Nhiều nhân sự làm nội dung tại Việt Nam 'mập mờ' dùng AI để viết bài, cấp trên biết được nhưng vẫn 'nhắm mắt làm ngơ'

Một số quản lý hay lãnh đạo công ty có thể nhận thức được sự tồn tại và sự ứng dụng của AI trong công việc của nhân viên mình, nhưng cách họ phản ứng lại rất khác nhau.

Trong thế giới kỹ thuật số hiện đại, sự phát triển vượt bậc của trí tuệ nhân tạo (AI) đã mở ra những cánh cửa mới cho ngành sản xuất nội dung. Mặc dù chưa có thống kê cụ thể, nhưng trên thực tế việc ngày càng nhiều nhân sự làm việc trong lĩnh vực sáng tạo/sản xuất content tại Việt Nam đã tìm đến AI như một giải pháp để tối ưu hóa công việc của mình. 

Trần Tuấn Duyệt, 23 tuổi, đang làm việc tại TP.HCM cho một nhãn hàng thời trang dành cho người trung niên, đã bắt đầu sử dụng ChatGPT để tạo ra các bài viết quảng cáo và nội dung cho trang fanpage và website của công ty. Công cụ AI này giúp  Duyệt nhanh chóng sản xuất nội dung đa dạng, từ bài viết về xu hướng thời trang mới nhất đến các lời khuyên về phong cách, mà không cần phải dành quá nhiều thời gian cho quá trình nghiên cứu và sáng tạo. Bản thân Duyệt cũng sử dụng ChatGPT để tạo ra các bài viết tối ưu từ khóa (SEO) trên website - một công việc trước đây anh từng giao cho các dịch vụ bên ngoài thực hiện. 

Nhiều nhân sự làm nội dung tại Việt Nam 'mập mờ' dùng AI để viết bài, cấp trên biết được nhưng vẫn 'nhắm mắt làm ngơ'- Ảnh 1.

Ngày càng nhiều nhân sự sử dụng AI để hỗ trợ công việc, nhưng một số lượng không nhỏ lại không muốn cho quản lý hay đồng nghiệp biết được việc này. (Ảnh minh họa)

Tương tự, Trần Hà Vy, 24 tuổi, một chuyên viên PR Marketing tại Hà Nội cho một thương hiệu điều hòa không khí, cũng tận dụng các công cụ AI để viết bài PR cho các chiến dịch truyền thông của công ty. Sự hỗ trợ của AI giúp Vy có thể tạo ra nội dung chất lượng, phù hợp với định hướng và tone of voice của thương hiệu mà không mất quá nhiều thời gian cho công đoạn chuẩn bị và viết lách. 

"Bản thân việc sản xuất bài viết PR thường không dễ dàng do yêu cầu cao về chất lượng nội dung. Tuy nhiên, tôi khá ngạc nhiên và hài lòng khi các công cụ như ChatGPT có thể thực hiện trơn tru các bài viết dựa trên dàn ý mà tôi cung cấp. Bản thân nội dung do ChatGPT cũng rất 'người', khó có thể nhận ra đây là các văn bản do AI tạo ra", Hà Vy chia sẻ. 

Đáng nói, mặc dù đều cảm thấy khá hài lòng về chất lượng đầu ra của AI, cả hai nhân sự đều chia sẻ một điểm chung: họ đều âm thầm sử dụng công cụ này mà không để quản lý hay đồng nghiệp trong công tý biết, một phần do lo ngại rằng việc dựa vào AI có thể bị hiểu nhầm là thiếu sự cố gắng và nỗ lực trong công việc. Đối với họ, AI là công cụ hỗ trợ đắc lực giúp tăng cường hiệu suất làm việc, nhưng đồng thời cũng là "bí mật nhỏ" mà họ muốn giữ kín để đảm bảo bản thân không bị đánh giá là lười biếng hay thiếu sáng tạo. 

Thực tế cho thấy, sự 'mập mờ' trong việc sử dụng AI trong công việc của các nhân sự trên là điều dễ hiểu, do đây vẫn được coi là một chủ đề gây tranh cãi. 

Một số quản lý hay lãnh đạo công ty có thể nhận thức được sự tồn tại và sự ứng dụng của AI trong công việc của nhân viên mình, nhưng cách họ phản ứng lại rất khác nhau, thể hiện qua hai luồng ý kiến chính.

Một bên, có quản lý vẫn giữ quan điểm truyền thống, cho rằng việc thuê nhân viên để sau đó họ lại phụ thuộc vào AI để hoàn thành công việc là không hợp lý. Họ tin rằng nếu AI có thể làm được công việc thì doanh nghiệp có thể giảm bớt nhân sự và trực tiếp sử dụng công nghệ, từ đó tiết kiệm chi phí. Quan điểm này dựa trên lý luận rằng, việc sử dụng AI không chỉ giảm bớt giá trị của sự sáng tạo và nỗ lực cá nhân mà còn khiến doanh nghiệp có cảm giác mình đang 'chi tiền nhầm chỗ'. 

Mặt khác, nhiều doanh nghiệp vẫn có cái nhìn linh hoạt và tích cực hơn. Họ không chỉ hiểu mà còn chấp nhận việc nhân viên sử dụng AI như một phần của quy trình làm việc, miễn là kết quả đầu ra đáp ứng được tiêu chuẩn và mục tiêu đề ra. Quan điểm này coi trọng hiệu quả công việc hơn là quy trình làm việc, và nhìn nhận AI như một công cụ hỗ trợ giá trị, giúp nhân viên tăng cường khả năng sáng tạo và năng suất.

"Tôi tin rằng AI là một công cụ mạnh mẽ giúp chúng tôi tạo ra nội dung chất lượng cao hơn và hiệu quả hơn. Việc nhân viên của chúng tôi sử dụng AI để tạo ra nội dung không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn giúp cải thiện độ chính xác và sự phong phú của nội dung. Mục tiêu của chúng tôi là đạt được kết quả tốt nhất, và nếu AI có thể hỗ trợ chúng tôi trong việc này, tôi hoàn toàn ủng hộ.", bà Lê Thị Minh Hà, giám đốc sáng tạo tại một agency trong lĩnh vực marketing tại Hà Nội, chia sẻ. 

AI không phải là 'thần đèn' trong lĩnh vực sáng tạo nội dung

Trong quá trình sử dụng AI để tạo nội dung, không ít người nhầm lẫn rằng chỉ cần một câu lệnh đơn giản là có thể sản xuất ra nội dung chất lượng cao. Tuy nhiên, theo chị Nguyễn Phương Mai, một người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực sáng tạo nội dung , thực tế không hề đơn giản như vậy. 

"AI không phải là 'thần đèn' có thể tự giải quyết mọi yêu cầu mà không cần sự can thiệp của con người. Trên thực tế, AI chỉ là công cụ hỗ trợ, giúp tăng hiệu quả công việc và mở rộng khả năng sáng tạo của chúng ta.", chuyên gia này cho biết. Cụ thể, việc tạo nội dung chất lượng cao cần nhiều hơn là chỉ một câu lệnh; nó đòi hỏi sự kết hợp giữa nhiều prompt khác nhau, cùng với công sức biên tập và chỉnh sửa kỹ lưỡng. 

Nhiều nhân sự làm nội dung tại Việt Nam 'mập mờ' dùng AI để viết bài, cấp trên biết được nhưng vẫn 'nhắm mắt làm ngơ'- Ảnh 2.

AI không phải là 'thần đèn' trong lĩnh vực sáng tạo nội dung.

Theo chuyên gia này, điều quan trọng là phải nhận thức được rằng, dù AI có thể hỗ trợ rất nhiều trong quá trình sản xuất nội dung, nhưng sự sáng tạo, cái nhìn sâu sắc và cảm xúc con người là không thể thay thế. Điều này đòi hỏi người làm nội dung phải không ngừng học hỏi và phát triển kỹ năng của bản thân để có thể sử dụng AI một cách hiệu quả nhất.

Đồng tình với ý kiến trên, anh Trần Văn Bảo, Marketing Manager của một công ty trong lĩnh vực F&B cũng khẳng định các doanh nghiệp cần có cái nhìn rõ ràng hơn về AI. 

"Sự xuất hiện và phát triển của AI trong mảng sản xuất nội dung mang lại cơ hội tuyệt vời để tối ưu hóa công việc và tăng cường khả năng sáng tạo. Tuy nhiên, điều quan trọng là doanh nghiệp và nhân sự làm content cần nhận thức rõ rằng AI không phải là giải pháp cho mọi vấn đề và không thể thay thế hoàn toàn con người."

Chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng doanh nghiệp và nhân viên nên "chấp nhận và thích nghi với sự hỗ trợ từ AI, nhưng không phụ thuộc hoàn toàn vào nó". Theo đó, việc này đòi hỏi một sự cân nhắc kỹ lưỡng giữa việc tận dụng công nghệ để tăng hiệu quả công việc và duy trì khả năng sáng tạo cũng như cảm xúc con người trong mỗi tác phẩm nội dung.


Link nội dung: https://congnghedoisong.net/nhieu-nhan-su-lam-noi-dung-tai-viet-nam-map-mo-dung-ai-de-viet-bai-cap-tren-biet-duoc-nhung-van-nham-mat-lam-ngo-a40929.html