“Việt Nam có thế mạnh rất lớn trong ngành công nghiệp hơn 500 tỷ USD được cả thế giới theo đuổi”

Theo GS Nguyễn Đức Hòa (ĐH Bách Khoa Hà Nội), Việt Nam có nhiều thế mạnh để gia nhập cuộc đua trong ngành công nghiệp hơn 500 tỷ USD với những “gã khổng lồ” trên thế giới.

Tại tọa đàm InnovaConnect "Hệ thống bán dẫn tiên tiến cho thế giới bền vững" ngày 17/4, GS Nguyễn Đức Hòa, GS Vật lý tại ĐH Bách Khoa Hà Nội chia sẻ, ngành công nghiệp bán dẫn rất tiềm năng và đang được rất nhiều quốc gia trên thế giới theo đuổi. Theo vị GS này, giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn trên toàn cầu hiện nay là 544,78 tỷ USD. Tuy nhiên, đến năm 2033, giá trị của ngành này có thể lên tới hơn 1.137 tỷ USD. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (từ 2024 – 2033) sẽ là 7,64%. Những con số này cho thấy quy mô và tiềm năng của ngành công nghiệp này là rất lớn.

“Việt Nam có thế mạnh rất lớn trong ngành công nghiệp hơn 500 tỷ USD được cả thế giới theo đuổi”- Ảnh 1.

GS Nguyễn Đức Hòa cho rằng Việt Nam nên chọn đúng điểm mạnh để cạnh tranh với các thị trường khác trong lĩnh vực bán dẫn.

Theo GS Nguyễn Đức Hòa: "Ở Việt Nam hiện có nhiều trung tâm có thể sản xuất các thiết bị về chất bán dẫn như tại các trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Quốc gia TP HCM… Nhưng sản xuất chip bán dẫn ở nước ta thì chưa nhiều".

Lấy hình ảnh con kiến và con voi để chỉ ra đâu là cơ hội cho Việt Nam chiến thắng trong cuộc đua bán dẫn, GS Nguyễn Đức Hòa chia sẻ: "Nếu chúng ta mang sức ra chiến đấu trong cuộc đua này thì đúng là con kiến so với con voi. Bởi vì tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) đều rất mạnh về sản xuất chip bán dẫn. Họ hơn hẳn chúng ta về nhiều thứ cả về công nghệ, khách hàng… Do đó, chúng ta nên nghĩ đến việc tham gia vào những phân khúc mà mình có thế mạnh và lợi thế".

GS Nguyễn Đức Hòa hiện là Phó Chủ tịch Hội Khoa học Vật liệu Việt Nam, Thành viên của hội đồng Quỹ Nafosted ngành Vật lý và là Phó Hiệu trưởng Trường Vật liệu – ĐH Bách Khoa Hà Nội.

Theo GS, tại thời điểm này ở Việt Nam, việc đầu tư xây dựng một phòng thí nghiệm lớn để có thể sản xuất được như nước ngoài. Nhưng với những phòng thí nghiệm được đầu tư như hiện nay, đơn cử như tại ĐH Bách Khoa Hà Nội, chúng ta cũng hoàn toàn có thể làm ra được những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường, thậm chí là thương mại hóa nếu có sự quan tâm và tham gia của các doanh nghiệp.

"Chúng ta chọn đúng điểm mạnh để cạnh tranh với các thị trường khác. Chúng ta cũng có những hợp tác với các doanh nghiệp. Hơn nữa, Chính phủ Việt Nam cũng đang có những chính sách hỗ trợ cho phát triển ngành bán dẫn. Thị trường trong ngành công nghiệp bán dẫn còn rất lớn. Vì vậy, thị trường không phải là vấn đề cần lo lắng", GS Nguyễn Đức Hòa cho hay.

Cuộc đua và tốc độ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đang nóng hơn bao giờ hết. Theo dự báo của các chuyên gia về quy mô và giá trị tăng trưởng của ngành này, cho thấy nhu cầu quan trọng về nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao.

"Phát triển nguồn nhân lực rất quan trọng. Khi con người được đào tạo bài bản, đầu tư đúng lúc thì đây hoàn toàn có thể là thế mạnh của Việt Nam. Khi tôi học và làm việc với các đối tác nước ngoài, họ thích người Việt Nam hơn. Bởi người Việt chúng ta nhiều khi làm 10 nhưng chỉ nói 5, nói 3 thôi. Điều này có nghĩa là chúng ta làm thật. Cho dù đầu tư gì đi chăng nữa thì con người vẫn là yếu tố quan trọng. Chúng ta cần những người có kỹ năng, có năng lực và thái độ làm việc tốt", GS Nguyễn Đức Hòa nhấn mạnh.

“Việt Nam có thế mạnh rất lớn trong ngành công nghiệp hơn 500 tỷ USD được cả thế giới theo đuổi”- Ảnh 2.

GS Park Inkyu, Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST), đánh giá cao về tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam.

Đồng quan điểm với GS Nguyễn Đức Hòa, theo GS Park Inkyu tại Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST), Việt Nam có dân số trẻ và nền tảng giáo dục tốt. Đây là yếu tố quan trọng cho sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn. Hơn nữa, Việt Nam đang trong giai đoạn mở rộng về địa điểm sản xuất. Đây chính là cơ hội để thu hút đầu tư từ các công ty bán dẫn quốc tế.

Đơn cử như việc hợp tác giữa Hàn Quốc và Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn sẽ mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia. "Việt Nam sẽ có cơ hội để phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao, tạo ra nhiều việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hàn Quốc sẽ có thể mở rộng thị trường, tiếp cận nguồn nhân lực chất lượng cao", GS Park Inkyu chia sẻ.

“Việt Nam có thế mạnh rất lớn trong ngành công nghiệp hơn 500 tỷ USD được cả thế giới theo đuổi”- Ảnh 3.

GS Lee Young Hee, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KAST), phát biểu tại tọa đàm.

Về tiềm năng phát triển ngành bán dẫn của Việt Nam, theo GS Lee Young Hee, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KAST), Giám đốc Trung tâm Vật lý Cấu trúc Nano Tích hợp (CINAP) tại ĐH Sungkyunkwan, ông đã theo dõi và tìm hiểu về ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam trong thời gian qua. 

Theo ông, để xây dựng và phát triển nền công nghiệp mới này sẽ đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực. Việt Nam có thế mạnh dân số trẻ. "Tôi nghĩ rằng việc đầu tiên Việt Nam nên làm là tập trung vào giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng đào tạo, tôi cho rằng cần phải có sự đầu tư mạnh mẽ từ phía Chính phủ để cải thiện về cơ sở hạ tầng, trang bị thiết bị hiện đại cho các trường đại học. Đây là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực của tất cả các bên liên quan".

"Học ở đâu cũng khổ, nhưng không khổ thì không thành người"

“Việt Nam có thế mạnh rất lớn trong ngành công nghiệp hơn 500 tỷ USD được cả thế giới theo đuổi”- Ảnh 4.

Theo GS Nguyễn Đức Hòa, các bạn sinh viên theo đuổi lĩnh vực bán dẫn hoàn toàn có việc làm tốt, thu nhập cao nếu học tập chăm chỉ và nghiêm túc.

Đây là chia sẻ của GS Nguyễn Đức Hòa dành cho những bạn trẻ theo đuổi lĩnh vực bán dẫn. "Nếu mình đã lựa chọn ngành nghề gì thì trước hết phải thích nó. Khi yêu thích nó thì mình sẽ làm việc bằng đam mê, niềm vui thì chắc chắn đầu ra sẽ hiệu quả. Trong tất cả các lĩnh vực đều có cơ hội, nhưng cơ hội lại không dành cho những người lười biếng. Tôi thường nói với các sinh viên của mình rằng đã vào đây học là để sau này đi ra ngoài làm việc, chứ không phải học vì điểm", GS Nguyễn Đức Hòa nói.

Chia sẻ về thu nhập trong ngành bán dẫn sau khi ra trường, GS nhấn mạnh: "Tôi thường nói với sinh viên Bách Khoa, nếu như em trông chờ người khác trả lương cho em thì em không bao giờ được lương cao. Thay vào đó, tại sao em không nghĩ đến việc mình làm để tích lũy kinh nghiệm và một thời gian sau có thể trả lương cho người khác".

Ngành công nghiệp bán dẫn hiện nay ở Việt Nam vẫn chỉ phụ thuộc vào các tổ chức nghiên cứu, một số nhà máy và các viện trường. Tuy nhiên, theo GS Nguyễn Đức Hòa, với sự vào cuộc của Chính phủ, sự đầu tư và hợp tác giữa các tổ chức, doanh nghiệp cùng với việc chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thì Việt Nam hoàn toàn có nhiều cơ hội phát triển trong ngành công nghiệp hơn 500 tỷ USD này.

InnovaConnect là sáng kiến mới nhất của Quỹ VinFuture để tiếp nối thành công của chuỗi sự kiện "Đối thoại khám phá tương lai VinFuture" từ mùa giải VinFuture 2023. Mục tiêu là nhằm tăng cường giao lưu học thuật, trao đổi chuyên môn và thúc đẩy hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học uy tín thế giới với các Viện – Trường hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực khoa học - công nghệ.

(Ảnh: MH)

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/viet-nam-co-the-manh-rat-lon-trong-nganh-cong-nghiep-hon-500-ty-usd-duoc-ca-the-gioi-theo-duoi-a41208.html