Việt Nam đang chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư trong ngành bán dẫn. Ảnh: Solvay. |
Đây là lời khẳng định của ông John Neuffer - Chủ tịch SIA - trong tọa đàm “Sự sẵn sàng cơ sở hạ tầng cho ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam”. Chương trình do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia phối hợp Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA) tổ chức hôm 7/12.
Đặt vấn đề, ông Neuffer cho biết ngành bán dẫn đang đối mặt với bài toán thiếu hụt lao động toàn cầu. Với lợi thế nguồn nhân lực trẻ, trình độ cao, Việt Nam đã trở thành điểm đến của nhiều ông lớn trong ngành.
Đơn cử như Intel đã có mặt tại Việt Nam từ năm 2006 với tổng vốn đổ vào hơn 1,5 tỷ USD. Hãng đang lên kế hoạch đầu tư giai đoạn 2 để mở rộng hoạt động lắp ráp, kiểm định (ATM).
Trên thực tế, Intel Products Vietnam đã trở thành cơ sở ATM lớn nhất của Intel, tạo ra hơn 7.000 việc làm. Ngoài ra, Marvell, Synopsys, Qualcomm, Ampere, Infineon... cũng có kế hoạch mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới.
John Neuffer - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ - đồng chủ trì tổ chức Tọa đàm. Ảnh: NIC. |
“Những khoản đầu tư này là minh chứng cho vai trò then chốt và ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu”, ông Neuffer khẳng định.
Trong buổi tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Việt Nam đang xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn đến năm 2030. “Mục tiêu là đào tạo 50.000 nhân lực cho ngành, đáp ứng kịp thời nhu cầu cho các doanh nghiệp bán dẫn tại nước ta”, Bộ trưởng khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Phúc - Thứ trưởng Bộ Giáo dục đào tạo - cho biết thêm Việt Nam hiện có khoảng 40 trường đại học đào tạo các lĩnh vực liên quan đến bán dẫn. Con số này sẽ tăng thêm nếu nhu cầu ngành chip lớn hơn. Do đó, nước ta hoàn toàn có thể đáp ứng nguồn nhân lực từ đào tạo thêm đến đào tạo mới hoàn toàn.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã hoàn thiện cơ chế một cửa, ban hành các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, lao động... cho các hãng thuộc ngành công nghiệp chip. Hệ thống hạ tầng điện, nước, giao thông trong nước dần đồng bộ và hiện đại, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.
Ngoài ra, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cũng vừa được thành lập tại Hoà Lạc nhằm sẵn sàng chào đón những tên tuổi lớn trong ngành bán dẫn với các chế độ ưu đãi nhất.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đã tích cực chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp Mỹ trong chuỗi cung ứng ngành bán dẫn. Ảnh: NIC. |
Tại sự kiện, các doanh nghiệp bán dẫn Mỹ đánh giá cao sự sẵn sàng của Việt Nam và bày tỏ mong muốn đầu tư thêm vào nước ta. “Kế hoạch đào tạo thêm 50.000-100.000 kỹ sư bán dẫn là một bước đi thông minh vì lực lượng lao động rất quan trọng đối với ngành công nghệ này”, Chủ tịch John Neuffer nhận định.
Ông khuyến khích Việt Nam có thêm nhiều ưu đãi cạnh tranh để thu hút đầu tư R&D, đồng thời nâng cao cơ sở hạ tầng và xây dựng chính sách thương mại phù hợp. “Chúng tôi nhận thấy những cơ hội đáng kinh ngạc để Việt Nam phát triển dấu ấn của mình trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu”, Chủ tịch SIA chia sẻ.
Đúng như tên gọi, tọa đàm tập trung trao đổi về sự sẵn sàng hạ tầng cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Đây là dịp để các doanh nghiệp thành viên SIA trao đổi với các địa phương và công ty trong nước về điều kiện hạ tầng đáp ứng yêu cầu ngành công nghiệp bán dẫn.
Được thành lập năm 1997, SIA là hiệp hội đại diện cho ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ. Đến nay, SIA quy tụ mạng lưới các doanh nghiệp thành viên chiếm tới 99% doanh thu ngành chip tại quốc gia này, trong đó 2/3 là các hãng bán dẫn nước ngoài.
Giải mã bí ẩn Thung lũng Silicon
Cuốn sách giúp chúng ta hiểu rõ hơn về Thung lũng Silicon qua cái nhìn của người trong cuộc, đồng thời đưa ra những lời khuyên để giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp đi đúng hướng.
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/mot-loat-doanh-nghiep-my-do-tien-vao-nganh-ban-dan-tai-viet-nam-a39505.html