Người Đưa Tin đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), khi số ca Covid-19 tăng nhanh trong những ngày qua.
Không thể theo đuổi mục tiêu “Zero Covid-19”
NĐT: Theo thống kê của Bộ Y tế trong một tuần qua, Việt Nam liên tục ghi nhận số ca nhiễm sau 24 giờ ở ngưỡng 9.000-10.000. Ông nhận định như thế nào về số ca mắc có dấu hiệu gia tăng trở lại?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam hiện nay khá phức tạp song các địa phương vẫn đang kiểm soát được dịch. Sở dĩ, số ca F0 tăng trở lại là do khi nới lỏng các hoạt động, cho phép đi lại, việc tiếp xúc giữa người với người tăng lên, người lành tiếp xúc với người nhiễm từ đó xuất hiện nhiều ca bệnh cũng như ổ dịch.
Về nguyên lý, SARS-CoV-2 vẫn lây truyền qua đường hô hấp, các thủ thuật, môi trường kín do hạt virus lơ lửng trong không khí với hệ số lây nhiễm rất nhanh ở biến chủng Delta. Đến nay, người mắc Covid-19 thường đa số không xuất hiện triệu chứng hoặc có biểu hiện nhẹ. Tỉ lệ F0 không triệu chứng cao nên nguy cơ dịch lây lan trong cộng đồng mà không được phát hiện sớm.
NĐT: Nói như vậy, chúng ta phải chấp nhận sống chung với Covid-19, không thể theo đuổi mục tiêu “Zero F0”, thưa ông?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Chúng ta đang thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” nhằm bảo đảm hiệu quả biện pháp phòng bệnh.
Chúng ta tiến hành nới lỏng nhiều hoạt động, dần chấp nhận có những ca dương tính và nằm trong dự báo từ trước. Tôi nghĩ rằng vẫn phải thực hiện tốt Nghị quyết 128 của Thủ tướng Chính phủ, để khống chế số ca mắc không được quá cao. Bởi, nếu số ca mắc quá cao sẽ gây quá tải hệ thống y tế.
Việt Nam đã trải qua 4 đợt dịch. Trong 2 giai đoạn đầu, những ca lây nhiễm từ nước ngoài, chủng virus bình thường. Lần bùng phát thứ 3, khởi phát từ tỉnh Hải Dương, biến chủng Alpha xuất hiện gây đợt dịch với khoảng 2.500 ca bệnh. Đặc biệt, chủng Delta xuất hiện và hoành hành khắp thế giới và cũng là tác nhân gây đợt bùng phát dịch lần 4 tại Việt Nam (từ ngày 27/4). Sự xuất hiện của Delta khiến nhiều quốc gia không thể trụ được mục tiêu “Zero Covid-19”, Việt Nam cũng rơi vào tình huống tương tự.
NĐT: Mặc dù chúng ta không theo đuổi mục tiêu “Zezo Covid-19” nhưng gần đây số lượng F0 tăng mạnh ở nhiều địa phương có thực sự đáng lo ngại không, thưa ông?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Trong giai đoạn hiện nay, dịch xuất hiện ở 63 tỉnh, thành phố. Một số địa phương lại có nguy cơ khác nhau tùy theo mật độ dân số, mức độ đi lại, khu công nghiệp, khả năng đáp ứng y tế và tỉ lệ vắc-xin. Do đó mà mức độ miễn dịch cộng đồng, ca tử vong cũng khác nhau. Những số liệu từ Bộ Y tế cho thấy có những cơ sở để tiếp tục thực hiện được “thích ứng an toàn với dịch”, do số ca nặng giảm mạnh so với giai đoạn cao điểm của dịch.
Theo tôi, trong tình hình dịch mới hiện nay, Việt Nam cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tỉ lệ ca nhiễm trên mỗi 100.000 dân/tuần như Nghị quyết 128 của Chính phủ đã đề cập.
Hơn nữa, việc quan trọng cần làm là tính toán số ca nhiễm hiện nay có tỉ lệ tiêm chủng như thế nào. Ngành y tế cần đối chiếu giữa số ca mắc và trường hợp diễn biến nặng, tử vong, tỉ lệ người đã hay chưa tiêm chủng để đưa ra phương án đáp ứng phù hợp.
Nếu địa phương có số ca mắc cao nhưng tỉ lệ tiêm chủng cũng cao, lượng bệnh nhân diễn biến nặng thấp, chúng ta có thể không cần quá lo ngại. Ngược lại, những địa phương có mức độ bao phủ vắc-xin thấp sẽ đáng lo hơn. Chúng ta phải có phân tích tỉ lệ tiêm chủng, số ca mắc, người diễn biến nặng, trường hợp tử vong... chứ không nên chỉ nhìn vào số F0 tăng nhiều hay ít.
Không thể chỉ dựa vào vắc-xin và thả lỏng
NĐT: Liệu người dân có được lựa chọn việc cách ly tại nhà trong tình huống F0 tiếp tục gia tăng, thưa ông?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Theo tôi, chúng ta phải hết sức hài hòa giữa lợi ích cá nhân với lợi ích của cộng đồng và đảm bảo kiểm soát được phòng, chống dịch, không để lây lan cho gia đình và cộng đồng.
Trong trường hợp đồng ý cho người dân lựa chọn việc cách ly thì phải đảm bảo được điều kiện cách ly của Bộ Y tế mới xem xét cách ly tại nhà. Nếu không có đủ điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo cách ly tại nhà, như phòng ốc chật chội, dễ có nguy cơ lây nhiễm cho gia đình, cộng đồng thì vẫn cần cách ly tập trung.
NĐT: Hiện nay, không ít người dân chủ quan khi có “thẻ xanh vắc-xin Covid-19” mà xem nhẹ trách nhiệm với cộng đồng. Theo ông, đâu là giải pháp căn cơ để ngăn chặn và đẩy lùi dịch?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Vừa qua, Tp.HCM, Tp.Hà Nội đã ghi nhận một số trường hợp đã tiêm vắc-xin nhưng vẫn nhiễm SARS-CoV-2.
Người đã tiêm vắc-xin khi nhiễm SARS-CoV-2 vẫn có thể lây cho người khác. Việc tiêm vắc-xin chỉ giúp người bệnh không bị nặng. Vì vậy, người dân không được chủ quan, không phải vì tiêm vắc-xin mà buông xuôi, cần phải thực hiện tốt 5K để không bị nhiễm, không bị cách ly. Đây là trách nhiệm rất lớn của cộng đồng.
Bài học từ nhiều nước châu Âu cho thấy, vắc-xin là “tấm khiên” bảo vệ công đồng nhưng không phải là tất cả. Theo tôi, các tỉnh nên coi các nước châu Âu là một bài học khi chỉ trông chờ vào vắc-xin mà không áp dụng những biện pháp an toàn hay dự phòng cá nhân khiến nguy cơ bùng dịch tăng cao.
Dịch là ở trong dân và phụ thuộc rất lớn vào ý thức người dân. Không thể chỉ dựa vào vắc-xin và thả lỏng được. Các địa phương cần có phương án lao động an toàn, hoạt động an toàn, cơ sở an toàn, xí nghiệp an toàn, chợ an toàn, bệnh viện an toàn...
Bên cạnh đó, các tỉnh cần tập trung cho những người có nguy cơ cao diễn biến nặng, tử vong, được sớm tiêm đủ 2 liều vắc-xin. Luôn luôn xét nghiệm các đối tượng nguy cơ, vùng nguy cơ; đặc biệt xét nghiệm hàng ngày tất cả các trường hợp sốt, ho, khó thở… để phát hiện ổ dịch, khoanh vùng dập dịch kịp thời, đồng thời đánh giá nguy cơ đúng để có đáp ứng phù hợp.
Trong chống dịch, càng phát hiện ca bệnh sớm càng tốt, quây ổ dịch càng nhỏ càng tốt. Chúng ta vẫn phải thực hiện các công việc như truy vết, có ổ dịch nào vẫn phải phong tỏa, có các biện pháp dập dịch, phong tỏa diện hẹp nhất có thể, phong tỏa theo nguy cơ không để ảnh hưởng đến kinh tế xã hội. Đồng thời, xem xét áp dụng cách ly tại nhà, thu gọn cách ly tập trung. Chuẩn bị cơ sở điều trị để nếu dịch có bùng ra không bị động.
Trong lúc này, cần tập trung huấn luyện, đào tạo cho y tế cơ sở để đáp ứng với nhu cầu nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp. Làm tốt công tác truyền thông. Triển khai mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm giải quyết được nhiều ách tắc, vướng mắc, tồn tại như trong thời gian qua.
NĐT: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Hương Lan (Thực hiện)
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/f0-co-dau-hieu-tang-tro-lai-chuyen-gia-khuyen-cao-dieu-can-lam-a5375.html