Năm 2023, thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam dự kiến đạt 20,5 tỷ USD

Năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử (TMĐT) bán lẻ Việt Nam dự kiến đạt 20,5 tỷ USD, tăng 4 tỷ USD (khoảng 25%) so với năm 2022.

Theo Bộ Công Thương, trong năm 2023, Bộ đã tổ chức nhiều hoạt động về liên kết vùng phát triển thương mại điện tử, triển lãm các công nghệ, giải pháp chuyển đổi số, sản xuất thông minh, ứng dụng TMĐT, kích cầu tiêu dùng trong nước, thu hút người dân tham gia vào các hoạt động trải nghiệm TMĐT và công nghệ số, qua đó thúc đẩy phát triển TMĐT cấp vùng, giúp tăng cường nhận thức của người dân với TMĐT và thúc đẩy đầu tư, phát triển hạ tầng, giải pháp công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam.

Cũng theo Bộ Công Thương, TMĐT đã khẳng định là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Năm 2023, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ Việt Nam dự kiến đạt 20,5 tỷ USD, tăng 4 tỷ USD (khoảng 25%) so với năm 2022. Với kết quả đó, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Năm 2023, thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam dự kiến đạt 20,5 tỷ USD - Ảnh 1.

Theo báo cáo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, năm 2023, Cục đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, Thương mại điện tử (TMĐT) tăng trưởng 25%, thuộc top đầu thế giới. Với phương châm lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm phục vụ để đẩy mạnh các hoạt động về cải cách hành chính, những nỗ lực đó đã giúp cho Bộ Công Thương đạt thứ hạng cao trong việc phục vụ người dân, doanh nghiệp về thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.

Đồng thời, Cục đã triển khai nhiều hoạt động nhằm phát triển Thương mại điện tử như: xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; quản lý thực thi thương mại điện tử; tổ chức sự kiện quảng bá, thúc đẩy TMĐT phát triển; đào tạo tập huấn; hợp tác quốc tế về TMĐT.

Bên cạnh đó, Cục cũng đã triển khai hàng loạt các hoạt động hiệu quả trong việc thực hiện Chính phủ số như: xây dựng văn bản quy phạm pháp luật với việc tham mưu ban hành 22 văn bản trong năm 2023 về cải cách hành chính, Chính phủ số; định hướng Chính phủ số trong việc xây dựng bộ Chỉ số đánh giá chuyển đổi số của Bộ Công Thương; các hoạt động cải cách hành chính như số hóa thủ tục hành chính, vận hành cổng dịch vụ công, kết nối cổng dịch vụ công – cơ chế một cửa quốc gia, kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia. Đối với các hoạt động của Bộ Công Thương, Cục cũng góp phần không nhỏ trong việc vận hành tốt hệ thống điều hành nội bộ của Bộ Công thương; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng.

Thời gian tới, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tập trung phát triển TMĐT theo các mục tiêu bao gồm: bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tăng cường liên kết vùng; phát triển xanh và bền vững; thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương và vùng miền thông qua các nền tảng số. Đồng thời, Cục sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực của Bộ; xây dựng Chính phủ số theo đúng phương châm 4 không – 4 có; đổi mới căn bản phương thức quản lý, điều hành, phục vụ người dân, doanh nghiệp; xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu kết nối liên thông một cách hiệu quả.

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/nam-2023-thi-truong-thuong-mai-dien-tu-ban-le-viet-nam-du-kien-dat-205-ty-usd-a39790.html