Cuối tuần qua, Apple đã công bố loạt thay đổi với kho ứng dụng App Store và nhiều dịch vụ, nhằm tuân thủ Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) của Liên minh châu Âu (EU).
Lần đầu tiên người dùng iPhone và iPad có thể cài kho ứng dụng bên thứ 3 để tải app và game. Nhà phát triển có thể từ chối phát hành ứng dụng trên App Store để tránh bị tính phí 30% (hoặc tối đa 20% theo chính sách mới).
Người dùng iOS tại EU còn có thể chọn trình duyệt mặc định ngay trong lần đầu sử dụng Safari, cũng như thay đổi dịch vụ thanh toán bằng chip NFC từ Apple Pay sang hệ thống khác.
Được xem là một trong những thay đổi lớn nhất trên App Store từ trước đến nay, tuy nhiên chính sách mới của Apple đang bị nhiều nhà phát triển phản đối.
Apple tỏ rõ không hài lòng
Theo chính sách mới của Apple, mọi ứng dụng phải trải qua quy trình đánh giá bảo mật trước khi cài lên máy, bất kể chúng được tải từ App Store hoặc kho ứng dụng khác.
Dù vậy, kể cả khi không phát hành ứng dụng trên App Store hoặc sử dụng hệ thống thanh toán khác, nhà phát triển vẫn phải trả "phí công nghệ lõi", tương đương 0,5 euro/tài khoản/năm, áp dụng khi app vượt qua 1 triệu lượt tải.
Màn hình cài đặt kho ứng dụng thay thế trên iPhone. Ảnh: 9to5Mac. |
Theo Apple, phí công nghệ lõi chỉ áp dụng cho các nhà phát triển chọn tham gia chính sách mới. Táo khuyết ước tính 99% sẽ chọn giảm hoặc duy trì khoản tiền nộp cho công ty.
Nếu muốn phát hành kho ứng dụng, nhà phát triển phải cung cấp bằng chứng đủ khả năng hỗ trợ lập trình viên và khách hàng, bao gồm thư tín dụng dự phòng trị giá 1 triệu euro. Họ cũng phải chịu phí công nghệ lõi ngay từ đầu.
Từ khi ra đời vào năm 2008, App Store được kiểm soát chặt chẽ về kiểm duyệt nội dung và hệ thống thanh toán. Trong thông cáo chính thức, Apple tỏ rõ quan điểm không hài lòng về quy định mới.
"Những thay đổi được chúng tôi công bố hôm nay nhằm tuân thủ các yêu cầu của Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số tại Liên minh châu Âu, trong khi vẫn giúp bảo vệ người dùng EU khỏi các mối đe dọa về quyền riêng tư, bảo mật vốn không thể tránh từ quy định này", lãnh đạo App Store Phil Schiller cho biết.
EU sẵn sàng mạnh tay
Được EU thông qua từ năm 2022, DMA nhằm quản lý những "người gác cổng" (gatekeeper), bao gồm các nền tảng lớn, kết nối người dùng với doanh nghiệp như Meta, Alphabet, Apple, Amazon và ByteDance. Các công ty này sở hữu lượng người dùng lớn, tài chính dồi dào và nhiều quyền lực.
Theo Engadget, DMA chứa điều khoản yêu cầu chủ sở hữu nền tảng (như Apple và Google) mở rộng hệ thống cho các dịch vụ cạnh tranh, chẳng hạn như kho ứng dụng và dịch vụ thanh toán của bên thứ ba.
Apple Pay không còn là dịch vụ thanh toán độc quyền sử dụng chip NFC trên iPhone tại EU. Ảnh: Bloomberg. |
Thierry Breton, Ủy viên về Thị trường nội bộ châu Âu, cho biết sẽ đánh giá giải pháp của các công ty từ ngày 7/3, thời điểm DMA chính thức có hiệu lực.
"DMA sẽ mở cánh cổng cạnh tranh trên Internet, mang đến thị trường kỹ thuật số cân bằng và cởi mở. Những thay đổi đang diễn ra. Kể từ ngày 7/3, chúng tôi sẽ đánh giá đề xuất của các công ty.
Nếu đề xuất đưa ra chưa đủ tốt, chúng tôi sẵn sàng đưa ra hành động mạnh mẽ", Breton nhấn mạnh.
Dù Apple không công bố cụ thể, App Store được xem là thành phần quan trọng của mảng kinh doanh dịch vụ tại công ty, đạt tổng doanh thu 22 tỷ USD trong quý gần nhất.
Ngân hàng J.P. Morgan cho rằng chính sách mới sẽ không ảnh hưởng lớn đến Apple, bởi phí công nghệ lõi 0,5 euro có thể bù đắp khoản "thuế" 30%, và châu Âu chỉ chiếm khoảng 6% tổng doanh thu hàng năm của App Store.
Nhà phát triển bức xúc
Dù chưa được EU đánh giá, các nhà phát triển đã công khai phản đối chính sách mới của Apple. Họ cho rằng chúng chỉ để đối phó, mang đến rất ít quyền lợi.
Andy Yen, CEO công ty phần mềm tập trung vào quyền riêng tư Proton, nhấn mạnh những chính sách mới của Apple "thiếu thiện chí", khẳng định Táo khuyết "chiến đấu quyết liệt để duy trì lợi nhuận và độc quyền".
"Những động thái này ảnh hưởng đến quyền cơ bản của người dùng khi Apple vẫn có thể kiểm duyệt ứng dụng tải bên ngoài App Store... Ủy ban châu Âu không thể tiếp tay cho các quy tắc trắng trợn này", Yen nhấn mạnh.
Paulo Trezentos, CEO kho ứng dụng thay thế Aptoide, đánh giá cao những "thay đổi triệt để" của Apple, nhưng vẫn còn trở ngại liên quan đến chi phí.
"Đây chắc chắn là động thái tốt, nhưng phí vẫn quá cao. Chúng tôi đang gửi phản hồi lên Ủy ban châu Âu", Trezentos nói.
Công cụ tính phí hàng tháng của Apple cho nhà phát triển phát hành ứng dụng tại EU. Ảnh: MSPowerUser. |
Tim Sweeney, CEO Epic Games, công ty đứng sau trò chơi Fortnite từng khởi kiện Apple, cũng bức xúc với chính sách mới. Ông cho rằng chúng là "ví dụ về sự tuân thủ ác ý".
"Họ đang buộc các nhà phát triển lựa chọn giữa tính độc quyền và điều khoản của App Store, những thứ rõ ràng phạm pháp theo đạo luật DMA, hoặc chấp nhận kế hoạch phi cạnh tranh (và cũng bất hợp pháp) với những loại phí rác rưởi khi tải app, và thuế Apple cho các giao dịch họ không xử lý", Sweeney viết trên mạng xã hội X.
Rick Vanmeter, Giám đốc Liên minh vì Công bằng Ứng dụng, tổ chức vận động hành lang tài trợ bởi Epic Games, Spotify và Match Group, cho rằng Apple "không có ý định tuân thủ DMA".
"Đây là động thái xúc phạm trắng trợn đến Ủy ban châu Âu và hàng triệu người dùng châu Âu mà họ đại diện", Vanmeter nhấn mạnh. Ông cũng kêu gọi quan chức bác bỏ những quy định này.
Bất chấp phản đối của cá nhân Sweeney và tổ chức vận động hành lang, Epic Games cho biết Fortnite - tựa game bị rút khỏi App Store do vi phạm chính sách của Apple - sẽ trở lại iOS thông qua kho Epic Games Store trong năm nay.
Dù vậy, công ty này khẳng định sẽ tiếp tục "tranh luận với tòa án và cơ quan quản lý rằng Apple đang phạm pháp".
Màn hình Fortnite trên App Store trước khi bị gỡ. Ảnh: Bloombeg. |
Với hàng triệu người dùng miễn phí, các công ty như Meta hay Spotify có thể ảnh hưởng nhiều hơn những nhà phát triển khác.
Trong thông báo ngày 26/1, Spotify tuyên bố chính sách mới của Apple "hoàn toàn là trò hề" khi kèm theo hàng loạt quy định để phát hành kho ứng dụng trên iOS.
Về phía EU, phát ngôn viên Ủy ban châu Âu nói rằng đã tiếp nhận thông tin về chính sách mới của Apple và từ chối bình luận thêm.
"Chúng tôi khuyến khích những người gác cổng thử nghiệm quy tắc của họ với bên thứ ba... Các nhận xét này không ảnh hưởng đến đánh giá của Ủy ban châu Âu về bộ giải pháp", đại diện cơ quan nói thêm.
Những câu chuyện bên trong Apple
Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/apple-da-lam-gi-truoc-ap-luc-thay-doi-lich-su-a40028.html