Lướt điện thoại nhiều đã làm giảm khoảng tập trung (attention span) và trí nhớ của con người đến mức còn ngắn hơn cả não cá vàng. Ánh sáng xanh làm xáo trộn giấc ngủ, phá hủy nhịp sinh học. Không chỉ vậy, các thiết bị công nghệ và đặc biệt là smartphone tàn phá sức khỏe tinh thần của giới trẻ.
Đó là cách truyền thông và các nghiên cứu khoa học thường nói khi nhắc đến điện thoại thông minh.
Tuy nhiên, trong cuốn sách Unlocked, nhà tâm lý học Pete Etchells cho biết sức phá hủy của smartphone không nhanh đến vậy. Là giáo sư tâm lý học và truyền thông khoa học tại Đại học Bath Spa Anh, Etchells trước đây đã vạch trần nỗi lo ngại về game điện tử khiến trẻ em biến thành xác sống và khiến chúng trở nên bạo lực.
Bây giờ, ông chuyển sự chú ý sang một mối lo lắng xã hội thậm chí còn lớn hơn - smartphone. Trái ngược với quan điểm phổ biến của nhiều người, bằng chứng cho thấy các thiết bị kỹ thuật số ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm thần, thiếu ngủ, giảm khả năng tập trung là rất ít, Etchells lập luận.
Lỗ hổng trong các nghiên cứu về tác hại smartphone
“Bạn sẽ đọc được các tiêu đề bị thổi phồng và trông có vẻ có cơ sở khoa học kiểu như những thiết bị này đang gây hại cho con người. Tất nhiên, điều đó phù hợp với thế giới quan của bạn”, Etchells nói.
Nhưng sau khi xem xét kỹ các bằng chứng về việc thời gian sử dụng thiết bị ảnh hưởng như thế nào đến giấc ngủ, khả năng tập trung và sức khỏe tâm thần con người, "bạn sẽ nhận ra rằng thực ra, nó không rõ ràng đến thế”.
Một khi bắt đầu tìm hiểu kỹ và đào sâu vào các nghiên cứu về smartphone, bạn sẽ thấy các kết luận đều rất mơ hồ. Ảnh: Unsplash. |
Viết trong tựa sách Unlocked, Etchells đã thực hiện nhiều nghiên cứu nhằm chỉ ra những tác động tiêu cực của smartphone và chỉ ra lỗ hổng của chúng.
Lấy tài liệu về thời gian sử dụng màn hình ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần làm ví dụ chẳng hạn, Etchells chỉ ra rằng hầu hết nghiên cứu đều lấy dữ liệu từ các cuộc khảo sát lớn. Họ kiểm tra xem liệu những người dành nhiều thời gian hơn cho màn hình điện tử có nhiều nguy cơ về sức khỏe tâm thần kém hay không.
Tuy nhiên, những nghiên cứu quan sát như vậy đã vi phạm nguyên tắc phổ biến trong thống kê - tương quan không đồng nghĩa với nhân quả (correlation does not imply causation).
Ông cho rằng thay vì dành thời gian nghiên cứu việc sử dụng smartphone gây ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần, học giả có thể lật ngược lại câu hỏi. Liệu các vấn đề về sức khỏe tâm thần có khiến mọi người dành nhiều thời gian hơn cho điện thoại hay không? Hay cả việc sử dụng điện thoại và sức khỏe tâm thần kém đều có thể do yếu tố thứ ba gây ra, chẳng hạn như sự cô đơn.
Etchells còn phân tích lại một nghiên cứu có ảnh hưởng, từng tuyên bố rằng thời gian sử dụng thiết bị và chứng trầm cảm có mối liên quan chặt chẽ với nhau. Tuy nhiên, nhà tâm lý học chỉ ra “chưa đến một nửa phần trăm các triệu chứng trầm cảm của một sinh viên nữ mắc phải có thể được dự đoán từ mức độ sử dụng mạng xã hội của cô ấy”.
Etchells cũng ghi lại nhiều sai sót trong các nghiên cứu về thời gian sử dụng smartphone, chẳng hạn như các nhà khoa học không nhất quán trong cách xác định thời gian sử dụng thiết bị. “Một khi bạn bắt đầu tìm hiểu kỹ về điều này và đào sâu vào các nghiên cứu, bạn sẽ thấy các kết luận đều rất mơ hồ”, ông nói.
Đừng giật gân tác hại của smartphone
Từng là một game thủ kỳ cựu, Etchells nhớ lại mình đã đọc một tiêu đề báo vào năm 2011, nói rằng: “Game điện tử khiến trẻ em mắc chứng 'mất trí nhớ' - cảnh báo đến từ nhà thần kinh học hàng đầu”. "Tiêu đề này thật vô nghĩa”, ông nghĩ.
Đó cũng là lúc ông bắt tay vào nghiên cứu và đi tìm câu trả lời đúng nhất cho vấn đề này. Ông đã xuất bản tựa sách Lost in a Good Game vào năm 2019. Lost in a Good Game và Unlocked đều bày tỏ nghi ngờ của Etchells về sự hoảng loạn xã hội khi các hình thức truyền thông mới xuất hiện.
Trong Unlocked, ông nhắc đến sự hoảng loạn xã hội khi Anh bãi bỏ thuế giấy vào năm 1861. Vào thời điểm đó, nhiều người quan ngại rằng phụ nữ, trẻ em và tầng lớp lao động "cần được 'bảo vệ' khỏi dòng văn học rác rưởi”.
Sự hoảng loạn này cũng xuất hiện nhiều lần xuyên suốt lịch sử nhân loại, từ những người ở Hy Lạp cổ đại tự hỏi viết lách có thể gây tác hại gì, đến nỗi sợ hãi về "nghiện radio", lo ngại rằng TV có thể thúc đẩy hành vi bạo lực.
Cần xem xét kỹ tác động của smartphone đến con người trước khi cấm hay thay đổi thói quen người dùng. Ảnh: DPA. |
Đương nhiên, đây không phải là lý do để loài người khai tử giấy, radio hay bây giờ là smartphone. Nhưng đó là nguyên nhân cho sự hoài nghi. "Liệu đây có phải là điều mà chúng ta thực sự nên lo lắng không?", ông đặt câu hỏi. "Câu trả lời vào lúc này là: Chúng ta không biết. Chúng ta không thể biết bởi vì chưa có dữ liệu", Etchell nói.
Theo Time, đây không chỉ là cuộc tranh luận học thuật khô khan. Các nhà lập pháp trên khắp thế giới đang bắt đầu đề xuất đạo luật thay đổi cách mọi người sử dụng thiết bị kỹ thuật số của mình. Tại Mỹ, Thượng nghị sĩ Josh Hawley đã đề xuất một dự luật cấm trẻ em dưới 16 tuổi khỏi các trang mạng xã hội. Tại Anh, Thủ tướng Rishi Sunak được cho là đang cân nhắc làm điều tương tự.
Nhưng bất kỳ thay đổi nào cũng cần dựa trên bằng chứng, Etchells nhấn mạnh. Bởi các quy định vô căn cứ có thể thất bại hoặc thậm chí phản tác dụng, ông nói. Nhà tâm lý học trích dẫn ví dụ về Luật Cô bé Lọ Lem năm 2011 của Hàn Quốc, cấm trẻ em dưới 16 tuổi chơi trò chơi điện tử trực tuyến từ 12-6 giờ sáng.
Kết quả cho thấy nó chỉ kéo dài 1,5 phút giấc ngủ của một người trẻ trung bình, đồng thời tăng lượng thời gian họ dành cho Internet trong ngày. Đây không phải là điều mà các nhà lập pháp Hàn Quốc hy vọng.
Bên cạnh đó, bất kỳ phát ngôn công khai mang tính giật gân nào về smartphone cũng có thể phủi sạch mọi trách nhiệm của ngành công nghệ.
"Chúng ta đã đi chệch hướng với các loại công nghệ ngày nay. Các hãng không xem sức khỏe là mối quan tâm số một và tôi nghĩ điều đó cần phải thay đổi. Nhưng để có những cuộc thảo luận như vậy với giới công nghệ, chúng ta cần có khả năng xác định và nói về vấn đề này một cách hợp lý và không được giật gân”, ông nói.
Những nhà khoa học tiên phong
"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/smartphone-khong-doc-hai-nhu-ban-tuong-a41185.html