Giả danh để lừa đảo là chiêu thức không mới nhưng ngày càng được nâng cấp với nhiều thủ đoạn tinh vi thậm chí là tạo nên những kịch bản hoàn hảo.
Cuộc gọi xưng danh là nhân viên các tổ chức, đoàn thể
Một trong số những cách phổ biến nhất mà tội phạm lừa đảo sử dụng để dễ tiếp cận nạn nhân, thậm chí là còn khiến nạn nhân tự tìm đến mình đó là tự xưng danh của nhân viên các tổ chức, đoàn thể.
Cụ thể, nhiều kẻ lừa đảo sẽ tự xưng là nhân viên ngân hàng, nhân viên thu thuế, nhân viên bưu điện, thậm chí là giả danh cả công an để gọi điện thoại cho "con mồi" và khai thác các thông tin liên quan đến thông tin các nhân.
Thông qua những cuộc gọi, chúng sẽ đưa ra những câu hỏi liên quan đến thông tin cá nhân, bằng nhiều lý do khác nhau yêu cầu nạn nhân cung cấp các dữ liệu như mật khẩu, số tài khoản ngân hàng, mã OTP hoặc yêu cầu chuyển tiền. Đã có rất nhiều trường hợp bị lừa và đã được các phương tiện truyền thông phản ánh, tuy nhiên vẫn có không ít người nhẹ dạ cả tin mắc phải bẫy lừa.
Người dân cần lưu ý, lực lượng công an cũng như các lực lượng tư pháp, khi mời người dân làm việc chỉ bằng giấy mời, có trụ sở làm việc cụ thể, không bao giờ nhắn tin, điện thoại để mời. Khi nhận cuộc gọi của những đối tượng này, người dân nên hết sức bình tĩnh, không nghe, không chấp hành, đồng thời báo cho cơ quan chức năng gần nhất để xử lý.
Cuộc gọi báo người thân đang gặp nạn
Thời điểm năm 2023, rất nhiều người nhận được các cuộc gọi thông báo người thân đang gặp nạn vừa được đưa đến bệnh viện, cần chuyển một số tiền lớn để được cấp cứu, phẫu thuật. Khi đó, tâm lý lo lắng, sợ hãi sẽ khiến con người ta mất kiểm soát, dễ dàng làm theo những điều bên kia yêu cầu.
Trong trường hợp này, bạn không được thực hiện ngay theo yêu cầu của đầu dây bên kia mà cần phải bình tĩnh để xác nhận lại thông tin. Có thể liên hệ trực tiếp với người thân hoặc gọi đến đường dây nóng của các bệnh viện để nắm bắt tình hình.
Cuộc điện thoại đe dọa, tống tiền
Tinh vi không kém là cuộc gọi đe doạ, tống tiền. Đầu dây bên kia nói đúng họ và tên, ngày tháng năm sinh, số căn cước công dân, địa chỉ nhà ở của bạn. Tiếp theo đó là "Yêu cầu anh/chị hợp tác" để điều tra hoặc đóng phạt.
Khi nhận được những cuộc gọi kiểu này, bạn phải hết sức bình tĩnh và không được nhượng bộ, không hoảng sợ và không tin vào những lời nói đó. Trong tình huống này, bạn có thể trực tiếp liên hệ người thân, bạn bè hoặc công an, luật sư để được tư vấn, giúp đỡ.
Khi gặp các tình huống trên, bạn nên bình tĩnh và tránh cung cấp các thông tin cá nhân qua điện thoại. Ngoài ra, cũng nên chia sẻ thông tin này với người thân trong gia đình, đặc biệt là những người lớn tuổi để họ có sự đề phòng, cảnh giác.
Rủ rê đầu tư chứng khoán
Những cuộc gọi này thường có nội dung tương tự, mời rủ người dân tham gia vào các nhóm, đội mua bán cổ phiếu trên các ứng dụng như Zalo, Telegram. Tuy nhiên, nhiều công ty chứng khoán đã phát cảnh báo nhiều lần về hành vi mạo danh thương hiệu và khuyến cáo nhà đầu tư nên cảnh báo.
Theo đó, nhà đầu tư không nên chuyển tiền tới các tài khoản tự xưng là nhân viên của công ty chứng khoán; không ký hợp đồng hay chuyển tiền trước khi xác nhận thông tin; không cung cấp mã OTP, số tài khoản để tránh mất tiền một cách không công bằng.
Ngoài ra, cuộc gọi lừa đảo còn có nội dung sau:
- Cũng là cuộc gọi lạ nhưng là để nâng cấp sim. Nếu bạn nhận được tin nhắn thông báo sim điện thoại của mình sẽ bị khóa sau 2h nữa nếu không nâng cấp lên sim 4G hoặc 5G. Sau đó, một đối tượng gọi điện, tự xưng là nhân viên nhà mạng, đọc chính xác nhiều thông tin cá nhân của bạn, rồi yêu cầu bạn nhắn tin theo hướng dẫn để nâng cấp sim điện thoại. Tuyệt đối không nghe theo.
- Cũng là những cuộc gọi lạ, nhưng với những lời mời chào hấp dẫn về hoa hồng lên đến hàng chục phần trăm nếu ứng tiền ra trước. Có những người sau khi hưởng số tiền nhỏ tin tưởng và ứng số tiền lớn đó là khi kẻ lừa đảo sẽ lộ mặt.