Một mẫu điện thoại thương hiệu Nokia. Ảnh: Bloomberg. |
Giữ chức CEO Nokia từ năm 2020, Pekka Lundmark vẫn phải thường xuyên giải thích rằng Nokia không còn sản xuất điện thoại di động. Hiện nay, công ty tập trung vào thị trường viễn thông, định hướng mở rộng các lĩnh vực như trung tâm dữ liệu và quốc phòng.
Nokia vừa để mất hợp đồng trị giá 14 tỷ USD với AT&T vào tay Ericsson, đồng nghĩa hạ tầng của công ty Phần Lan bị loại khỏi một trong những nhà mạng lớn nhất của Mỹ. Sau biến cố này, Lundmark có nhiệm vụ giữ Nokia phát triển đúng hướng.
Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, Lundmark chia sẻ về những trải nghiệm, tác động khi ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ, bên cạnh cơ hội phát triển của Nokia trong bối cảnh thế giới bất ổn.
Nokia giờ đã rất khác
Lundmark bắt đầu sự nghiệp tại Nokia trước khi chuyển sang nhiều doanh nghiệp như Startupfactory, Hackman hay Fortum. Trở lại Nokia sau 20 năm, ông thừa nhận công ty đã rất khác.
“Vào năm 2000, chúng tôi là đối thủ khá nhỏ trong lĩnh vực hạ tầng mạng viễn thông.
Khi tôi trở lại, khác biệt lớn là thị trường được củng cố, với Nokia là cái tên chủ chốt. Bây giờ chúng tôi trở thành một trong những công ty lớn nhất ngành”, Lundmark cho biết.
CEO Nokia Pekka Lundmark. Ảnh: Bloomberg. |
Với nhiều người dùng, Nokia là cái tên “huyền thoại” của thị trường điện thoại di động. Thất bại đã tác động cách nhìn nhận của mọi người về Nokia. Dù vậy, đây vẫn là lợi thế khi công ty mở rộng sang các lĩnh vực khác.
“Khi đến nhiều nơi trên thế giới, mọi người luôn hỏi tôi điều gì xảy ra với mảng điện thoại.
Rõ ràng chúng đã được chuyển nhượng cho Microsoft cách đây 10 năm. Tuy nhiên khi mở rộng sang các lĩnh vực tăng trưởng mới, việc mọi người nhận ra cái tên Nokia thực sự hữu ích”, Lundmark chia sẻ.
Hiện tại, Lundmark vẫn gặp khó khi giải thích mô hình kinh doanh của Nokia. Người dùng cần biết rằng cái tên Nokia vẫn còn đó, nhưng đã được định vị trở thành công ty lớn trong lĩnh vực B2B công nghệ.
Tìm kiếm cơ hội mới
Ngoài viễn thông di động, Nokia có kế hoạch mở rộng sang lĩnh vực trung tâm dữ liệu. Lý giải chiến lược này, Lundmark cho biết thị trường trung tâm dữ liệu trị giá hàng chục tỷ USD. Trong đó, Nokia có thể tiếp cận khoảng 21 tỷ USD.
“Thị trường mạng viễn thông trị giá khoảng 88 tỷ USD nhưng không tăng trưởng mạnh. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng trung tâm dữ liệu khoảng 30%/năm. Đó là lý do còn dư địa để chúng tôi thâm nhập”, CEO Nokia cho biết.
Nhu cầu về trung tâm dữ liệu ngày càng lớn giữa xu hướng trí tuệ nhân tạo (AI) và dịch vụ đám mây, đòi hỏi độ an toàn, ổn định và khả năng lập trình. Nokia đang trong quá trình mua lại Infinera (trụ sở tại Mỹ) để bổ sung 3.000 nhân sự cho lĩnh vực.
Theo Lundmark, Nokia cũng thâm nhập mảng quốc phòng khi thâu tóm Fenix Group, công ty Mỹ chuyên sản xuất đài liên lạc quân sự.
“Chúng tôi đang tích hợp hệ thống của họ với nền tảng 5G của Nokia, từ đó mang đến giải pháp giao tiếp toàn diện cho hệ thống liên lạc chiến thuật”, Lundmark nhấn mạnh.
Pekka Lundmark trong văn phòng Bloomberg tại London (Anh). Ảnh: Bloomberg. |
Donald Trump đã tái đắc cử tổng thống Mỹ. Trong nhiệm kỳ đầu, ông có nhiều chính sách cắt giảm, giới hạn chuỗi cung ứng từ Trung Quốc.
Theo Lundmark, còn sớm để nói về tác động khi ông Trump tái đắc cử. Trước mắt, công ty đang xây dựng mối quan hệ với chính quyền mới.
“Chúng tôi là doanh nghiệp chứ không phải chính trị gia. Chúng tôi sẵn sàng làm việc với mọi chính quyền. Do đó, chúng tôi sẽ làm việc với chính quyền Trump.
Tất nhiên, chúng tôi vẫn coi trọng các nhà cung ứng đáng tin cây. Chúng tôi muốn cuộc thảo luận không chỉ nói về mạng di động mà còn mở rộng sang mạng cố định băng thông rộng, cáp quang, định tuyến...”, CEO Nokia cho biết.
Về sở thích cá nhân, Lundmark cho biết thể thao là đam mê của ông. Để làm việc như một CEO, sức khỏe thể chất là yếu tố quan trọng.
“Đó là lý do lịch trình hàng ngày của tôi luôn có một tiếng tập thể dục. Sáng nay tôi đã cử tạ trong 1,5 tiếng. Gần đây, tôi còn đọc hồi ký về huấn luyện viên cử tạ của mình. Ông ấy nói về sự cân bằng giữa sức khỏe thể chất và tinh thần”, Lundmark chia sẻ.
Bài học từ sự thất bại của Nokia và nhiều thương hiệu lớn.
Thật khó để các chủ doanh nghiệp tưởng tượng mọi thứ có thể bất chợt lật nhào như những gì đã diễn ra với Nokia. Cuốn sách Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại giúp độc giả trả lời những câu hỏi như: Phải chăng những mầm mống của thất bại lúc nào cũng hiện hữu trong những thành công lâu bền? Tại sao các công ty lại thất bại ngay cả khi họ đã tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc, kinh nghiệm được đúc kết từ rất nhiều bài học của các doanh nghiệp thành công?
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/nokia-dang-lam-gi-a46570.html