Nhiều kim loại sắp cạn kiệt trong vòng 100 năm, nhưng "kho tài nguyên" 24 tỷ USD, hàng nghìn tấn vàng lại bị vứt ngoài bãi rác

Bất ngờ kho báu 24 tỷ USD đang bị bỏ ngoài bãi rác.

Nhiều kim loại sắp cạn kiệt trong vòng 100 năm, nhưng

Theo Tổ chức môi trường Hòa Bình Xanh (Greenpeace), giá trị tiềm năng của các kim loại có thể tái chế được từ điện thoại di động, máy tính xách tay và máy tính để bàn bỏ đi ở Trung Quốc sẽ tăng lên khoảng 24 tỷ USD vào năm 2030. Đây được coi như một mỏ kho báu lớn.

Trong một báo cáo thực hiện với Hiệp hội Phát triển Công nghệ và Điện tử Trung Quốc, Greenpeace cho rằng mức tiêu thụ các thiết bị điện tử ngày càng lớn có thể sẽ đẩy giá trị kinh tế tiềm năng của các kim loại có thể tái chế từ điện thoại di động và máy tính tăng hơn hai lần lên 160 tỷ NDT (23,96 tỷ USD) vào năm 2030, so với mức ước đạt 81 tỷ NDT (12 tỷ USD) năm 2020. Theo báo cáo của Greenpeace, nếu tính cả các sản phẩm rác thải điện tử khác, giá trị nêu trên còn có thể cao hơn.

Trung Quốc, thị trường điện thoại di động lớn nhất thế giới, hiện đang nỗ lực thúc đẩy lĩnh vực tái chế rác thải điện tử nhằm cải thiện môi trường, giảm chi phí cũng như giảm sự phụ thuộc của nước này vào các nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Khối lượng rác thải điện tử của Trung Quốc ước tính sẽ tăng từ 13 triệu tấn năm 2018 lên 15,4 triệu tấn vào năm 2020 và 27,2 triệu tấn vào năm 2030, với tốc độ tăng trung bình 10,4% mỗi năm. Các nghiên cứu cho thấy mỗi tấn thiết bị điện tử bỏ đi (không tính pin) chứa hơn 270 gram vàng. 

Theo đó, đã có 3.510 tấn vàng nằm trong các thiết bị điện tử bị bỏ ngoài bãi rác vào năm 2018, 4.158 tấn vàng bị bỏ ngoài bãi rác vào năm 2020, 7.344 tấn vàng nằm trong các thiết bị điện tử sẽ bị bỏ ngoài bãi rác vào năm 2030.

Ngoài ra, theo Hiệp hội Hóa học Trung Quốc, những kim loại quý hiếm xuất hiện trước khi hình thành trái đất và con người không thể tạo ra được. Nhiều chuyên gia ước tính rằng, sẽ có nhiều nguồn tài nguyên kim loại cạn kiệt trong vòng 100 năm tới. Trong khi đó, những thiết bị điện tử bị bỏ đi lại chứa một số kim loại đặc biệt quan trọng.

Những năm gần đây, nhiều người đã có xu hướng mua mới và thải đi rất nhiều thiết bị điện tử. Giờ đây, nhiều bãi tập kết rác tại Trung Quốc đang tìm kiếm "kho báu" từ những rác thải điện tử này, tháo dỡ các bộ phận chứa kim loại quý hiếm trong các sản phẩm điện tử, vận chuyển đến các nhà máy chuyên dụng để nấu chảy rồi tái sử dụng.

Người đứng đầu một công ty tái chế đồ điện tử ở Trung Quốc cho biết, có rất nhiều thiết bị điện tử cũ bị vứt vào túi rác màu đen và đốt ở bãi rác như rác thông thường, đây thực sự là một vấn đề lớn.

Hiện nay, Trung Quốc là trung tâm phân phối 70% rác thải điện tử của thế giới và cũng là nhà sản xuất và tiêu thụ lớn các sản phẩm điện tử. Với nhu cầu phát triển của chính doanh nghiệp và sự hội nhập nhanh chóng của internet, hàng loạt mô hình sáng tạo tái chế rác thải điện, điện tử đã mọc lên liên tục.

Điển hình như các mô hình tái chế như tiêu dùng xanh + tái chế xanh, internet + tái chế được phân loại… đã bước vào một giai đoạn phát triển mới trong ngành tái chế sản phẩm điện và điện tử phế thải.

Theo số liệu của Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc, trong những năm gần đây, lượng tiêu hủy các sản phẩm điện và điện tử lớn ở nước này mỗi năm đã vượt quá 200 triệu chiếc. Là nước sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm điện và điện tử lớn nhất thế giới, Trung Quốc đã thải bỏ hơn 11 triệu tấn tivi, tủ lạnh, điện thoại di động và các sản phẩm điện tử khác, chiếm lượng rác thải điện tử lớn nhất thế giới.

Trong khi đó, chỉ có 17,4% rác thải điện tử được thu gom và tái chế vào năm 2019. Điều này có nghĩa là các kim loại quý như vàng, bạc, đồng, bạch kim và các vật liệu có thể tái chế, có giá trị cao khác hầu hết đều bị đổ hoặc đốt.


Link nội dung: https://congnghedoisong.net/nhieu-kim-loai-sap-can-kiet-trong-vong-100-nam-nhung-kho-tai-nguyen-24-ty-usd-hang-nghin-tan-vang-lai-bi-vut-ngoai-bai-rac-a41100.html