Công an khuyến cáo lập tức tắt WiFi, dữ liệu di động, tháo sim, tắt nguồn điện thoại để không mất sạch tiền trong tài khoản ngân hàng nếu nghi mắc phải trò lừa đảo này

Mặc dù cơ quan chức năng liên tục cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo, nhưng vẫn xuất hiện nhiều nạn nhân mới của các trò lừa cũ.

Công an khuyến cáo lập tức tắt WiFi, dữ liệu di động, tháo sim, tắt nguồn điện thoại để không mất sạch tiền trong tài khoản ngân hàng nếu nghi mắc phải trò lừa đảo này- Ảnh 1.

Cổng thông tin điện tử Công an Gia Lai cảnh báo, lợi dụng việc một số cơ quan Nhà nước đang triển khai các phần mềm dịch vụ công trực tuyến, các đối tượng lừa đảo đã tạo các ứng dụng mạo danh cơ quan Nhà nước để dẫn dụ, lừa người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo này trên điện thoại. 

Các ứng dụng này khi được cài đặt vào máy có thể chiếm quyền điều khiển, truy cập toàn bộ thông tin dữ liệu của điện thoại như: Thông tin ứng dụng, tài khoản, danh bạ, tin nhắn, hình ảnh, mã OTP…. Từ đó có thể chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của nạn nhân nếu trong điện thoại có cài đặt ứng dụng ngân hàng điện tử.

Một trường hợp vừa xảy ra vào đầu tháng 4/2024, anh P. ở huyện Chư Sê đến cơ quan Công an trình báo bị mất 678 triệu đồng vì làm theo lời một đối tượng giả danh Công an. Đối tượng này gọi điện, yêu cầu anh P. cập nhật thông tin Căn cước công dân bằng cách truy cập vào link dẫn đến một trang web giả mạo dịch vụ công để chiếm quyền sử dụng điện thoại của anh P. rồi rút toàn bộ số tiền trong tài khoản của nạn nhân.

Anh P. cho biết, do phần mềm có giao diện gần giống với giao diện “Dịch vụ công trực tuyến” thật của Bộ Công an nên anh hoàn toàn tin tưởng và thực hiện các thao tác theo hướng dẫn. Khi cài đặt, phần mềm yêu cầu toàn quyền truy cập điện thoại, anh vừa chuyển khoản 12 nghìn đồng vào tài khoản có tên là “Quỹ bảo trợ trẻ em VN” thì ngay lập tức ngân hàng báo toàn bộ số tiền trong tài khoản của anh đã bị chuyển sang tài khoản khác. 

Để tránh rơi vào bẫy lừa cài đặt phần mềm dịch vụ công giả mạo, Công an tỉnh Gia Lai khuyến cáo người dân cần nhận diện đặc điểm chung của các hình thức lừa đảo để nâng cao cảnh giác. Không làm việc, cung cấp thông tin cá nhân hoặc làm theo các yêu cầu thông qua điện thoại. Tuyệt đối không truy cập các link nhận được qua tin nhắn hoặc cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc. Không lưu thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng trên điện thoại thông minh. Tuyệt đối không cấp quyền hỗ trợ (Accessibility), bởi tất cả các ứng dụng của ngân hàng, thuế hay bất kỳ cơ quan nào khác đều không yêu cầu quyền này. 

Nếu nghi ngờ bị lừa, cần liên hệ ngay với cơ quan Công an để được hỗ trợ; ngay lập tức tắt WifF, dữ liệu di động; tháo sim, tắt nguồn điện thoại để ngăn chặn việc đối tượng chiếm quyền truy cập trái phép hoặc đọc mã OTP ngân hàng gửi về điện thoại. Trong trường hợp không thể tắt nguồn thì tắt thiết bị phát sóng WiFi hoặc di chuyển ra xa khoảng cách bắt tín hiệu WiFi để ngắt hoàn toàn kết nối với đối tượng.

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/cong-an-khuyen-cao-lap-tuc-tat-wifi-du-lieu-di-dong-thao-sim-tat-nguon-dien-thoai-de-khong-mat-sach-tien-trong-tai-khoan-ngan-hang-neu-nghi-mac-phai-tro-lua-dao-nay-a41652.html