chuẩn bị 300.000 túi thuốc F0 gồm gói thuốc A và B cho F0 điều trị tại nhà và cả bệnh viện.

Thời gian qua, các đơn vị được giao nhiệm vụ đấu thầu và mua các túi thuốc F0 A-B đã mua được 130.000 túi. Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng nhận được 50.000 túi từ các mạnh thường quân. Đến nay, TP đã phát về Trung tâm y tế quận huyện và TP Thủ Đức là 160.000 túi thuốc A-B và 19.000 gói thuốc C.

Qua theo dõi, các đơn vị đã phát hơn 115.000 túi thuốc A-B và 12.000 túi thuốc C đến các F0 đang điều trị tại nhà. Riêng các bệnh viện, Sở Y tế đã phân bổ 12.000 túi thuốc và các bệnh viện đã sử dụng hơn 3.700 gói.

Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động về liệu có hay không việc mua bán gói thuốc C thay vì cấp phát miễn phí, bà Mai cho biết Sở đang phối hợp với Công an TP HCM điều tra, sẽ thông tin sau.

Thông tin thêm tại cuộc họp, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM cho biết TP đã lập 22 đoàn kiểm tra, giám sát thực hiện phòng chống dịch trên địa bàn 22 quận, huyện và TP Thủ Đức.

Tính đến 11 giờ trưa cùng ngày đã có 14/22 đoàn làm việc với các địa phương. Hiện còn 8 đơn vị sẽ tiếp tục kiểm tra trong thời gian tới, sau khi làm xong sẽ có đánh giá tổng thể việc thực hiện toàn TP theo quyết định 3979 của Bộ Y tế.

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/so-cong-thuong-tp-hcm-ly-giai-vi-sao-benh-vien-thu-phi-xet-nghiem-voi-shipper-a652.html