Chiều 24/11, Khoa Luật trường Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức hội thảo khoa học: Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013.
Đây là sự kiện đầu tiên trong chuỗi các hội thảo đóng góp ý kiến cho nội dung các dự thảo Luật quan trọng theo chương trình xây dựng luật của Quốc hội khóa XV. Đồng thời cũng là sự kiện khoa học hướng tới chào mừng kỷ niệm 45 năm truyền thống Khoa Luật, ĐHQGHN.
Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh – Chủ nhiệm Khoa Luật, ĐHQGHN cho biết, Luật Đất đai hiện hành được Quốc hội ban hành năm 2013 đã giải quyết được một cách tương đối hiệu quả các vấn đề kinh tế - xã hội liên quan đến quản lý nhà nước đối với đất đai, vấn đề chiếm hữu, khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên đất, so với các Luật Đất đai ban hành trong các thời kỳ trước.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế - xã hội Việt Nam những năm gần đây đã làm nảy sinh những vấn đề pháp lý mới mà pháp luật đất đai hiện hành chưa được đề cập đến.
Chủ nhiệm Khoa Nguyễn Thị Quế Anh chỉ rõ, hiện nay vẫn còn có những chồng chéo, mâu thuẫn trong chính sách và pháp luật đất đai với các luật khác như Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Phòng chống tham nhũng,…
Nguồn lực về đất đai vẫn chưa thực sự được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; tình trạng tham nhũng, trục lợi và thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất đai vẫn diễn ra…
Trước thực trạng này, Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã đặt ra nhiệm vụ hoàn thiện pháp luật về đất đai để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả đất đai, khắc phục những bất cập của pháp luật hiện hành về quản lý, sử dụng đất.
Nhu cầu cấp bách về sửa đổi bổ sung Luật Đất đai 2013 đã được Quốc hội Khóa XV đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Theo đó, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần một tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), cho ý kiến lần hai tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).
Quốc hội Khóa XV đã xác định định hướng tăng cường năng lực lập pháp, xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ và thống nhất; văn bản pháp luật phải có tính khoa học và khả thi cao.
Công tác xây dựng pháp luật phải được thực hiện trên cơ sở phát huy, đề cao vai trò và trách nhiệm của mỗi chủ thể tham gia vào quy trình lập pháp; đẩy mạnh việc nghiên cứu, làm rõ chính sách lập pháp ngay từ đầu để từ đó có căn cứ triển khai xây dựng, soạn thảo văn bản pháp luật; xác định rõ những yêu cầu của xã hội về những vấn đề cần có sự điều chỉnh của pháp luật để ban hành mới, sửa đổi hoặc bổ sung kịp thời những quy định của pháp luật.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học, các đại biểu đã nghe và thảo luận về các chiều cạnh liên quan đến việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013.
PGS.TS Ngô Huy Cương nhận định, chính sách và pháp luật về đất đai ở Việt Nam đang bộc lộ một số bất cập. Việc sửa đổi, cải cách căn bản và toàn diện chính sách và pháp luật về đất đai hiện nay là nhu cầu cấp bách để giảm bớt sự bất bình đẳng và xung đột trong đời sống xã hội có nguy cơ ảnh hưởng tới cả an ninh và quốc phòng.
Bên cạnh đó, GS.TS Nguyễn Đăng Dung cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tranh chấp đất đai, một trong số đó là pháp luật chưa ứng xử đúng với đất đai. Do đó, các nhà làm luật cần soi chiếu với những quy định tạo nên tính nhân văn và bảo tồn diện tích sản xuất nông nghiệp, điều chỉnh phù hợp với thực tiễn.
Trong khi đó, chuyên đề “Chính sách quản lý, sử dụng đất nông nghiệp nhằm khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” do PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến trình bày đã đi sâu phân tích, đánh giá chính sách quản lý, sử dụng đất nông nghiệp để nhận diện những rào cản đối với quá trình tích tụ, tập trung đất đai.
Trên cơ sở đó, chuyên đề đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách quản lý, sử dụng đất nông nghiệp góp phần khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/phap-luat-chua-ung-xu-dung-voi-dat-dai-a5273.html