Theo đó, đối tượng áp dụng là người nhiễm Covid-19 (F0) là người có kết quả xét nghiệm RT-PCR dương tính.
Người F0 thực hiện điều trị, chăm sóc sức khỏe tại nhà là người không triệu chứng hoặc triệu chứng mức độ nhẹ (không có suy hô hấp: SpO2 ≥ 96% khi thở khí trời, nhịp thở ≤ 20 lần/phút).
F0 này đáp ứng thêm tối thiểu một trong hai tiêu chí là đã tiêm đủ 2 mũi hoặc một mũi vắc-xin phòng Covid-19 sau 14 ngày hoặc có đủ 3 yếu tố: trẻ em trên 1 tuổi, người lớn dưới 60 tuổi; không có bệnh nền; không đang mang thai.
Yêu cầu đối với người F0 thực hiện điều trị tại nhà là phải có khả năng tự chăm sóc bản thân (như ăn uống, tắm rửa, giặt quần áo, vệ sinh...); có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát và khi có tình trạng cấp cứu.
Trường hợp F0 là trẻ em hoặc người không tự chăm sóc bản thân được thì phải có người hỗ trợ chăm sóc.
Đồng thời, F0 có đơn đề nghị được chăm sóc sức khỏe tại nhà, có cam kết chấp hành nghiêm các quy định về chăm sóc sức khỏe tại nhà với chính quyền địa phương. Hạn chế người ở cùng nhà với F0. Trường hợp ở cùng nhà thì người nhà tuyệt đối không đi ra ngoài trong suốt thời gian chăm sóc sức khỏe.
Nơi thực hiện là nhà ở riêng lẻ; căn hộ trong khu tập thể, khu chung cư; dãy phòng trọ riêng biệt.
Nơi cách ly đảm bảo thông thoáng khí, có đủ dụng cụ vệ sinh cá nhân, xà phòng rửa tay, nước sạch, dung dịch sát khuẩn tay chứa ít nhất 60% cồn; có dụng cụ đo thân nhiệt cá nhân trong phòng. Có treo bảng thông báo đang thực hiện chăm sóc F0 tại nhà, có thùng đựng chất thải y tế theo quy định.
Ngoài ra, còn phải có đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân phòng, chống lây nhiễm để người nhà sử dụng khi bắt buộc phải tiếp xúc gần với người F0; bố trí bàn trước cửa phòng người F0 để cung cấp suất ăn riêng, nước uống và các nhu yếu phẩm khác; không được mang đồ dùng, vật dụng của người F0 ra khỏi nhà.
Trạm Y tế lưu động hoặc Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng sẽ tổ chức thăm khám, phát gói thuốc điều trị tại nhà cho người F0 và theo dõi sức khỏe, phát hiện các trường hợp có triệu chứng chuyển nặng để kịp thời đưa đến các cơ sở điều trị.
Các thuốc điều trị tại nhà gồm thuốc hạ sốt, thuốc nâng cao thể trạng (vitamin, chất dinh dưỡng vi lượng, các thuốc y học cổ truyền), thuốc kháng vi rút, thuốc kháng viêm corticoid và chống đông dạng uống trong một số tình huống có chỉ định.
Thuốc kháng virus dạng uống (Molnupiravir) được chỉ định đối với những trường hợp F0 có triệu chứng nhẹ.
Thuốc kháng viêm corticoid và chống đông dạng uống được chỉ định khi người bệnh có triệu chứng sớm của suy hô hấp (cảm thấy khó thở, nhịp thở trên 20 lần/phút, SpO2 < 95%) nhưng chưa liên hệ được nhân viên y tế để được hướng dẫn, hỗ trợ.
Thời gian người F0 tự uống không quá một ngày. Trong thời gian này, người bệnh cần phải liên hệ với bác sĩ để được hỗ trợ, tùy tình trạng sức khỏe của người bệnh, bác sĩ sẽ quyết định cho người bệnh dùng tiếp thuốc này cho đủ 7 ngày.
Việc xét nghiệm cho người F0 cách ly tại nhà sẽ được thực hiện lấy mẫu RT-PCR vào ngày thứ 9 hoặc ngày thứ 13. Đối với những bệnh nhân tham gia chương trình điều trị bằng Molnupiravir thì xét nghiệm vào ngày thứ 6, ngày thứ 9 hoặc ngày thứ 13 theo quy định.
Người chăm sóc hoặc người ở cùng nhà với người F0 sẽ được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ít nhất 3 lần vào ngày thứ nhất, ngày thứ 6 và ngày thứ 13 kể từ khi bắt đầu chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0.
Bên cạnh đó, hướng dẫn cũng chỉ dẫn cụ thể cách F0 tự chăm sóc sức khỏe tại nhà; khám bệnh và theo dõi sức khỏe, cấp cứu cho người F0 cách ly tại nhà; cấp giấy chứng nhận hoàn thành điều trị, theo dõi sau điều trị; thu gom và xử lý rác thải y tế...
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu Sở Y tế; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện công tác cách ly y tế đối với trường hợp F0 chăm sóc sức khỏe tại nhà theo đúng quy định và hướng dẫn.
Châu Tường
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/khanh-hoa-huong-dan-dieu-tri-f0-nhe-hoac-khong-co-trieu-chung-tai-nha-a4622.html