Dấu hiệu tài khoản ngân hàng bị hack

Thanh toán online ngày càng phổ biến và cũng trở thành mục tiêu của đối tượng xấu, dưới đây là những dấu hiệu cảnh báo tài khoản ngân hàng bị hack.

Xuất hiện những khoản thanh toán nhỏ bất thường

Khi thực hiện hành vi qua ngân hàng trực tuyến, tội phạm thường không muốn nạn nhân nhanh chóng phát hiện. Vì vậy, trước khi thực sự chiếm đoạt một khoản tiền lớn trong tài khoản của nạn nhân, tội phạm mạng thường thực hiện các lệnh thanh toán nhỏ từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn.

Việc thực hiện thành công các giao dịch nhỏ giúp tội phạm biết chắc là tài khoản còn hoạt động và có số dư. Đây là lúc tội phạm thực hiện những giao dịch lớn hơn.

Do đó, khi thấy những giao dịch bất thường dù với số tiền nhỏ, chủ tài khoản không nên bỏ qua. Nếu xác định đó không phải là giao dịch mình thực hiện, hãy liên hệ với ngân hàng.

Nên sử dụng dịch vụ SMS Banking để đảm bảo theo dõi biến động số dư bất cứ lúc nào.

Nhận thông báo lạ từ ngân hàng

Các SMS từ ngân hàng giúp người dùng nắm được số tiền đến và đi. Ngoài ra, thông báo biến động số dư cũng có thể gửi qua ứng dụng ngân hàng hoặc email. Theo đó, khách hàng cần thường xuyên kiểm tra những thông báo này để đảm bảo không có hoạt động bất thường.

Khi phát hiện có các yêu cầu thay đổi tên tài khoản, thay đổi mật khẩu hay bất cứ thông tin cá nhân nào mà bản thân không thực hiện thì đó là dấu hiệu ảnh báo kẻ xấu đang cố gắng tấn công tài khoản.

Trong trường hợp này, cần liên hệ với ngân hàng để tìm biện pháp xử lý phù hợp.

Nhận cuộc gọi tự xưng là nhân viên ngân hàng và yêu cầu thông tin danh tính

Một trong những thủ đoạn lừa đảo phổ biến hiện nay là giả danh nhân viên ngân hàng yêu cầu người dùng cung cấp thông tin số tài khoản, tên tài khoản, mật khẩu, mã OTP...

Khi có được những thông tin này, tin tặc dễ dàng chiếm đoạt tài khoản và nhanh chóng tẩu tán toàn bộ số tiền trong tài khoản.

Dấu hiệu tài khoản ngân hàng bị hack- Ảnh 1.

Tin tặc giả danh nhân viên ngân hàng yêu cầu người dùng cung cấp thông tin số tài khoản, tên tài khoản...(Ảnh minh họa)

Các ngân hàng chính thống sẽ không thực hiện các cuộc gọi yêu cầu người dùng phải cung cấp thông tin cá nhân, nhất là thông tin về số tài khoản, mật khẩu hay mã OTP...

Vì vậy, nếu nhận được điện thoại tự xưng là nhân viên ngân hàng,  hãy kiểm tra xem số điện thoại đó có phải số điện thoại của ngân hàng không.

Xuất hiện giao dịch lớn

Nếu phát hiện giao dịch lớn, rút sạch toàn bộ tiền trong tài khoản mà người dùng không thực hiện thì lập tức liên hệ với ngân hàng để xem có thể ngăn chặn giao dịch hay không.

Tuy nhiên, thông thường khi nhận được thông báo về các giao dịch lớn như vậy là thời điểm kẻ xấu đã rút tiền thành công.

Tài khoản ngân hàng bị đóng

Khi người dùng nhận được thông báo hoặc thư điện tử của ngân hàng thông tin về việc tài khoản bị đóng do không có số dư trong một thời gian dài.

Đây là thời điểm quá muộn để xử lý vấn đề nếu trước đó tài khoản của bạn có một số tiền khá lớn (không tính trường hợp tài khoản thật sự không có tiền và không sử dụng trong một thời gian dài).

Để tránh rơi vào tình trạng này, người dùng nên kiểm tra tài khoản thường xuyên cũng như liên tục cập nhật các thông báo của ngân hàng.

Bất ngờ một tỉnh vùng núi có tốc độ Internet cao nhất Việt Nam, gấp đôi Hà Nội và TP. HCM

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/dau-hieu-tai-khoan-ngan-hang-bi-hack-a41521.html