Lý do cần có một phương thức quản lý tài sản sở hữu trí tuệ hiệu quả trong thiết kế chiplet

Theo ông Simon Rance, Giám đốc Quản lý sản phẩm và Tiếp thị chiến lược tại Keysight Technologies, công nghệ chiplet được áp dụng rộng rãi hơn đã làm tăng đáng kể rủi ro về bảo mật và tuân thủ IP, do đó, cần có một phương thức quản lý tài sản sở hữu trí tuệ hiệu quả trong thiết kế chiplet…

- Theo ông, những khó khăn thách thức chính liên quan đến quản lý sở hữu trí tuệ (Intellectual Properties - IP) cho các dự án chiplet là gì?

Ông Simon Rance: Sở hữu trí tuệ (IP) ngày càng được tái sử dụng nhiều hơn vì các thiết kế mới đang trở nên phức tạp và thời gian thực hiện ngắn hơn. Hầu hết các đội ngũ thiết kế sử dụng các IP nội bộ - thường được coi là "công thức bí mật" của doanh nghiệp - và các IP do nhà cung cấp bên thứ ba cấp phép. Sự kết hợp này đòi hỏi một nền tảng thống nhất có khả năng phân biệt giữa IP nội bộ và IP từ bên thứ ba, đồng thời có khả năng hiển thị các thuộc tính của từng IP.

Một thiết kế dựa trên chiplet có thể sử dụng nhiều IP đa dạng trên các nút trong quá trình thiết kế. Đội ngũ kỹ sư thiết kế phải chọn IP phù hợp dựa trên công nghệ của quá trình, nguồn gốc và chi tiết cấp phép, do đó việc theo dõi IP bằng phần mềm bảng tính truyền thống đã lỗi thời. Các vấn đề như có được sử dụng giấy phép IP trong thiết kế dùng chiplet hay không, là vô cùng quan trọng.

Lý do cần có một phương thức quản lý tài sản sở hữu trí tuệ hiệu quả trong thiết kế chiplet- Ảnh 1.

Ông Simon Rance

Hơn nữa, cần triển khai một quy trình xác minh nghiêm ngặt để đảm bảo rằng các khối IP tích hợp được gắn kết chặt chẽ và tuân thủ tất cả các tiêu chuẩn và yêu cầu thiết kế. Vì dự kiến có thời gian sử dụng từ 10 đến 20 năm, quá trình xác minh và duy trì các IP này trong suốt vòng đời của các sản phẩm tạo ra những khó khăn thách thức đặc thù, đặc biệt khi có biến động về nhân sự.

- Các nhóm thiết kế có thể làm gì để cải thiện bảo mật IP và đảm bảo tuân thủ trong môi trường thiết kế chiplet với nhiều nhà cung cấp?

Công nghệ chiplet được áp dụng rộng rãi hơn đã làm tăng đáng kể rủi ro về bảo mật và tuân thủ IP. Tôi có ba khuyến nghị như sau.

Đầu tiên, để đảm bảo an toàn cho các IP bán dẫn, cần có các biện pháp kiểm soát truy cập nghiêm ngặt. Các hệ thống quản lý IP nên có khả năng hạn chế quyền truy cập theo các tiêu chí đã xác định. Các tiêu chí này có thể bao gồm các chức năng công việc, vị trí địa lý và mức độ bảo mật.

Thứ hai, để quản lý vòng đời IP cần xác minh được trạng thái cấp phép của các IP để đảm bảo đội ngũ thiết kế có quyền sử dụng. Đối với thiết kế sử dụng chiplet, quy trình xác minh này cần biết liệu một IP đã từng được sử dụng trong một dự án khác trong doanh nghiệp hay chưa, và có được sử dụng IP này trong các thiết kế mới hay không. Đây là các biện pháp rất cần thiết để ngăn chặn vi phạm cấp phép và các hậu quả pháp lý và tài chính tiềm ẩn.

Thứ ba, cần có khả năng truy vết chính xác việc sử dụng IP để duy trì tính bảo mật và tuân thủ. Tính năng này giúp đơn giản hóa các yêu cầu thay đổi kỹ thuật (ECO) và đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn công nghiệp như an toàn chức năng (chẳng hạn như ISO 26262 trong ngành ô tô). Phương pháp quản lý IP hiệu quả phải có khả năng báo cáo chi tiết, chính xác về việc sử dụng IP, các quan hệ phụ thuộc và hệ thống phân cấp trong các thiết kế của IP đó. Nhờ đó, người quản lý có thể theo truy vết những thông tin quan trọng trong suốt vòng đời của IP, tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc thiết kế với một nguồn thông tin chính xác duy nhất.

- Ông có thể chia sẻ một số thực hành tốt nhất để giúp các nhóm thiết kế hợp tác, đặc biệt khi triển khai các dự án sử dụng chiplet?

Cần có chiến lược quản lý IP tập trung để có thể hợp tác chặt chẽ trong quá trình chuyển đổi sang các thiết kế sử dụng chiplet. Nhờ đó, mọi thành viên trong nhóm đều làm việc với các thư viện mới nhất và có thể truy vết nguồn gốc của từng IP. Trong môi trường đa nhà cung cấp, cần sự bảo mật tuyệt đối đối với các IP nhạy cảm. Ví dụ, khi đo kiểm kết nối giữa các đế, tất cả thành viên trong nhóm cần biết rõ dữ liệu nào có thể và không thể chia sẻ với các nhà cung cấp khác.

Một vấn đề trọng yếu khác là bảo mật dữ liệu trong quá trình bàn giao, bất kể qua công cụ quy trình hay giữa các nhóm. Tại Keysight, chúng tôi ứng dụng truyền dữ liệu mã hóa và các giao thức chia sẻ tệp an toàn để bảo vệ thông tin IP. Các công ty trong ngành hàng không vũ trụ và quốc phòng đang thúc đẩy ứng dụng công nghệ blockchain vào quản lý IP để đáp ứng nhu cầu về quy trình làm việc an toàn.

- Công ty làm thế nào để tích hợp các quy trình thiết kế chiplet với các công cụ EDA khác nhau?

Tích hợp quy trình thiết kế chiplet với các công cụ Tự động hóa thiết kế điện tử (EDA) khác nhau là một quá trình phức tạp.

Tại Keysight, chúng tôi tạo ra cho khách hàng một môi trường hợp nhất được tích hợp với tất cả các công cụ EDA từ Synopsys, Cadence, Siemens EDA và nền tảng Hệ thống thiết kế tiên tiến (ADS) của riêng chúng tôi. Trung tâm quản lý IP Keysight IP Management (HUB) cho phép kiểm tra bao quát tất cả dữ liệu thiết kế và IP ở cấp doanh nghiệp.

Khi lưu giữ tất cả dữ liệu và IP trong một nền tảng thống nhất, chúng tôi có thể giảm thiểu rủi ro phân đoạn thông tin và đảm bảo để tất cả các thành viên trong nhóm có thể truy cập các phiên bản chính xác và mới nhất. Để các nhóm thiết kế có thể rút ngắn hơn nữa thời gian đưa các thiết kế sử dụng chiplet của họ ra thị trường, chúng tôi đã đưa bốn tính năng vào HUB:

Dễ dàng truy cập lệnh: Chúng tôi tích hợp các lệnh quản lý thiết kế trực tiếp vào khối quản lý thư viện và các khối biên tập khác, giúp các nhà thiết kế có thể dễ dàng truy cập các công cụ cần thiết mà vẫn tiếp tục quy trình làm việc hiện tại.

Quy trình đơn giản với tính năng tự động check-in và check-out: Các nền tảng tích hợp của chúng tôi tự động hóa quy trình check-in và check-out, đơn giản hóa việc quản lý các tệp tin thiết kế từ tất cả các nhà cung cấp công cụ tự động hóa thiết kế điện tử (EDA) chính hoặc các công cụ nội bộ (thông qua API REST).

Tính năng truy vấn và trực quan hóa nâng cao: Chúng tôi cung cấp tính năng quản lý thiết kế mạnh mẽ có thể hỗ trợ các hoạt động nâng cao, bao gồm khả năng truy vấn mạnh, công cụ trực quan hóa và quản lý danh sách nguyên vật liệu (BOM) phân cấp.

Vận hành đặc thù theo ứng dụng: Nền tảng của chúng tôi cho phép quản lý các hoạt động thiết kế dựa trên cơ sở phân cấp hoặc loại hình thiết kế, nâng cao hiệu quả làm việc của quy trình.

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/ly-do-can-co-mot-phuong-thuc-quan-ly-tai-san-so-huu-tri-tue-hieu-qua-trong-thiet-ke-chiplet-a41275.html