Những ai cần đổi thẻ căn cước? Thu thập mống mắt, ADN như thế nào?

Luật Căn cước sẽ có hiệu lực thi hành từ 01/7/2024, Bộ Công an đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện Luật. Việc thu thập mống mắt, ADN sẽ được triển khai thực hiện như thế nào? Những ai sẽ cần đổi Thẻ Căn cước sau khi Luật có hiệu lực.. là những nội dung được giải đáp tại Họp báo Quý I/2024.

Những ai cần đổi thẻ căn cước? Thu thập mống mắt, ADN như thế nào?- Ảnh 1.

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an.

Cấp giấy chứng nhận Căn cước cho trẻ em, người không có quốc tịch cư trú lâu dài tại Việt Nam

Liên quan đến nội dung trên, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (VOC), Bộ Công an nhấn mạnh: Luật Căn cước đã được Quốc hội khóa 15, kỳ họp thứ 6 thông qua, hiện nay Bộ Công an đang tích cực xây dựng Nghị định và Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Căn cước, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.

Theo đó, một số nội dung mới theo Luật Căn cước sẽ được thông qua: (1) Việc cấp thẻ Căn cước cho Công dân dưới 6 tuổi và dưới 14 tuổi; (2) Việc thu thập dữ liệu về mống mắt và AND để cập nhật vào trong cơ sở dữ liệu về căn cước.

Hai nội dung trên, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an đã phối hợp rất tốt với các cơ quan khác để triển khai khi Luật có hiệu lực.

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên cũng cho biết thêm: Đối với những người đến thời điểm đổi thẻ Căn cước công dân sang thẻ Căn cước thì chúng tôi sẽ cấp thẻ Căn cước theo hiệu lực của Luật Căn cước.

Diện đối tượng được cấp thẻ Căn cước là trẻ em dưới 6 tuổi và trẻ em từ 6 đến 14 tuổi; người gốc Việt Nam nhưng không có quốc tịch Việt Nam nhưng cư trú lâu dài, ổn định tại Việt Nam thì sẽ cấp Giấy chứng nhận Căn cước.

Những ai cần đổi thẻ căn cước? Thu thập mống mắt, ADN như thế nào?- Ảnh 2.

Thiếu tướng Phùng Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an

Hoàn thiện cơ sở pháp lý về thẻ Căn cước

Thông tin thêm về vấn đề này, Thiếu tướng Phùng Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an cho biết: Để triển khai Luật Căn cước có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện cơ sở pháp lý, trong đó có liên quan đến xây dựng Nghị định và Thông tư, mẫu thẻ Căn cước.

Về thông tin người dân đến làm cấp mới, cấp đổi thẻ Căn cước theo quy định của luật mới thì cơ quan chức năng sẽ thu thông tin về sinh trắc học liên quan đến ảnh, khuôn mặt, vân tay và mống mắt.

Đối với AND và giọng nói thì cơ quan chức năng sẽ thu nhận qua các dữ liệu của cơ quan quản lý.

Ví dụ như: Cơ quan tố tụng tiến hành các biện pháp tố tụng, liên quan đến giám định AND, giọng nói…; Cơ quan xử lý hành chính đối với các đối tượng có liên quan thì sẽ thu nhận qua quá trình đến làm việc.

Hoặc nếu người dân có nhu cầu đồng ý lấy kết quả thông tin về sinh trắc học thì chúng tôi mới tiến hành giám định AND đưa vào thông tin của công dân.

Đối với người dân đang sử dụng thẻ Căn cước công dân thì vẫn tiếp tục sử dụng cho đến khi hết hạn sẽ đổi sang mẫu mới.

Ai có nhu cầu muốn đổi sang thẻ Căn cước mới thì cơ quan chức năng sẽ tiến hành đổi theo nhu cầu của người dân./.

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/nhung-ai-can-doi-the-can-cuoc-thu-thap-mong-mat-adn-nhu-the-nao-a40854.html