Nguy cơ dịch bùng phát rất cao tại Hà Nội
Sáng 9/12, HĐND TP Hà Nội thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, việc triển khai các biện pháp tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Trả lời về tình hình dịch trên địa bàn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, trong giai đoạn vừa qua, dịch bệnh trên địa bàn thành phố có diễn biến phức tạp, trong thời gian gần đây, từ ngày 11/10, số ca mắc tăng cao.
Trong đó, ngày 6/12, phát hiện số ca mắc cao nhất từ trước đến nay là 774 ca và ngay trong sáng 9/12, đã có 172 ca dương tính.
"Dự báo tình hình số ca mắc Covid-19 vẫn tăng cao, có thể dự báo số ca mắc lên 1.000 ca/ngày trong thời gian sắp tới.
Dịch đã lây lan trong cộng đồng, nguy cơ bùng phát rất cao tại tất cả quận, huyện, thị xã và có thể xuất hiện biến chủng Omicron lây lan cao hơn Alpha, Delta", bà Hà nói.
Tuy nhiên, theo bà Hà, tỷ lệ tiêm 2 mũi vắc xin hiện nay tại Hà Nội đã rất cao, trên 95% nên dù số ca mắc tăng cao nhưng hầu hết ca bệnh nhẹ và không có triệu chứng có thể điều trị tại nhà, tại y tế cơ sở.
Về nguyên nhân diễn biến dịch phức tạp, theo bà Hà, do mầm bệnh đã có ở cộng đồng, đặc điểm địa lý đa dạng, dân cư di biến động phức tạp qua các tỉnh, thành phố và thời điểm cuối năm các hoạt động giao lưu, giao thương, sản xuất kinh doanh trở lại rất mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, bà Hà cho rằng, người nhập cảnh vào Việt Nam cũng là điều kiện thuận lợi xâm nhập các biến chủng mới và khí hậu mùa đông xuân cũng là điều kiện thuận lợi để virus phát triển. Ngoài ra, tâm lý chủ quan của người dân khi đã tiêm đủ vắc xin.
Quang cảnh kỳ họp HĐND TP Hà Nội.
"Trước những dự báo như vậy có thể thấy diễn biến tình hình dịch phức tạp, tuy nhiên, nếu tập trung thực hiện giải pháp đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống, đồng thuận của người dân, chấp hành nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch thì Hà Nội vẫn cơ bản kiểm soát chủ động được dịch bệnh", bà Hà nêu rõ.
Đối với biến chủng Omicron, theo bà Hà, ghi nhận đầu tiên ở Nam Phi và tiếp đó, nhiều nơi trên thế giới cũng đã phát hiện. Đây là biến chủng có nhiều đột biến gen nhất của virus SARS-CoV-2, dự báo lây lan mạnh hơn, tái nhiễm nhiều hơn.
Tuy vậy, chưa có dữ liệu chứng minh biến chủng có thể gây bệnh nặng hơn các biến chủng khác và thông tin từ WHO thì vắc xin vẫn có bảo vệ.
Đối với Hà Nội, theo bà Hà, chưa ghi nhận trong cộng đồng biến chủng mới này nhưng ngành y tế vẫn liên tục cập nhật thông tin để có giải pháp phù hợp và tăng cường tập huấn, cập nhật kiến thức để có thể ứng phó với biến chủng mới.
Sở đã chỉ đạo CDC Hà Nội phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ giải trình tự gen với các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới hoặc các trường hợp nhập cảnh có yếu tố dịch tễ đi về từ các quốc gia có biến chủng Omicron.
"Chúng tôi cũng đã kiến nghị dừng các chuyến bay về từ những quốc gia có biến chủng này. Người dân cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, để có thể ứng phó với biến chủng này", bà Hà nêu thêm.
90 - 92% bệnh nhân Hà Nội nhẹ, không triệu chứng
Về giải pháp điều trị trong thời gian tới, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay, thành phố đã có giải pháp đáp ứng điều trị 100.000 ca bệnh và phân luồng, tầng khoa học làm sao không quá tải các tầng trên.
Với bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng điều trị tại nhà, tại cơ sở. Đồng thời, thành lập các cơ sở thu dung tuyến thành phố, đáp ứng khoảng 22.000 giường bệnh, tuyến quận, huyện là 70.000 giường bệnh, còn lại các bệnh viện thu dung bệnh nhân trung bình, nặng, nguy kịch khoảng 8.000 giường bệnh.
Lãnh đạo Sở Y tế cũng thông tin, ở Hà Nội có khoảng 90 - 92% bệnh nhân nhẹ, không có triệu chứng và khoảng 8% bệnh nhân có triệu chứng trung bình, nặng, nguy kịch.
Với tầng 1, các bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng có thể điều trị tại nhà, các trạm y tế lưu động, các cơ sở thu dung tuyến thành phố. Với tầng 2, có thể điều trị tại các bệnh viện quận, huyện, thành phố và tầng 3 có thể điều trị tại các BV hạng 1, BV tuyến TƯ.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội chỉ rõ, hiện tại tỷ lệ bệnh nhân nặng ở Hà Nội chiếm khoảng 1,2% và đây là con số quan trọng để tiên lượng việc đáp ứng các điều kiện y tế. Đối với, tỷ lệ tử vong ở Hà Nội rất thấp, khoảng 0,34%.
Lãnh đạo Sở Y tế cũng cho rằng, việc phân tầng điều trị rất quan trọng, trong đó, đã quán triệt bệnh viện tuyến trên không tiếp nhận bệnh nhân nhẹ không có triệu chứng để tránh quá tải.
Về đảm bảo cơ số thuốc điều trị, bà Hà nói, thành phố đã chuẩn bị đầy đủ, cấp phát cho người điều trị tại nhà, tại cơ sở y tế lưu động. Chuẩn bị đầy đủ ở mọi tuyến để người bệnh tiếp cận sớm nhất khi có triệu chứng chuyển tầng. Cả thuốc A, B, C, thuốc kháng virus được Bộ Y tế cung cấp, đã sẵn sàng đáp ứng cho người dân.
Về điều trị F0 tại nhà, cách ly F1 tại nhà, Giám đốc Sở Y tế nêu rõ, thành phố đã giao cho chính quyền cơ sở, tổ Covid, nhân viên y tế cộng đồng tiếp cận, rà soát từng hộ gia đình.
Cụ thể, đã rà soát trên 2,1 triệu hộ gia đình, có khoảng 805.000 hộ đủ điều kiện có đủ điều kiện cách ly F1, điều trị F1 tại nhà.
Hiện đã cách ly 21,000 F1 tại nhà và với F0 điều trị tại nhà đã thực hiện trên tất cả quận huyện, với 150 ca nhẹ, không triệu chứng đang điều trị tại nhà.
Trí Thức Trẻ
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/giam-doc-so-y-te-ha-noi-so-ca-covid-19-co-the-len-1000-cangay-a6412.html