Bên trong nơi nghiên cứu và điều trị ca Covid-19 nặng ở Huế

Chiều ngày 7/12, Trung tâm nghiên cứu và điều trị Covid-19 Trung ương Huế trực thuộc Bệnh viện Trung ương Huế đã chính thức đi vào hoạt động.

Đến dự buổi lễ khánh thành, có sự tham dự của ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Phan Thiên Định – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Huế và GS.TS Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế.

Sự kiện - Bên trong nơi nghiên cứu và điều trị ca Covid-19 nặng ở Huế

GS.TS Phạm Như Hiệp giới thiệu sơ đồ hoạt động của Trung tâm với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Trung tâm này được đặt tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế với quy mô 300 giường bệnh và sẽ được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế dịch bệnh Covid-19.

Sự kiện - Bên trong nơi nghiên cứu và điều trị ca Covid-19 nặng ở Huế (Hình 2).
Sự kiện - Bên trong nơi nghiên cứu và điều trị ca Covid-19 nặng ở Huế (Hình 3).

Trung tâm được đặt tách biệt trong khuôn viên Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, đảm bảo các biện pháp phòng dịch.

Trung tâm có chức năng cấp cứu, hồi sức tích cực, điều trị, nghiên cứu và đào tạo về Covid-19, đồng thời là cơ sở điều trị có nhiệm vụ thu dung, điều trị và thực hiện các kỹ thuật hồi sức tích cực, phức tạp cho các trường hợp bệnh nặng, nguy kịch trong bậc thang điều trị ca bệnh Covid-19 theo sự phân công của Bộ Y tế. Trung tâm có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại như máy thở, ECMO, hệ thống DSA, X-quang, siêu âm, monitor theo dõi, máy chạy thận nhân tạo… hệ thống ôxy, khí y tế và dự trù đầy đủ thuốc men, vật tư, hóa chất đảm bảo cho công tác điều trị và hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch.

Sự kiện - Bên trong nơi nghiên cứu và điều trị ca Covid-19 nặng ở Huế (Hình 4).

Tất cả các hoạt động của Trung tâm đều được theo dõi bằng hệ thống camera.

Sự kiện - Bên trong nơi nghiên cứu và điều trị ca Covid-19 nặng ở Huế (Hình 5).

Một bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm với hệ thống máy móc cùng các trang thiết bị hiện đại

Sự kiện - Bên trong nơi nghiên cứu và điều trị ca Covid-19 nặng ở Huế (Hình 6).
Sự kiện - Bên trong nơi nghiên cứu và điều trị ca Covid-19 nặng ở Huế (Hình 7).

Hệ thống nhà vệ sinh, hệ thống xử lý rác được đảm bảo sạch sẽ, tuân thủ các quy định nghiêm ngặt.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đánh giá rất cao vai trò của Bệnh viện Trung ương Huế trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thời gian qua tại Thừa Thiên - Huế và khu vực miền Trung. Bên cạnh đó bệnh viện cũng đã tích cực hỗ trợ chuyên môn trong điều trị bệnh nhân Covid-19 cho các tỉnh bạn như: Bắc Giang, Phú Yên, Quảng Ngãi, Bình Dương,… đặc biệt là tại Tp.Hồ Chí Minh.

Tại buổi lễ, quyết định bổ nhiệm Giám đốc điều hành Trung tâm cũng đã được trao cho TS.BS Nguyễn Thanh Xuân, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, một người giàu kinh nghiệm trong chống dịch Covid-19 ở Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Trung ương Huế tại Tp.Hồ Chí Minh.

Trung tâm ICU thuộc Bệnh viện Trung ương Huế tại Tp.Hồ Chí Minh được thành lập từ tháng 8/2021. Hiện tại Bệnh viện Trung ương Huế là đơn vị vẫn tiếp tục vận hành hoạt động Trung tâm ICU theo mô hình hỗ trợ cho Tp.Hồ Chí Minh.

Theo thống kê kết quả hoạt động cũng như đánh giá của lãnh đạo Tp.Hồ Chí Minh và Bộ Y tế, đây là một trong những trung tâm đã hỗ trợ rất hiệu quả với đa phương thức hoạt động từ cấp cứu hồi sức, điều trị, đào tạo, chỉ đạo tuyến, hội chẩn trực tuyến…

Cho đến nay, Trung tâm đã huy động đến 831 nhân lực của 5 bệnh viện tuyến Trung ương gồm: Bệnh viện Trung ương Huế chiếm trên 50% tổng nhân lực, còn lại là các Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, C Đà Nẵng, Đa khoa Trung ương Quảng Nam, Phong Da liễu Quy Hòa.

Trung tâm với quy mô 614 giường, trong đó 8 giường cấp cứu, 252 giường hồi sức nguy kịch, 252 giường bệnh nhân nặng - thoát hồi sức, 112 giường chuẩn bị ra viện, với hệ thống cận lâm sàng hoàn chỉnh từ chẩn đoán hình ảnh, siêu âm, xét nghiệm sinh hóa, huyết học, vi sinh với gần 20.000 mẫu PCR, hàng chục ngàn mẫu xét nghiệm khác đã đáp ứng cho công tác điều trị và đã tiếp nhận hơn 1.800 bệnh nhân, trong đó bệnh nhân nặng từ các tuyển chuyển đến trên 1.600 bệnh nhân, thực hiện hơn 95.500 các thủ thuật và phẫu thuật, triển khai hầu hết các kỹ thuật cao cấp trong điều trị như ECMO, lọc máy liên tục, chạy thận nhân tạo… đã cứu sống nhiều bệnh nhân nguy kịch và đặc biệt là chưa để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo cho nhân viên y tế trong Trung tâm điều trị.

Dự kiến ngày 15/12/2021, Bệnh viện Trung ương Huế sẽ bàn giao Trung tâm ICU tại Tp.Hồ Chí Minh về cho Sở Y tế Tp.Hồ Chí Minh quản lý, thu dung và điều trị bệnh nhân Covid-19.

"Bệnh viện Trung ương Huế sẽ tiếp tục hỗ trợ chuyên môn trong điều trị Covid-19 cho Tp.Hồ Chí Minh theo sự phân công của Bộ Y tế tại Quyết định số 5500/QĐ-BYT ngày 30/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế và sẵn sàng điều động các chuyên gia về hồi sức tích cực, đội cơ động điều trị Covid-19 để hỗ trợ chuyên môn cho Tp.Hồ Chí Minh khi có yêu cầu", GS.TS Phạm Như Hiệp chia sẻ.

Lê Kông

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/ben-trong-noi-nghien-cuu-va-dieu-tri-ca-covid-19-nang-o-hue-a6261.html