Tắt sóng 2G: Đúng lộ trình và phù hợp với lợi ích của người sử dụng

Hôm nay (1/3), các máy điện thoại di động chỉ hỗ trợ công nghệ 2G không thuộc danh sách máy điện thoại 2G được chứng nhận hợp quy sẽ không được phép hoà mạng mới.

Danh sách này đã được công bố trên website của Trung tâm đo lường chất lượng viễn thông, Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông theo địa chỉ: https://tqc.gov.vn/2g-only Trước thông tin về việc sẽ ngắt sóng 2G theo lộ trình, nhiều người sử dụng điện thoại công nghệ 2G nếu không sử dụng được nữa, cần làm gì và lộ trình tắt sóng 2G cụ thể như thế nào?

Hôm nay (1/3), các máy điện thoại di động chỉ hỗ trợ công nghệ 2G không thuộc danh sách máy điện thoại 2G được chứng nhận hợp quy sẽ không được phép hoà mạng mới.

Lợi ích của việc tắt sóng 2G chính là giúp người sử dụng dễ dàng tiếp cận với các thiết bị thông minh, đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số. Đặc biệt khi các thiết bị 2G được yêu cầu kết nối mạng theo danh sách chứng nhận hợp quy vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, còn góp phần hạn chế các thiết bị phát tán tin nhắn rác truyền thống (SMS).

Lộ trình tắt sóng 2G đã được lên kế hoạch chi tiết: Đến tháng 9 năm nay, khi Giấy phép sử dụng băng tần 900 Mhz hết hạn, các mạng di động sẽ phấn đấu không còn thuê bao chỉ có 2G. Từ tháng 9 năm 2024 đến tháng 9 năm 2026, vẫn duy trì hệ thống mạng 2G, nhưng không phát triển thuê bao mới. Thời gian duy trì mạng 2G sẽ giúp người sử dụng có thể chuyển dần sang các thiết bị di động thông minh, giá rẻ.

Ông Đoàn Quang Hoan - Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam - cho biết: "Khuyến khích mọi người sử dụng smartphone, nhất là khi ở Việt Nam bây giờ đã có smartphone dưới 300.000 đồng. Thế nhưng để  bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì nhà mạng vẫn duy trì 2G. Tôi thấy như vậy cũng hợp lý, không bắt buộc hoàn toàn, nhưng thúc đẩy tắt sóng 2G để phát triển dịch vụ mới, công nghệ mới".

Việc sử dụng điện thoại 2G chỉ để nghe gọi và nhắn tin sẽ khiến người sử dụng không thể dùng các tiện ích thông minh, các dịch vụ công trực tuyến. Vì vậy, lộ trình tắt sóng 2G sẽ còn nhiều thời gian để người sử dụng có thể chuyển sang thiết bị thông minh, đồng thời các cơ quan chức năng cũng như các nhà mạng đã chuẩn bị các phương án hỗ trợ chuyển đổi tối ưu.

Trong thời gian này, nếu người sử dụng điện thoại 2G không thể nghe, gọi hoặc nhắn tin, có thể trực tiếp đến các trung tâm dịch vụ của đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông, để được hỗ trợ kịp thời; hoặc sử dụng điện thoại của người thân, để liên hệ với các số điện thoại hotline của mạng viễn thông mà họ đang sử dụng.

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/tat-song-2g-dung-lo-trinh-va-phu-hop-voi-loi-ich-cua-nguoi-su-dung-a40459.html