Hiện tượng tâm lý ẩn sau thói quen không dùng tiền mặt: Làm hùng hục cả tháng cũng không dư đồng nào, quẹt mòn thẻ và “nợ tín dụng bền vững”!

Việt Nam đang chứng kiến sự bùng nổ của thanh toán không tiền mặt, đặc biệt là trong giới trẻ. Thẻ tín dụng, ví điện tử, mã QR... dần thay thế cho tiền mặt trong các giao dịch hàng ngày. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện lợi, xu hướng này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Không dùng tiền mặt dễ vung tay quá trán?

Dịch Covid-19 bùng nổ đã vô tình thúc đẩy làn sóng thanh toán điện tử và chi tiêu "không chạm", phủ sóng rộng rãi trong cuộc sống hàng ngày, từ các trung tâm mua sắm, cửa hàng, quán ăn, tới các tiệm tạp hóa và một số tiểu thương chợ truyền thống...

Giờ đây, người dùng có thể sử dụng thẻ tín dụng/ ghi nợ, kết hợp với chuyển khoản, quét mã QR, ví điện tử... để thanh toán nhanh chóng, an toàn cho hầu hết giao dịch trong ngày mà không cần mang theo tiền mặt.

Hiện tượng tâm lý ẩn sau thói quen không dùng tiền mặt: Làm hùng hục cả tháng cũng không dư đồng nào, quẹt mòn thẻ và “nợ tín dụng bền vững”!- Ảnh 1.

Kết hợp với công nghệ eKYC, một số cửa hàng còn áp dụng các phương pháp thanh toán qua nhận diện khuôn mặt, và còn được hỗ trợ vay tín dụng một cách nhanh chóng mà không phải chứng minh rườm rà.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến cuối năm 2023, số lượng tài khoản thanh toán của cá nhân là hơn 182,88 triệu tài khoản, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong tháng 1/2024 so với cùng kỳ năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 63,3% về số lượng và 41,45% về giá trị; qua kênh Internet tăng 57,85% về số lượng và 32,43% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 68,54% về số lượng và 41,12% về giá trị; qua phương thức QR code tăng 892,95% về số lượng và 1.062,01% về giá trị; qua POS tăng 16,87% về số lượng và tăng 13,65% về giá trị; qua ATM giảm 15,14% về số lượng và giảm 18,76% về giá trị, số liệu trên cho thấy xu hướng dịch chuyển từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt.

Tuy nhiên, ẩn sau sự tiện lợi và nhanh chóng là những xu hướng về tâm lý ảnh hưởng đến thói quen chi tiêu.

Khi sử dụng thẻ hay ví điện tử, người tiêu dùng sẽ không trực tiếp cảm nhận được số tiền chảy từ ví mình sang ví người khác. Nhất là khi việc thanh toán ngày một trở nên đơn giản hơn, lướt nhẹ trên màn hình điện thoại, nhập mã pin hoặc cho điện thoại xác nhận khuôn mặt. Điều này khiến cảm nhận về giá trị của đồng tiền dần trở nên "mờ nhạt".

Một nghiên cứu của Đại học MIT cho thấy người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu nhiều hơn 12%-18% khi sử dụng thẻ tín dụng so với tiền mặt.

Hiện tượng tâm lý ẩn sau thói quen không dùng tiền mặt: Làm hùng hục cả tháng cũng không dư đồng nào, quẹt mòn thẻ và “nợ tín dụng bền vững”!- Ảnh 2.

Điểm yếu của thanh toán online sẽ còn "chí mạng" hơn khi kết hợp với thẻ tín dụng. Việc dễ dàng "chốt đơn" khi chưa có kế hoạch mua sắm và ngân sách phù hợp là con đường dẫn đến nợ nần. Việc chi tiêu trước, trả tiền sau tạo cảm giác "dễ thở" ban đầu, nhưng về lâu dài sẽ dẫn đến gánh nặng tài chính lớn.

Theo hai vị giáo sư kinh tế Drazen Prelec and Duncan Simester: "Trừ khi bạn thanh toán khoản nợ thẻ tín dụng ngay lập tức, bạn sẽ không cảm thấy ảnh hưởng của nó trong ít nhất một tháng."


Làm sao để né bẫy tâm lý "quẹt trước nghĩ sau"?

Nhiều "cám dỗ" là thế, nhưng chúng ta không thể nào một mình chống lại xu hướng "không tiền mặt" ngày càng phát triển. Vậy làm cách nào vừa tận dụng được những lợi ích của xu hướng này, mà vừa tránh được các "bẫy thu nhập" như đã nêu.

1/ Lập kế hoạch chi tiêu rõ ràng mỗi tháng

- Sử dụng các ứng dụng quản lý tài chính hoặc file Excel để theo dõi và xác định rõ ràng số tiền thu nhập và chi tiêu mỗi tháng.

- Chia nhỏ các khoản chi tiêu thành các mục nhỏ (ăn uống, di chuyển, giải trí,...) và phân bổ ngân sách hợp lý cho từng mục. Có thể sử dụng ví điện tử, các ngân hàng hỗ trợ chia nhỏ khoản tiền chi tiêu, hoặc đặt trên cho từng sổ tiết kiệm để dễ dàng quản lý.

Hiện tượng tâm lý ẩn sau thói quen không dùng tiền mặt: Làm hùng hục cả tháng cũng không dư đồng nào, quẹt mòn thẻ và “nợ tín dụng bền vững”!- Ảnh 3.

- Chủ động đặt lịch thanh toán tự động cho các khoản chi tiêu cố định (Tiền nhà, hóa đơn điện nước, internet,...).

2/ Không sử dụng tài khoản "chung chung"

Nếu là một tín đồ shopping, hãy mở một tài khoản ngân hàng riêng cho mục đích thanh toán online, và chuyển đúng vào đây số tiền mà bạn "cho phép" bản thân chi tiêu mỗi tháng.

Hoặc nếu có thời gian và mong muốn tận dụng các ưu đãi hoàn tiền của Thẻ tín dụng, hãy chủ động thanh toán hoặc "khóa" số tiền vừa được quẹt để đảm bảo không chi tiêu quá tay.

3/ Cẩn thận với các "bẫy thanh toán"

Ngoài việc lên kế hoạch và theo dõi ngân sách phù hợp, chúng ta cũng nên cẩn thận với các mánh khóe "lừa đảo" trực tuyến:

- Tìm hiểu kỹ thông tin trước khi thanh toán, đặc biệt là các chương trình khuyến mãi, giảm giá.

- Tránh truy cập các trang web không uy tín, click vào các đường link lạ hoặc tải các ứng dụng không được xác minh.

- Sử dụng mật khẩu mạnh và bảo mật thông tin tài khoản cẩn thận.

- Hạn chế liên kết các loại thẻ tín dụng và để quá nhiều tiền trong các tài khoản thanh toán, phòng hờ trường hợp kẻ gian truy cập và chiếm đoạt.

Hiện tượng tâm lý ẩn sau thói quen không dùng tiền mặt: Làm hùng hục cả tháng cũng không dư đồng nào, quẹt mòn thẻ và “nợ tín dụng bền vững”!- Ảnh 4.

Kết 

Thanh toán không tiền mặt một cách an toàn và hiệu quả là điều hoàn toàn có thể nếu chúng ta áp dụng những bí quyết trên.

Hãy luôn cẩn trọng và cảnh giác để bảo vệ tài chính cá nhân và tận hưởng những lợi ích mà thanh toán online mang lại.



Link nội dung: https://congnghedoisong.net/hien-tuong-tam-ly-an-sau-thoi-quen-khong-dung-tien-mat-lam-hung-huc-ca-thang-cung-khong-du-dong-nao-quet-mon-the-va-no-tin-dung-ben-vung-a41142.html