Chỉ thao tác chuyển 12.000 đồng, tá hỏa khi 28 triệu đồng tự động chuyển vào tài khoản ngân hàng lạ

Nhiều người dân đã bị chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn này.

Chỉ thao tác chuyển 12.000 đồng, tá hỏa khi 28 triệu đồng tự động chuyển vào tài khoản ngân hàng lạ- Ảnh 1.

Một nạn nhân ở Sóc Trăng trình báo việc bị lừa đảo

Thời gian qua, lợi dụng việc một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), một số đối tượng đã giả danh cán bộ Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo trên điện thoại di động để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, đã có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt lên đến hàng trăm triệu đồng.    

Theo Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Sóc Trăng, từ đầu năm 2024 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận nhiều phản ánh, trình báo từ người dân về việc nhận được các cuộc điện thoại mạo danh là lãnh đạo Công an tỉnh, lãnh đạo Sở Thông tin và truyền thông, cán bộ Công an để yêu cầu làm định danh điện tử (VNeID) mức độ 2, xác thực thông tin số điện thoại chính chủ. 

Trung tá Trần Thị Bích Thiện - Đội trưởng Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết, Thủ đoạn của các đối tượng này là điện thoại cho người dân thông báo tài khoản định danh điện tử mức độ 2 chưa được cài đặt, cập nhật trên hệ thống hoặc đã cập nhật nhưng không trùng khớp với các loại giấy tờ khác nên yêu cầu người dân cài đặt, chuẩn hóa nội dung cho khớp. 

Do một số người dân chưa nắm được thông tin cho nên đã làm theo các yêu cầu của những đối tượng lừa đảo này, tiến hành cài đặt những app như dichvucong, hoặc cài đặt xác thực lại những thông tin trong định danh điện tử mức 2. Từ đó, các đối tượng xâm nhập vào các app này để chiếm đoạt tiền của người dân, trong đó có những người dân trên địa bàn bị lừa đảo số tiền rất lớn, có những người bị lừa trên 100 triệu đồng.

Điển hình như trường hợp của chị T.T.L, ngụ tại Phường 7, thành phố Sóc Trăng, đối tượng điện thoại cho chị, tự xưng là Công an để thông báo tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của chị chưa được cài đặt trên hệ thống, do trùng hợp là chị cài đặt chưa được nên đã không chút nghi ngờ, làm theo các hướng dẫn của đối tượng. 

Các đối tượng yêu cầu trao đổi qua Zalo, hướng dẫn chị cài đặt ứng dụng có tên “CỔNG DỊCH VỤ CÔNG”, đồng thời video call trực tiếp để yêu cầu chị quay khuôn mặt và thẻ Căn cước công dân cho đối tượng thấy. 

Sau khi hoàn tất, đối tượng yêu cầu chị trả tiền phí cài đặt là 12.000 đồng và chuyển vào tài khoản có tên “QUY BAO TRO TRE EM VN”. Nghĩ rằng số tiền không đáng là bao nên chị đã thực hiện việc chuyển tiền bằng tài khoản ngân hàng có trên điện thoại của mình. 

Chỉ sau 2 phút chuyển 12.000 đồng, chị tá hỏa khi số tiền còn lại trong tài khoản là 28 triệu đồng bổng dưng tự động chuyển vào 1 số tài khoản lạ.    

Chị T.T.L chia sẻ, các đối tượng tự xưng là Công an Quận 7 mà chị nghe thành Phường 7, do chị đang không cài đặt được nên để đối tượng hướng dẫn cài đặt chứ không nghĩ là lừa đảo. 

Đối với việc hỗ trợ đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2, lực lượng Công an sẽ hướng dẫn trực tiếp tại trụ sở hoặc trong trường hợp cần thiết sẽ đến tận nhà, khu dân cư để hướng dẫn người dân thực hiện như cách mà lực lượng Công an đã làm trong thời gian qua. 

Do đó, người dân cần hết sức cảnh giác trước các số điện thoại tự xưng là các cơ quan chức năng nói chung và lực lượng Công an nói riêng, hỗ trợ việc kích hoạt tài khoản định danh điện tử nhằm thực hiện các thủ đoạn chiếm đoạt tài sản.     

Thượng tá Phan Sỹ Vinh - Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết, đối với các vụ việc lừa đảo trên không gian mạng, thì việc thu hồi tài sản cho người dân là hết sức khó khăn. Tuy nhiên với tinh thần trách nhiệm cao, trong thời gian qua Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng đã phối hợp chặt với các cơ quan chức năng và triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để điều tra và xử lý tội phạm. 

Song song đó, cơ quan công an cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm cung cấp cho người dân các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm trên không gian mạng để người dân nâng cao tinh thần cảnh giác. 

Qua đây, cũng khuyến cáo người dân: lực lượng Công an không yêu cầu và làm việc người dân qua điện thoại hoặc các môi trường mạng xã hội. Khi có các yêu cầu làm việc hoặc xử lý các thủ tục hành chính sẽ cử cán bộ liên hệ với người dân hoặc có thư mời người dân đến trực tiếp làm việc tại trụ sở cơ quan Công an tại địa phương. 

Do đó, khi nhận được các thông tin yêu cầu làm việc qua điện thoại cũng như yêu cầu xác thực định danh điện tử mức độ 2 hoặc các yêu cầu về thủ tục hành chính khác qua môi trường mạng thì người dân cũng nêu cao tinh thần cảnh giác, thông tin và trình báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc thông tin đến Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao để thực hiện các biện pháp công tác kịp thời.


Link nội dung: https://congnghedoisong.net/chi-thao-tac-chuyen-12000-dong-ta-hoa-khi-28-trieu-dong-tu-dong-chuyen-vao-tai-khoan-ngan-hang-la-a41414.html