Mặc dù việc mở cửa iOS cho bên thứ 3 có thể tốt cho sự cạnh tranh, điều này cũng có thể làm tăng các nguy cơ độc hại. Ảnh: Reuters. |
Trong đơn kiện của Bộ Tư pháp Mỹ chống lại Apple, điều gây tranh cãi nhất có lẽ là loạt cáo buộc về bảo mật và quyền riêng tư. Gã khổng lồ công nghệ cảnh báo rằng nếu Bộ Tư pháp cứ làm theo ý mình, các sản phẩm của Apple - đặc biệt là iPhone - sẽ trở nên kém an toàn hơn đối với người dùng.
Đổi lại, cơ quan chính phủ tuyên bố các tính năng bảo mật được Apple quảng cáo rầm rộ chỉ là bịa đặt.
Bộ Tư pháp Mỹ tấn công vào nhận diện thương hiệu của Apple
Đơn khiếu nại trong vụ kiện chống độc quyền của Bộ Tư pháp Mỹ khẳng định rằng công ty này “tự ý che đậy quyền riêng tư, bảo mật và sở thích của người tiêu dùng để biện minh cho hành vi bóp nghẹt cạnh tranh của mình”.
Trong cuộc họp báo công bố vụ kiện, Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Jonathan Kanter cho biết những lựa chọn của Apple đã khiến hệ sinh thái của hãng “kém riêng tư và an toàn hơn”.
“Apple đã có hành động tổn hại đến quyền riêng tư và lợi ích bảo mật chỉ vì lợi ích tài chính của chính tập đoàn.
Đơn cử như làm giảm tính bảo mật của tin nhắn văn bản, cho phép chính phủ và một số công ty có cơ hội truy cập phiên bản kho ứng dụng riêng tư, bảo mật hơn, hay nhận hàng tỷ USD mỗi năm để chọn Google làm công cụ tìm kiếm mặc định, mặc dù có nhiều lựa chọn an toàn khác”, đơn khiếu nại viết.
Apple khẳng định hệ sinh thái đóng của iOS giúp iPhone an toàn hơn rất nhiều so với Android. Ảnh: Bloomberg. |
Theo The Verge, đây là một đòn đánh quyết liệt vào Apple - một công ty vốn có chiến lược xây dựng thương hiệu tập trung vào quyền riêng tư. Trong vụ Epic kiện Apple, thẩm phán nhận thấy rằng quyền riêng tư của người dùng và bảo mật thiết bị là những lý do có thể chấp nhận khi chính sách App Store đặt ra nhiều hạn chế cho nhà phát triển.
Trong các cuộc họp báo, đại diện phát ngôn của Apple đã tỏ ra phẫn nộ khi Bộ Tư pháp khẳng định các tính năng bảo mật và quyền riêng tư của công ty là có tính toán. Hãng phản bác rằng vụ kiện chống độc quyền cuối cùng sẽ gây hại cho người dùng.
Vụ kiện đã tấn công vào một trong những đặc điểm cốt lõi để nhận diện thương hiệu Apple phụ thuộc, xoáy sâu vào khái niệm quyền riêng tư của người dùng, đồng thời vượt xa vấn đề của những đánh giá trên App Store.
Đơn khiếu nại nhấn mạnh rằng không giống như iMessages, tin nhắn truyền thống màu xanh lá cây của người dùng iPhone khi nhắn với người dùng Android thiếu bước mã hóa mã hóa.
“Apple buộc các nền tảng khác phải sử dụng tin nhắn SMS truyền thống. Tập đoàn không cho phép tích hợp iMessage hoặc một nền tảng tin nhắn được mã hóa khác”, Cliff Steinhauer, giám đốc bảo mật thông tin tại Liên minh An ninh mạng Quốc gia, nói với The Verge. Bởi tin nhắn SMS không được mã hóa, nên theo mặc định chúng sẽ kém an toàn hơn.
Trước đó, Apple từng tuyên bố các thiết bị của hãng sẽ bắt đầu hỗ trợ RCS, giao thức nhắn tin an toàn hơn, giúp mã hóa thông tin với các thiết bị Android vào cuối năm nay.
Hệ sinh thái Apple sẽ ra sao nếu thua kiện?
Trong đơn kiện, Bộ Tư pháp Mỹ không chỉ tấn công vào trình nhắn tin màu xanh lá cây, mà còn đề cập đến App Store. Tại cuộc họp báo của cơ quan, một phóng viên đặt vấn đề rằng việc loại bỏ khả năng kiểm duyệt ứng dụng trước khi được tải lên App Store có thể “thả cửa cho các ứng dụng Trung Quốc và Nga cũng như các đối thủ khác tràn vào Mỹ”.
Bộ trưởng Merrick Garland cho biết mục tiêu của vụ kiện là hạn chế “hành vi loại trừ đối thủ” trong App Store, chứ không làm giảm khả năng kiểm duyệt ứng dụng của Apple. Đơn kiện đề nghị tòa án ngăn chặn Apple “sử dụng quyền phân phối ứng dụng của mình để làm suy yếu các công nghệ đa nền tảng, như siêu ứng dụng và ứng dụng phát trực tuyến trên nền tảng đám mây”.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia bảo mật lưu ý rằng App Store của Apple thực sự an toàn hơn nhiều so với kho ứng dụng trên điện thoại Android. Danny Rogers, CEO công ty an ninh mạng iVerify, nhận định: “Mặc dù việc mở cửa hàng ứng dụng cho bên thứ 3 có thể tốt cho sự cạnh tranh, điều này cũng có thể làm tăng các nguy cơ độc hại”.
Còn quá sớm để kết luận quyền riêng tư của người dùng iPhone sẽ bị ảnh hưởng như thế nào nếu Bộ Tư pháp thắng kiện. Ảnh: Bloomberg. |
Hành vi độc hại có thể bao gồm xâm nhập hệ điều hành, cài đặt phần mềm gián điệp như Pegasus. “Chúng tôi nhận thấy tần suất các vấn đề bảo mật xuất hiện trên Android cao hơn gấp 100 lần so với iOS”, vị chuyên gia cho biết.
Daniel Kahn Gillmor, chuyên gia công nghệ của tổ chức American Civil Liberties Union, cho biết nguyên nhân tỷ lệ phần mềm độc hại trên điện thoại Android cao hơn có thể liên quan đến việc các thiết bị này có “thời hạn sử dụng lâu hơn” so với iPhone.
Gillmor cho biết: “Bạn sẽ tìm thấy nhiều lỗ hổng hơn trên các thiết bị Android cũ, lỗi thời chỉ vì chúng vẫn còn bày bán và liên tục được giảm giá. Trong khi đó, Apple đã làm rất tốt việc duy trì cập nhật đều đặn và cả việc ngừng hỗ trợ những dòng iPhone cũ. Nếu có người mua, hãng sẽ nói ‘Máy này không còn tốt nữa, bạn phải mua cái mới. Chúng tôi không còn hỗ trợ nó’”.
Chuyên gia cũng đồng ý rằng một kho ứng dụng “có nhiều biện pháp kiểm soát lỏng lẻo hơn” có thể dẫn đến “nhiều rủi ro xâm nhập, lây nhiễm mã độc được đưa vào điện thoại của mọi người”. “Nhưng rủi ro đó là đáng giá, bởi vì điều đó có nghĩa là các bên thứ 3 có quyền phân phối những app không được Apple chấp thuận”, ông nói thêm.
Gillmor viện dẫn sự kiện Apple xóa Phone Story - trò chơi châm biếm quy trình sản xuất của tập đoàn - khỏi App Store vào năm 2011. Một ứng dụng theo dõi các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ cũng bị kho ứng dụng từ chối hàng chục lần trước khi Apple chấp thuận.
“Dễ thấy, Apple luôn kiểm soát chặt chẽ hệ sinh thái của mình hơn mức cần thiết để có một hệ sinh thái phần mềm an toàn trên thiết bị. Ngay cả máy tính của Apple cũng không cho phép bạn cài đặt phần mềm từ bất kỳ đâu mà bạn muốn”, Gillmor nhận định
Hiện tại, còn quá sớm để kết luận quyền riêng tư của người dùng iPhone sẽ bị ảnh hưởng như thế nào nếu Bộ Tư pháp thắng kiện. “Có rất nhiều thành phần khác nhau trong vụ kiện này. Rất khó để một bên thắng tất cả hoặc một bên thua tất cả”, Cliff Steinhauer nói với The Verge.
Những câu chuyện bên trong Apple
Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/my-kien-apple-nguoi-dung-co-bi-anh-huong-a41117.html