Chuyên gia: Việt Nam không nên phát triển nhân lực ngành bán dẫn như trào lưu

Giáo sư kĩ thuật cơ khí George Chiu, từ Đại học Purdue, Mỹ cho rằng cách tiếp cận bán dẫn riêng biệt như một ngành "hot" không phải là cách làm lâu dài.

Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam đầu tháng 4, GS.TS George Chiu, Giáo sư kỹ thuật cơ khí tại Đại học Purdue, Mỹ chia sẻ với báo chí về phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, các kinh nghiệm trên thế giới trong phát triển chuỗi cung ứng bán dẫn.

- Ông có bình luận gì về phát triển nhân lực ngành công nghệ ở Việt Nam, nhìn từ những câu chuyện thành công?

Phần lớn chủ đề chúng tôi đã nói đến xoay quanh phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là ở lĩnh vực bán dẫn. Tôi thấy có rất nhiều sự quan tâm và hào hứng về chủ đề này. Như thông tin chúng ta đã nói về việc phát triển 50.000 nhân lực chất lượng cao trong ngành bán dẫn.

Chúng tôi đã thảo luận về cách thức tốt nhất để hiện thực hóa điều đó. Đối với các câu chuyện thành công, tôi nghĩ mỗi quốc gia lại có những nét độc đáo và khác biệt. Nên chưa chắc câu chuyện thành công ở một nơi nào đó đã phù hợp với Việt Nam.

Nhưng chúng ta có thể nói về những bản chất, những điểm cốt yếu về việc tại sao một câu chuyện phát triển thành công lại xảy ra.

Tôi nghĩ đầu tiên bạn sẽ phải gia tăng đầu vào nguồn nhân tài, những người sẽ đi qua các chương trình phát triển công nghệ. Bạn cần cân nhắc đến tất cả các nhóm người, tất cả giới tính và điều kiện kinh tế, xã hội. Không chỉ những người thường được cho là phù hợp với chương trình đó mà còn cần gia tăng nguồn nhân tài thô mà chúng ta sẽ đưa vào hệ thống này.

Tiếp theo bạn cần đảm bảo rằng khi phát triển những nhân tài này, phải loại bỏ những điều là trở ngại với họ. Để họ có thể tiếp tục theo chương trình lâu dài, tiếp tục quan tâm đến chương trình mà không mất đi mục tiêu ban đầu. Phải hướng dẫn họ đi qua chương trình.

Thứ ba và quan trọng nhất là bạn cần đảm bảo ở cuối “đường ống”, những nỗ lực của họ được đánh giá xứng đáng. Bạn cần tạo ra giá trị cho những tấm bằng, những kinh nghiệm của họ.

Nếu làm được tất cả điều này thì khả năng cao bạn sẽ có một chương trình phát triển nguồn nhân lực thành công. Còn phải áp dụng cụ thể như thế nào, sẽ phụ thuộc vào mỗi quốc gia và khu vực, và Việt Nam cần tìm ra cách phù hợp với mình.

- Sức hấp dẫn và sự quan tâm trong ngành bán dẫn khiến việc tuyển sinh ồ ạt xảy ra. Điều này có thể dẫn đến những nguy cơ gì? Và cách khắc phục như thế nào?

Một câu hỏi rất hay. Tôi nghĩ đang có sự hiểu lầm về việc bán dẫn là gì.

Chuyên gia: Việt Nam không nên phát triển nhân lực ngành bán dẫn như trào lưu- Ảnh 1.

GS.TS George Chiu, Giáo sư kỹ thuật cơ khí tại Đại học Purdue, Mỹ

Như vậy sẽ tốt hơn nếu có nhiều sinh viên theo học các ngành kỹ thuật chung và chúng ta gia tăng được nhân tài ở những lĩnh vực này. Điều đó không chỉ giúp cải thiện ngành bán dẫn, mà còn cải thiện nhân lực ở cả các ngành kỹ thuật và ứng dụng kỹ thuật khác.

Đó là tình huống vẹn cả đôi đường. Còn nếu bạn chỉ tập trung vào một lĩnh vực cụ thể của bán dẫn và khi tất cả mọi người đổ vào đó, khi họ không có việc làm phù hợp trong ngành bán dẫn, sẽ có nhiều vấn đề phát sinh.

- Ông có thể chia sẻ thêm về trường hợp của Đài Loan? Đến thăm Việt Nam, ông nhận định các thành phố ở Việt Nam đã chuẩn bị đến đâu cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực này?

Tôi nghĩ rất nhiều công ty đầu tư vào nguồn nhân lực ở các nơi. Tôi không đến từ doanh nghiệp, nên không thể bình luận họ đang muốn gì.

Nhưng theo tôi hiểu, việc có sự trao đổi là rất quan trọng. Ví dụ trong trường hợp của Đài Loan thì sẽ luôn có một độ “vênh” nhất định giữa đầu ra của hệ thống giáo dục và những gì doanh nghiệp muốn.

Như vậy cần có sự phối hợp giữa ngành công nghiệp, các công ty và các viện đào tạo cấp cao. Trong những ngày qua tôi cũng được quan sát và nhận thấy sự phối hợp giữa khối công và tư đóng vai trò quan trọng như thế nào trong phát triển nguồn nhân lực bán dẫn hiệu quả.

Đối với câu chuyện thu hút đầu tư, bên cạnh nguồn nhân lực phù hợp, cần có hướng dẫn và các quy định rõ ràng cho các công ty sẽ làm việc trong khu vực, và các chính sách thể hiện bạn coi trọng quyền sở hữu trí tuệ, vì đó sẽ là những sản phẩm và công việc trong lĩnh vực công nghệ cao, và tài sản trí tuệ là thiết yếu đối với sự cạnh tranh trong ngành.

- Ông nhận định thế nào về mục tiêu 50.000 nhân lực chất lượng cao ngành bán dẫn của Việt Nam? Sẽ cần làm gì để đạt mục tiêu này?

Tôi nghĩ đó là một mục tiêu tham vọng nhưng truyền cảm hứng. Sẽ rất tuyệt vời nếu Việt Nam đạt được điều này.

Việt Nam đang ở vị trí tốt, dù sự cạnh tranh, đặc biệt trong Đông Nam Á rất cao. Không cần phải theo ai cả vì họ không phải là Việt Nam, mà hãy tìm ra thế mạnh của mình. Và sử dụng các mối quan hệ đối tác mà các bạn đã có. Như mối quan hệ Việt – Mỹ mà chúng ta đã nâng cấp. Hay những mối quan hệ với Australia, Ấn Độ, Nhật Bản. Hãy tận dụng những gì sẵn có cho việc phát triển nhân tài của các bạn, tận dụng những gì họ có thể giúp về giáo dục, và đặt ra những luật chơi phù hợp – rõ ràng, đề cao tài sản trí tuệ.

Tôi nghĩ khả năng các bạn đạt được mục tiêu là tương đối cao, nhưng sẽ phải thật thông minh và chiến lược trong việc sẽ sử dụng các nguồn lực như thế nào.

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/chuyen-gia-viet-nam-khong-nen-phat-trien-nhan-luc-nganh-ban-dan-nhu-trao-luu-a41071.html