Băng tần 'kim cương' 700 MHz cho 5G có chủ

Viettel trúng đấu giá khối 713-723 MHz và 768-778 MHz, trở thành nhà mạng đầu tiên sở hữu băng tần có độ phủ siêu rộng.

"Trải qua hai vòng đấu giá cạnh tranh và công khai, một doanh nghiệp đã trúng đấu giá quyền sử dụng với khối băng tần B2-B2'", Cục Tần số vô tuyến điện - Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết trong thông báo chiều 20/5. Công ty Đấu giá Hợp danh Số 5 Quốc gia đang hoàn tất thủ tục để trình lãnh đạo Bộ phê duyệt kết quả và công bố.

Tối cùng ngày, đại diện Viettel xác nhận họ là đơn vị thắng buổi đấu giá khối băng tần B2-B2'. "Mức giá Viettel đưa ra là 1.995.613.000.000 đồng, đây là mức giá tương đương giá trung bình của thế giới", đại diện nhà mạng cho biết.

Buổi đấu giá khối băng tần B2-B2, chiều 20/5. Ảnh: Doãn Mạnh

Buổi đấu giá khối băng tần B2-B2', chiều 20/5. Ảnh: Doãn Mạnh

Việc đấu giá thành công băng tần 700 MHz được đánh giá là tiền đề quan trọng để thúc đẩy bình đẳng số, mang công nghệ tiên tiến đến với người dân từ thành thị tới nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.

Viettel cho biết với đặc tính truyền sóng xa và xuyên thấu tốt, khối tần B2-B2' không chỉ giúp phủ rộng và hiệu quả khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, đường quốc lộ mà còn phù hợp để đưa sóng viễn thông len lỏi vào các tòa nhà cao tầng, các vị trí khó tiếp cận tại khu vực thành thị.

Về mặt kỹ thuật, bán kính phủ sóng trên khối tần này gấp 1,8 lần so với băng tần 1.800 MHz. "Việc này giúp nhà mạng có thể tối ưu chi phí triển khai, tiết kiệm nhiều nghìn tỷ so với việc sử dụng các băng tần hiện tại khi xử lý các vùng khó phủ sóng, đồng thời cải thiện, nâng cao trải nghiệm người dùng", đại diện đơn vị nói, cho biết sẽ triển khai sớm việc xây dựng hạ tầng tích hợp băng tần mới, đặt mục tiêu 20.000 trạm phát sóng trước 31/12.

Sau buổi đấu giá, Cục trưởng Tần số Lê Văn Tuấn cho biết sẽ tiếp tục đấu giá các khối còn lại của băng tần 700 MHz. "Mục tiêu là hỗ trợ khả năng phủ sóng thông tin di động trên diện rộng, đặc biệt tại các khu vực nông thôn, miền núi, đồng thời nâng chất lượng phủ sóng trong nhà tại khu vực đô thị", ông Tuấn nói.

Theo ông, điều này góp phần nâng chất lượng của hạ tầng số quốc gia, tạo nền tảng cho quá trình chuyển đổi số sâu rộng. "Việc sở hữu băng tần này không chỉ là cơ hội chiến lược để mở rộng vùng phủ sóng, tiến tới triển khai hiệu quả mạng 4G và 5G, mà còn đóng góp vào sự phát triển của hạ tầng số quốc gia" ông Tuấn nhận định.

Cục trưởng Tần số Lê Văn Tuấn tại phiên đấu giá. Ảnh: Doãn Mạnh

Cục trưởng Tần số Lê Văn Tuấn tại phiên đấu giá. Ảnh: Doãn Mạnh

B2-B2' là khối băng tần được quy hoạch để triển khai hệ thống thông tin di động theo tiêu chuẩn IMT-Advanced và các phiên bản tiếp theo, sử dụng phương thức song công phân chia theo tần số. Giá khởi điểm của khối là hơn 1.955 tỷ đồng.

Giá trị của một tần số phụ thuộc vào dải hoạt động rộng hay hẹp và tần số thấp hay cao. Tần số càng rộng, tốc độ truyền dữ liệu càng cao. Tần số ở dải càng thấp, sóng di động càng đi xa. Do ở tần số thấp, 700 MHz có vùng phủ rộng hơn so với các băng tần từng được đấu giá, nên được gọi là băng tần "kim cương".

Phủ sóng 5G toàn quốc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đề ra trong Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị. Theo Báo cáo của Chính phủ đầu tháng 5, đến hết quý I/2025, các nhà mạng đã lắp đặt 10.600 trạm BTS 5G tại Việt Nam.

Để thúc đẩy công nghệ này, trong dự thảo Quy hoạch phổ tần Quốc gia đang được xin ý kiến, Bộ Khoa học và Công nghệ bổ sung một số băng tần đang dùng cho dịch vụ truyền hình, vệ tinh nhằm phát triển mạng 5G, 6G.

Trước đó, năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông, nay là Bộ Khoa học và Công nghệ, tổ chức đấu giá thành công ba khối băng tần B1 (2.500-2.600 MHz), C2 (3.700-3.800 MHz) và C3 (3.800 - 3.900 MHz). Hồi tháng 2, việc đấu giá B2-B2' từng phải hủy bỏ vì thiếu doanh nghiệp, do chỉ có một đơn vị nộp tiền đặt cọc.

Viettel cũng là nhà mạng đầu tiên trúng đấu giá tần số vào tháng 3/2024, trước khi thương mại hóa mạng 5G vào tháng 10/2024, thúc đẩy Internet di động Việt Nam liên tục tăng trưởng về tốc độ.

Theo thống kê của công cụ i-Speed trong tháng 4, tốc độ 5G tại Việt Nam tăng vọt, tải xuống đạt 354,88 Mbps, tải lên đạt 94,92 Mbps, cao nhất tính từ khi được triển khai năm ngoái. Biểu đồ tốc độ cũng cho thấy xu hướng tăng xuất hiện ở cả ba nhà mạng. Trong đó, Viettel giữ vị trí cao nhất với 364,43 Mbps, VNPT và MobiFone lần lượt 158,68 và 162,82 Mbps.

Trọng Đạt - Lưu Quý

Bổ sung tần số cho mạng di động 5G, 6G Tốc độ mạng 5G tại Việt Nam tăng 40% Việt Nam có hơn 10.000 trạm 5G .box-wg-guicauhoi{background:#fff;border:1px solid #e5e5e5;border-radius:4px;padding:16px}.box-wg-guicauhoi .start-step{width:100%;-webkit-box-align:center;-ms-flex-align:center;align-items:center}.box-wg-guicauhoi .txt-start{-ms-flex-negative:1;flex-shrink:1;-webkit-box-flex:1;-ms-flex-positive:1;flex-grow:1;padding-right:20px}.box-wg-guicauhoi .txt-start .title-tv{font:700 18px/160% Merriweather,serif}.box-wg-guicauhoi .txt-start .txt{color:#626262;font-size:16px;margin-top:4px;line-height:140%}.box-wg-guicauhoi .txt-start .txt a{color:#074d94;text-decoration:underline}.box-wg-guicauhoi .btn_vne{background:#c92a57;padding:0 24px;display:inline-block;border-radius:4px;font-size:16px;-ms-flex-negative:0;flex-shrink:0}
Góp ý kiến tạo
Bạn có thể đặt mọi câu hỏi, vấn đề về Khoa học công nghệ, Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi số trực tiếp cho Bộ Khoa học và Công nghệ
Gửi góp ý

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/bang-tan-kim-cuong-700-mhz-cho-5g-co-chu-a50862.html