Bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn, cố Trưởng Trạm Y tế xã Phước Lộc (huyện Nhà Bè, TP HCM), qua đời vì Covid-19 chỉ 1 tuần trước khi ông tròn 60 tuổi. Một trong những cuộc gọi cuối cùng của ông là dành cho bí thư xã là để hỏi về tình hình dịch bệnh...
Gần ngày nghỉ hưu, vẫn bám trụ tuyến đầu
Đến xã Phước Lộc chưa kịp nói số nhà, chỉ vừa hỏi đến nhà bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn, một người dân ven đường và một chị ve chai đã dừng ngay công việc, nhiệt tình chỉ dẫn. Một công an xã còn tận tình dẫn chúng tôi đến tận hẻm nhà bác sĩ. Ở đây, ai cũng biết bác sĩ Nhẫn.
"Ông nghỉ đi, tui sợ quá!" - "Bà để tui đi đi, không thể nào mà tui nghỉ được, "mấy đứa nhỏ" ở trạm không làm hết nổi đâu, anh em bên ủy ban cũng tham gia, không thể nào bỏ bà con được, tui phải ráng làm để đem màu xanh về cho Phước Lộc, cho thành phố".
Bà Thân Thị Hương, vợ bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn, bật khóc khi nhắc lại đoạn nói chuyện với chồng trước khi ông lao mình theo đợt dịch kéo dài từ hồi tháng 5, rồi hy sinh khi chỉ còn 2 tháng nữa là đến ngày nghỉ hưu. Bà Hương cho biết trong sổ BHXH của chồng ghi ông công tác đã 39 năm 11 tháng. "Thuở ấy Nhà Bè nhiều chỗ bùn còn ngập ngang lưng" - bà bùi ngùi.
Ông Nguyễn Thành Trung - Chủ tịch UBND xã Phú Xuân, nguyên Chủ tịch UBND xã Phước Lộc - hồi tưởng: "Hồi trước, khi đi khám bệnh cho người dân Phước Lộc, ông ấy toàn đi ghe vì không có đi xe được như bây giờ, chỉ đi xe đạp tới bến đò rồi mượn ghe của người dân. Bà con thương ông lắm!".
Bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn (thứ 4 từ phải sang) trong những ngày xông pha tuyến đầu (Ảnh do gia đình bác sĩ Nhẫn cung cấp)
Theo ông Trung, đầu đợt dịch, bác sĩ Nhẫn không hề ngại ngần xông ra tuyến đầu, dù tuổi cao, bệnh nền nhiều. Nhiều tuần liền, ông vác ba-lô ở luôn tại trạm y tế, làm việc bất kể khuya sớm. Có hôm, xã phát hiện tới 10 F0, ông cùng đồng đội đi xuyên đêm để đón từng F0 đi cách ly... Đó là những ngày nhân viên y tế TP HCM, trong những bộ đồ bảo hộ PPE, làm việc đến kiệt sức để cố cứu mạng nhiều bệnh nhân nhất có thể. Bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn là một trong số đó.
Những cuộc gọi cuối cùng
Bà Thân Thị Hương cho biết đến ngày 11-7 thì cả nhà bà thành F0 cả, được đưa vào Bệnh viện Dã chiến số 6. Bác sĩ Nhẫn bị nặng nhất nhưng vẫn thường xuyên trao đổi công việc với các đồng nghiệp trẻ ở trạm, các thành viên trong Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của UBND xã. "Có hôm, ổng chỉ: Chân tui phù rồi nè. Nhưng có cuộc gọi của bà con hỏi bệnh, ổng vẫn tận tình hướng dẫn" - bà Hương xúc động.
Vào một buổi sáng, bà gọi không thấy ông dậy. Ông được chuyển đến Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (TP Thủ Đức). Sau khi được cấp cứu, bác sĩ Nhẫn đã tỉnh táo và ổn định trong hơn 1 tuần. Ông gọi cho đồng đội thường xuyên. Vì cuối tháng 7 là quãng thời gian đầy sóng gió của TP HCM, xã Phước Lộc cũng không ngoại lệ.
"Có hôm, lúc nghe giọng tiếng được, tiếng mất vì ông đang thở ôxy. Tôi khuyên bác ráng nghỉ ngơi, mai mốt khỏe lại về với bà con" - ông Nguyễn Võ Quốc Cao, Bí thư Đảng ủy xã Phước Kiển (nguyên Bí thư Đảng ủy xã Phước Lộc), nhớ lại.
Ngày 28-7, các thành viên khác trong gia đình bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn được xuất viện. Hơn 14 giờ ngày 30-7, bác sĩ Nhẫn và ông Cao có cuộc trò chuyện dài qua Zalo, mà trong hồi tưởng của ông Cao, đó là lần ông thấy vị bác sĩ tươi tỉnh nhất, vui nhất trong suốt đợt nằm viện, bác sĩ Nhẫn hỏi thăm rất kỹ tình hình dịch bệnh như mọi khi. Nhưng đến hôm sau thì tình trạng sức khỏe ông rơi vào nguy kịch, phải thở máy xâm lấn. Rạng sáng 4-8, ông qua đời.
"Nghe đồng nghiệp của bác sĩ Nhẫn kể, đi lấy mẫu, khoanh vùng, truy vết... cái gì ông cũng làm. Dân Phước Lộc thương ông lắm. Có hôm, một chị bán rau đi ngang gửi bó rau, nói cô ơi cho con cúng bác...
Ở xã này, số trẻ sơ sinh ông đỡ ra cũng khoảng 300 bé... Đêm hôm người dân tới gõ cửa khám bệnh, ông cũng chỉ lấy tiền thuốc, không lấy tiền khám. Ông đi, để lại một khoảng trống không gì bù đắp được cho gia đình tôi, cho Phước Lộc" - bà Hương nghẹn ngào.
Ông Nguyễn Võ Quốc Cao xúc động: "Bác sĩ Nhẫn là một đảng viên kiên trung, một bác sĩ giàu y đức và trách nhiệm, một công dân gương mẫu".
Nữ chiến binh của "bệnh viện tách đôi"
Một mất mát lớn khác của ngành y tế TP HCM là sự ra đi của nữ điều dưỡng Trần Thị Phương Hằng (42 tuổi) của Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định.
Là điều dưỡng của Khoa Hồi sức tích cực chống độc, chị là một trong những "chiến sĩ áo trắng" đầu tiên bước vào khu điều trị Covid-19 khi lãnh đạo, nhân viên BV này đồng lòng tách đôi BV giữa những ngày tháng 7 đau thương của thành phố, khi con đường chuyển viện trở nên trắc trở và số bệnh nhân nặng gia tăng nhanh chóng.
Ngày 27-7, BV Nhân dân Gia Định chính thức tách đôi. Chỉ vài ngày sau, điều dưỡng Phương Hằng có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Dù được nỗ lực cứu chữa, chị vẫn không qua khỏi sau 2 tuần chiến đấu với Covid-19.
Tôi đã bước vào Khoa Hồi sức tích cực chống độc - được chuyển đổi thành Khoa Hồi sức Covid-19 - chỉ 3 tuần sau ngày chị Phương Hằng ra đi nhưng đã không nhắc đến chị trong loạt bài phóng sự mà chúng tôi thực hiện trước đây. Bởi lẽ, khi hỏi về chị, đồng đội chị lại nghẹn lời, không thể nói được gì.
Một đồng nghiệp của chị tâm sự: "Đó là nỗi đau quá lớn". Họ không nói nổi nhưng tôi đã được chứng kiến họ chiến đấu như thay phần cho chị. Nhiều bác sĩ, điều dưỡng vẫn quyết đứng dậy sát cánh cùng đồng đội ngay trong giai đoạn họ đang là F0.
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/tui-phai-rang-lam-de-dem-mau-xanh-ve-a4811.html