Có trường hợp xét nghiệm "mãi vẫn âm tính"
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm- Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, Tp.HCM, trường hợp sống chung nhà với F0 nhưng xét nghiệm nhiều lần vẫn âm tính thường có 2 khả năng xảy ra.
Thứ nhất, người xét nghiệm "mãi vẫn âm tính" bị bệnh từ trước, rồi lây cho người khác, sau đó khỏi bệnh. Điều này cho thấy, người này nhiễm nCoV nhưng không triệu chứng và tự khỏi. Khi đã khỏi bệnh thì test nhanh không thể ra kết quả dương tính.
Thứ hai là do người này được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đầy đủ. Bác sĩ Khanh cho biết, người tiêm đủ 2 mũi vắc-xin sẽ xảy ra các trường hợp như không bị lây nhiễm SARS-CoV-2, bị lây nhiễm gây bệnh nhẹ, bị lây nhiễm gây bệnh nặng (nhưng không đến mức tử vong) và số ít dù tiêm vắc-xin nhưng vẫn ảnh hưởng tính mạng.
Chuyên gia cho rằng, ở chung nhà với F0 nhưng xét nghiệm âm tính là chuyện bình thường, đặc biệt trong bối cảnh nhiều người được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19.
Bác sĩ Khanh lý giải thêm, một người tiêm đủ 2 mũi vắc-xin Covid-19, trong cơ thể đã có lượng kháng thể nhất định. Khi tiếp xúc với F0 (người này cũng đã tiêm đủ 2 mũi) thì có thể không bị lây nhiễm. Bởi theo nghiên cứu người tiêm đủ vắc-xin khi là F0 thường phát tán tán ít virus hơn người chưa tiêm.
Liên quan đến câu hỏi vì sao sống chung với F0 nhưng xét nghiệm âm tính, trao đổi với báo chí, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cũng cho rằng, việc ở chung với F0 xét nghiệm âm tính là chuyện bình thường.
Ngưỡng chống chọi với bệnh tật của mỗi con người khác nhau, khả năng lây nhiễm cũng khác, với bất kỳ một bệnh nhiễm trùng nào cũng vậy. Về bệnh học, việc một người bị lây nhiễm hay không phụ thuộc vào các yếu tố như: Thời gian tiếp xúc với F0 nhiều hay ít, nồng độ virus xâm nhập vào cơ thể cao hay thấp và khả năng miễn dịch tại chỗ của người đó ở mức độ nào…
Vì sao xét nghiệm “lúc dương, lúc âm”?
Liên quan đến kết quả xét nghiệm "lúc dương, lúc âm". BS. Trương Hữu Khanh cũng từng chia sẻ: "Có nhiều trường hợp test nhanh thì dương nhưng mua loại test khác lại thấy âm, xét nghiệm PCR cũng cho kết quả âm tính. Khi đó việc khẳng định test đầu tiên cho kết quả sai là không chính xác, vì đầu tăm bông lấy mẫu lần sau không có virus chứ không chắc lần 1 sai. Ngay cả xét nghiệm PCR cũng có khi nơi này dương, nơi khác âm (nhất là dương với CT cao) vì đầu tăm bông của que quẹt lấy 2 lần khác nhau".
Trong làn sóng dịch Covid-19, xét nghiệm nhanh kháng nguyên hay xét nghiệm RT-PCR đã không còn là vấn đề xa lạ với nhiều người, nhiều địa phương đã triển khai hướng dẫn người dân tự thực hiện xét nghiệm test nhanh tại nhà, nhiều trường hợp người dân tự đến các đơn vị cung cấp dịch vụ xét nghiệm để tự thực hiện xét nghiệm…
Có nhiều nguyên nhân có thể khiến kết quả xét nghiệm Covid-19 "lúc âm, lúc dương" điều này có thể gây nên những ảnh hưởng tiêu cực nhất là tâm lý hoang mang ở người bệnh.
Các chuyên gia khuyến cáo, dù kết quả xét nghiệm là âm hay dương cũng cần lắng nghe cơ thể, lắng nghe sức khỏe của bản thân, cần tiêm vắc-xin phòng Covid-19, tuân thủ thực hiện 5K kể cả kết quả xét nghiệm âm tính hay dương tính để bảo vệ những người xung quanh.
Sau khi tiếp xúc với F0, nên xét nghiệm Covid-19 lúc nào?
Một vấn đề khiến nhiều người đặc biệt quan tâm đó là sau khi tiếp xúc với F0, nên xét nghiệm Covid-19 lúc nào để có kết quả chính xác?
Theo BSCKII Trần Thị Thanh Nga, Giám đốc Trung tâm Xét nghiệm (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Tp.HCM), khi biết mình tiếp xúc với F0, người dân nên xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên hoặc xét nghiệm RT-PCR. Phương pháp xét nghiệm nào thuận tiện và dễ tiếp cận nhất thì thực hiện. Tuy nhiên, người dân cần chú ý đến thời điểm xét nghiệm để có kết quả chính xác.
Sở dĩ, cần phải tuân theo khoảng thời gian xét nghiệm là do virus SARS-CoV-2 khi xâm nhập vào cơ thể sẽ cần thời gian để sinh sôi và phát triển đến mức “đủ” số lượng để các xét nghiệm mới có thể phát hiện được.
Theo đó, 2 trường hợp cần xem xét thời gian thực hiện xét nghiệm sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh gồm:
Với người chưa tiêm vắc-xin, thời gian sớm nhất có thể cho ra kết quả dương tính trong khoảng 24 đến 48 giờ.
Với người đã tiêm vắc-xin, khoảng thời gian xét nghiệm dương tính từ 5 đến 7 ngày tính từ thời điểm tiếp xúc với mầm bệnh.
Đối với những người có triệu chứng, nếu xét nghiệm với bộ test nhanh kháng nguyên có kết quả âm tính thì cần xét nghiệm lần 2 vào khoảng 24 đến 48 giờ sau đó. Nếu tiếp tục cho kết quả âm tính thì phải xét nghiệm RT-PCR.
Ngoài ra, trong lúc chờ xét nghiệm, người dân dù tiêm hay chưa tiêm vắc-xin vẫn cần tự cách ly, tránh tiếp xúc, đảm bảo quy tắc 5K để không lây bệnh cho người khác.
Vắc-xin hiện tại dù đạt hiệu quả cao nhưng không loại trừ 100% nguy cơ lây nhiễm. Một người nhiễm dù không triệu chứng nhưng vẫn có thể lây cho người khác. Các nghiên cứu cho thấy khoảng 59% số người nhiễm bị lây từ F0 không triệu chứng.
Minh Vy (T/h từ VTC, Sức khỏe Đời sống, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh)
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/vi-sao-song-chung-voi-f0-nhung-xet-nghiem-am-tinh-a6278.html