Cơ quan trên cũng cảnh báo trên các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa có khả năng xuất hiện một đợt lũ.
Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông ở Thừa Thiên - Huế lên mức báo động 1 (BĐ1) và trên BĐ1; các sông ở Quảng Nam, Phú Yên và Khánh Hòa lên mức BĐ1-BĐ2, có sông trên BĐ2; các sông ở Quảng Ngãi và Bình Định lên mức BĐ2-BĐ3, có sông trên BĐ3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa.
Trong khi đó, theo ghi nhận của phóng viên, tại tỉnh Bình Định, trong ngày 15-11, nước lũ tiếp tục dâng cao, gây ngập lụt, chia cắt nhiều khu dân cư ở TP Quy Nhơn, thị xã Hoài Nhơn, thị xã An Nhơn và các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ
Nước lũ dâng cao khiến phường Bồng Sơn, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định ngập nặng trong ngày 15-11. Ảnh: ĐỨC ANH
Tại thị xã Hoài Nhơn, trưa cùng ngày, nước lũ bất ngờ dâng cao khoảng 0,5 m, khiến nhiều nhà dân ở phường Bồng Sơn - khu vực trung tâm của thị xã này chìm trong biển nước. Tại huyện Phù Cát, tuyến đường ĐT 639 đoạn qua xã Cát Thành bị chia cắt, trong đó xã Cát Chánh của huyện này có 130 ngôi nhà bị ngập.
Còn ở huyện Tuy Phước - "rốn lũ" của Bình Định, các xã Phước Thắng, Phước Hòa, Phước Thuận và Phước Nghĩa… ngập sâu, có nơi ngập hơn 1 m. Huyện Tuy Phước đã cho gần 20.000 học sinh trên địa bàn nghỉ học để tránh lũ.
Trong ngày 15-11, các cơ quan chức năng huyện Phù Mỹ phong tỏa 2 đầu đèo Bà Nam trên tuyến đường ĐT 639, đoạn thuộc xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ vì khu vực này đang bị sạt lở đất đá, gây nguy hiểm cho người đi đường. Trước đó, chiều tối 14-11, tại khu vực đèo Bà Nam đã xảy ra vụ sạt lở, đất đá vùi lấp một phần xe khách BKS 47B - 016.84, khi xe này đang lên đèo. Rất may, vụ tai nạn đã không gây thương vong về người.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, dù nước trên các sông đang rút nhưng địa phương vẫn đang có mưa to đến rất to. Mưa lũ những ngày qua đã gây thiệt hại về người và tài sản. Ngoài một người dân ở thôn Mỹ Trang, xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ tử vong do bị ngã trong sân vườn ngập nước lũ thì nhiều diện tích lúa bị thiệt hại; nhiều đoạn đường giao thông, hệ thống kênh mương nội đồng bị sạt lở nặng, gây ách tắc giao thông.
Để chủ động ứng phó với diễn biến xấu của thời tiết, mưa to từ 15 đến 19-11, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu quản lý chặt số ghe thuyền bãi ngang ven biển; thông báo cho chủ tàu và thuyền trưởng các phương tiện tàu, thuyền biết về diễn biến xấu của thời tiết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp bảo đảm an toàn về người và tài sản.
Các địa phương có phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, gò đồi, ven biển, cửa sông, ven sông, suối, các vùng thấp trũng, ngập úng để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước; hướng dẫn người dân phòng chống dịch Covid-19 theo quy định.
Tỉnh nghiêm cấm người dân vớt củi, đánh bắt cá trên sông khi có mưa lũ. Các chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện tổ chức trực ban theo dõi, thực hiện nghiêm quy trình vận hành đã được phê duyệt, bảo đảm an toàn công trình và an toàn vùng hạ du.
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/mua-lon-gay-ngap-trung-bo-a4548.html