Bức tranh tiêu dùng TMĐT mới nhất: Nhóm khách hàng chính đã ngoài 30, thu nhập hộ gia đình trên 15 triệu, mua hàng thiết yếu để “tích trữ”

Trái với suy nghĩ rằng người trẻ là đối tượng khách hàng trọng tâm của thương mại điện tử, báo cáo mới nhất của NielsenIQ chỉ ra rằng, các khách hàng nữ đã có gia đình, thường là “dân” văn phòng mới là những người dùng năng động nhất trên các sàn trực tuyến.

Trong bối cảnh công nghệ phát triển, đặc biệt là các công nghệ liên quan đến trí tuệ nhân tạo đang được thúc đẩy thì việc hiểu hành vi tiêu dùng trở nên vô cùng quan trọng, trong thương mại điện tử (TMĐT) cũng không ngoại lệ. Thấu hiểu người dùng sẽ tạo điều kiện để các sàn TMĐT, cũng như các nhà bán hàng tạo ra trải nghiệm tốt hơn và giữ chân khách hàng.

Tại sự kiện Khởi động Lễ hội mua sắm 12.12 và Tết 2025 mới đây, các chuyên gia từ NielsenIQ và Lazada đã đưa ra những phân tích hành vi tiêu dùng cũng như đưa ra lời khuyên cho các nhà bán hàng. Dưới đây là các xu hướng chính.

TMĐT không chỉ là kênh mua sắm của người trẻ

Chia sẻ tại sự kiện, ông Long Lê – Đại diện công ty NielsenIQ Việt Nam đã tiết lộ những thông tin vô cùng hữu ích để giúp nhà bán hàng hiểu thêm về chân dùng người tiêu dùng của mình.

Dù quan niệm chung thường cho rằng nhóm khách hàng chính của TMĐT, cũng như tiêu thụ nội dung marketing online nhiều nhất là khách hàng trẻ, tuy nhiên, khảo sát cho thấy nhóm khách hàng chủ chốt của TMĐT ở Việt Nam là nữ, độ tuổi trung bình là 31, đã kết hôn, làm công việc văn phòng và có thu nhập hộ gia đình từ 15 triệu VND trở lên.

Thông tin này sẽ là gợi ý hữu ích cho các nhà bán hàng trong việc nhìn nhận và đánh giá lại tệp khách hàng tiềm năng của mình, sản phẩm cũng như chiến lược về giá, chiến lược content marketing cũng như lựa chọn đại sứ thương hiệu… để đáp ứng đúng tâm lý, nhu cầu, sở thích của nhóm khách hàng mục tiêu của mình.

Chỉ dấu rõ ràng cho thấy TMĐT không còn là kênh mới nổi, nhưng còn nhiều dư địa phát triển bền vững

Báo cáo cũng chỉ ra 3 lý do chính khiến người tiêu dùng tìm đến mua sắm trực tuyến bao gồm: Mua dự trữ; Ăn uống tức thì và thứ ba mới là Khuyến mãi. Đây chính là cơ hội để nhà bán hàng có thể bán được các sản phẩm kích cỡ lớn hơn, giá thành cao hơn và dự đoán chu kỳ mua sắm của người tiêu dùng. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra bài toán để các nhà bán phải cung cấp mức giá tốt hoặc nhà bán hàng phải có dải sản phẩm độc đáo

Bức tranh tiêu dùng TMĐT mới nhất: Nhóm khách hàng chính đã ngoài 30, thu nhập hộ gia đình trên 15 triệu, mua hàng thiết yếu để “tích trữ”- Ảnh 1.

Ông Long Lê – Đại diện công ty NielsenIQ Việt Nam chia sẻ tại sự kiện

Một thông tin thú vị khác là nếu như trước đây người dùng tìm đến TMĐT cho hàng tiêu dùng chậm (sản phẩm công nghệ, giá trị cao), thì người tiêu dùng số hiện nay mua trung bình 6,5 loại sản phẩm khác nhau, với thực phẩm, đồ uống và mỹ phẩm cá nhân là những mặt hàng phổ biến trong 3 tháng vừa qua. Đó là chỉ dấu rõ ràng cho thấy TMĐT đang trở thành kênh mua sắm thiết yếu với người tiêu dùng, không còn là kênh mới nổi và sẽ còn tiếp tục phát triển bền vững trong tương lai.

Đại diện NielsenIQ cũng nhấn mạnh rằng hiện nay, trải nghiệm mua sắm mới là yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy việc mua sắm trên TMĐT, trong khi các chương trình khuyến mãi chỉ đứng thứ ba, sau sự sẵn có của sản phẩm, và những rào cản lớn nhất là chất lượng sản phẩm, vấn đề giao hàng, sự tin tưởng…

“Với các nhà bán hàng, nếu chúng ta tạo ra trải nghiệm mua sắm tốt, đó sẽ là lợi thế cạnh tranh của chúng ta khi kinh doanh trên sàn” - ông Long nhấn mạnh, rằng người tiêu dùng đã nhận ra không phải cái gì cứ rẻ là tốt, mà đó có thể là sự lãng phí về tiền bạc nếu cứ tập trung vào hàng giá rẻ, và nhà bán hàng cần tập trung vào chất lượng sản phẩm và xây dựng uy tín cho cửa hàng, marketing content phù hợp để thu hút và thuyết phục khách hàng.

Kỳ vọng AI trở thành trụ cột tạo ra sự bùng nổ cho mùa mua sắm cuối năm

Nền kinh tế vĩ mô Việt Nam đang phục hồi vững vàng sau những biến động, tạo ra tiền đề thuận lợi để thúc đẩy tiêu dùng, trong đó có TMĐT. Khảo sát của NielsenIQ cũng chỉ ra tâm lý tiêu dùng của người Việt Nam đang tích cực hơn so với các nước trong khu vực, họ lạc quan vào tình hình tài chính, với 65% đáp viên cho rằng tình hình tài chính của họ sẽ không thay đổi hoặc tốt hơn.

Và dù không dự kiến một sự bùng nổ ngay lập tức trong tiêu dùng, ông Long Lê vẫn cho rằng Tết Nguyên đán 2025 có thể sẽ là dấu mốc cho sự chuyển mình tích cực trong việc tiêu dùng và bán lẻ trong năm tới.

Bà Đoàn Trang Hà Thanh - Giám đốc Vận hành Lazada cũng nhấn mạnh góc nhìn tích cực của Lazada vào mùa mua sắm cuối năm và cho biết, Lazada kỳ vọng sẽ chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc về số lượng khách hàng mới, doanh thu, lưu lượng truy cập và giá trị đơn hàng. Và trí tuệ nhân tạo - AI là trụ cột chính giúp Lazada tạo ra đà tăng trưởng.

Trước đó, Lazada đã hợp tác với Kantar khảo sát 6.000 người tiêu dùng khu vực Đông Nam Á về việc sử dụng các tính năng AI cho TMĐT, kết quả cho thấy, 63% người tiêu dùng Đông Nam Á nhận thức rằng AI đã và đang hỗ trợ cho việc mua sắm online và áp dụng rộng rãi trong mua sắm trực tuyến.

92% tin dùng gợi ý mua sắm từ AI và 88% quyết định mua hàng dựa trên đề xuất của AI, trong khi 83% sẵn lòng trả thêm cho trải nghiệm này. Người tiêu dùng ưa chuộng AI vì sự tiện lợi và cải thiện trong khám phá sản phẩm và dịch vụ khách hàng. Tại Việt Nam, 92% sử dụng tính năng AI ít nhất một lần mỗi tuần, và Lazada tiếp tục đầu tư vào AI để nâng cao trải nghiệm mua sắm và kết nối với khách hàng.

Các kết quả này đã cho thấy AI ngày càng len lỏi vào cuộc sống hàng ngày của người tiêu dùng, giúp trải nghiệm mua sắm ngày càng tốt hơn và ngược lại, người tiêu dùng đã tin tưởng các tính năng được tạo ra bởi AI. Về phía nhà bán hàng và doanh nghiệp, việc đầu tư vào AI không chỉ tạo ra tăng trưởng mà còn là chìa khóa cho lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Bức tranh tiêu dùng TMĐT mới nhất: Nhóm khách hàng chính đã ngoài 30, thu nhập hộ gia đình trên 15 triệu, mua hàng thiết yếu để “tích trữ”- Ảnh 2.

Bà Đoàn Trang Hà Thanh - Giám đốc Vận hành Lazada cho biết, AI là trụ cột chính được Lazada thúc đẩy để tạo ra đà tăng trưởng.

Hiện nay, Lazada - đơn vị tiên phong trong khu vực Đông Nam Á trong sử dụng AI -  đã phát triển nhiều tính năng để hỗ trợ người dùng mua hàng và nhà bán hàng tham gia và đặc biệt là vượt qua các rào cản của TMĐT.

Với người dùng mua hàng, AI đã giúp người dùng dễ dàng tìm kiếm sản phẩm bằng hình ảnh, bằng giọng nói, và tính năng AI Lazzie dựa trên công nghệ ChatGPT sẽ có mặt tại thị trường Việt Nam sắp tới.

Tính năng Virtual Try-On sẽ giúp tải nghiệm mua sắm được cải tiến, người dùng có thể chọn người mẫu ảo để xem độ vừa vặn của quần áo, đồng thời, nó cũng có thể gợi ý kích cỡ quần áo dựa trên người mẫu AI. Tính năng Skin Test sẽ giúp người mua mỹ phẩm tìm được màu sắc phù hợp, đưa ra quyết định mua sắm tốt hơn. Tính năng hỏi đáp sẽ giúp người dùng đặt ra các câu hỏi hỗ trợ việc ra quyết định mua sắm…

Bức tranh tiêu dùng TMĐT mới nhất: Nhóm khách hàng chính đã ngoài 30, thu nhập hộ gia đình trên 15 triệu, mua hàng thiết yếu để “tích trữ”- Ảnh 3.

Cộng đồng nhà bán hàng tham dự sự kiện

Với nhà bán hàng, AI được Lazada sử dụng để hỗ trợ họ quản lý vận hành gian hàng, ví dụ như công nghệ AIGC được sử dụng để xây dựng hình ảnh sản phẩm đẹp hơn, bắt mắt hơn, tính năng dịch thông minh để tiện cho trao đổi mua bán, và tính năng đề xuất điểm nổi bật của sản phẩm. AI cũng được ứng dụng vào quá trình phân loại, giao nhận hàng hóa, để hàng hóa đến tay người dùng nhanh nhất, trong khi việc vận hành là tối ưu nhất.

Trong tương lai, Lazada sẽ tiếp tục sử dụng GenAI để nâng tầm trải nghiệm trên bốn khía cạnh chính (4Ds) là khám phá sản phẩm, độ tin cậy, ưu đãi và ra quyết định. AI Lazzie sẽ tối ưu hóa quy trình cho cả người tiêu dùng và người bán hàng với 4 tính năng Message+, Try-On Models (người mẫu ảo), AI-Powered Product Description (tạo mô tả sản phẩm bằng AI) và AI-Powered Smart Reviews (tóm tắt đánh giá bằng AI)… Hiện nay 3 tính năng người mẫu ảo, tạo mô tả sản phẩm và tóm tắt đánh giá đang được thử nghiệm trên app Lazada Vietnam.

Bức tranh tiêu dùng TMĐT mới nhất: Nhóm khách hàng chính đã ngoài 30, thu nhập hộ gia đình trên 15 triệu, mua hàng thiết yếu để “tích trữ”- Ảnh 4.

Nhiều thông tin hữu ích được chia sẻ tại sự kiện Khởi động Lễ hội mua sắm 12.12 và Tết 2025

Các xu hướng mà NielsenIQ và Lazada chỉ ra đã cung cấp cái nhìn sâu sắc về TMĐT ngày nay để giúp các nhà bán hàng định hình lại cách thức kinh doanh của mình. Các thông tin này sẽ góp phần định hướng để nhà bán hàng tối ưu hóa trải nghiệm mua sắm cho khách hàng, đồng thời hỗ trợ họ trong việc tận dụng các tính năng thông minh của công nghệ GenAI, từ đó cung cấp dịch vụ tốt hơn và tăng cường hiệu quả kinh doanh, đặc biệt là trong mùa lễ hội mua sắm sắp tới.

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/buc-tranh-tieu-dung-tmdt-moi-nhat-nhom-khach-hang-chinh-da-ngoai-30-thu-nhap-ho-gia-dinh-tren-15-trieu-mua-hang-thiet-yeu-de-tich-tru-a45820.html