Người dùng kỳ vọng các thiết bị ra đời sau này sẽ có giá bán tốt hơn vì công nghệ màn hình gập dần phổ biến và không quá hiếm có như trước. Ảnh: Bloomberg. |
Là người tiên phong trong cuộc đua smartphone gập, Samsung luôn nỗ lực để phổ biến dòng điện thoại cao cấp này đến người dùng. Hàng năm, hãng đều đặn tung ra một phiên bản nâng cấp cho hai dòng Fold và Flip.
Hai năm trở lại đây, cuộc đua sản xuất điện thoại gập dần căng thẳng hơn khi hàng loạt đối thủ mới xuất hiện như Pixel Fold, vivo X Fold, Huawei Mate X… Counterpoint Research đánh giá điện thoại gập là một trong những dòng smartphone tăng trưởng nhanh nhất trong năm nay.
Song, tỏ ra hào hứng là vậy nhưng ít người muốn mở hầu bao mua thiết bị này. Mặc dù có nhiều bước tiến về cả công nghệ lẫn doanh số, dòng sản phẩm này vẫn đang bị kìm chân bởi giá bán quá đắt đỏ, Inverse nhận định.
Cuộc đua sản xuất điện thoại gập bắt đầu tăng tốc
Theo Counterpoint Research, thị trường màn hình gập toàn cầu quý II/2023 đã tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, trong khi các lô hàng smartphone thông thường giảm 9%. "Chúng tôi tin rằng kỷ nguyên của điện thoại gập sẽ đến vào năm 2024. Trong đó, hai kẻ dẫn đầu là Samsung và Huawei với dòng smartphone gập giá rẻ", nhà phân tích Jene Park của Counterpoint Research cho biết.
Doanh số smartphone gập đã có những bước tiến đáng kể. Ảnh: Bloomberg. |
Trên thực tế, viễn cảnh điện thoại gập giá rẻ hơn đã trở thành hiện thực. Motorola Razr được bán với giá khởi điểm từ 699 USD hay Tecno Phantom V Flip bán cùng giá và màn hình lớn, bo tròn nhiều hơn. Các sản phẩm sẽ còn nhiều hơn nữa vào năm tới, Inverse nhận định.
Hiện tại, đa số điện thoại màn hình gập hiện nay thiết kế theo 2 kiểu. Hoặc là gập mở từ hình dáng điện thoại, thành kích cỡ máy tính bảng như Z Fold. Hoặc là lớn hơn một chút so với điện thoại bình thường rồi gập lại, tạo thành máy nhỏ như Z Flip.
Bên cạnh đó, không phải hãng nào cũng làm theo kiểu thiết kế của Z Fold, Z Flip. Google đã ra mắt chiếc Pixel Fold màn hình 7,6 inch có thiết kế vuông vức lớn hơn hẳn. Điều này sẽ giúp người dùng đọc nội dung hoặc xem video thoải mái hơn.
Ngoài ra, chiếc OnePlus Open cũng gây ấn tượng nhờ khác biệt hoàn toàn với Pixel Fold và Galaxy Z Fold5 do màn hình 6,8 inch. Thiết bị này rộng và ngắn hơn thiết kế Samsung nhưng không quá nhỏ như Pixel Fold. Theo Inverse, đánh giá sản phẩm nào tốt hơn phụ thuộc vào sở thích của mỗi người. Nhưng quan trọng là người dùng giờ đây đã có đa dạng lựa chọn hơn trước.
Giá thành là điều cản trở smartphone gập đến tay người dùng
Vấn đề là dù điện thoại màn hình gập đạt doanh số 70 triệu chiếc, tức chiếm 5% thị trường smartphone toàn cầu vào năm 2027 như Trendforce dự đoán, đó vẫn là một con số quá nhỏ. Điển hình như Apple, chỉ riêng hãng này đã xuất xưởng 232,2 triệu iPhone trong cả năm 2022. Còn Samsung sản xuất hơn 301 triệu smartphone trong cùng kỳ.
Giá thành quá cao là vấn đề chung của mọi smartphone gập. Ảnh: Bloomberg. |
TM Roh, Chủ tịch kiêm Giám đốc mảng Trải nghiệm Di động của Samsung từng chia sẻ ý tưởng smartphone nắp gập cho Z Flip đã được lên kế hoạch vào năm 2020, tức chỉ 5 tháng sau Galaxy Fold ra mắt. Mặc dù sinh sau đẻ muộn, thiết kế của Z Flip vẫn phổ biến hơn hẳn so với máy tính bảng gập Z Fold. Nguyên nhân có thể là do mức giá của Galaxy Z Flip rẻ hơn (999 USD) so với giá khởi điểm 1.799 USD của Z Fold.
Google cũng mở bán Pixel Fold với giá 1.799 USD tương tự Galaxy Z Fold5. Còn Motorola Razr+ được ra mắt với giá 999 USD giống Galaxy Z Flip 5. Ngay cả OnePlus, hãng tạo danh tiếng nhờ tính năng như flagship nhưng mức giá rẻ hơn, cũng bán OnePlus Open với mức giá khởi điểm là 1.699 USD, chỉ rẻ hơn 100 USD so với Pixel Fold hay Galaxy Z Fold. Giá bán đắt có thể là do khâu chế tạo smartphone màn hình gập phức tạp hơn nhiều. Song, mức giá này vẫn nằm ngoài tầm với của đa số người tiêu dùng.
Theo Inverse, điện thoại gập chỉ mới đi từ một thị trường ngách siêu nhỏ đến một thị trường ngách nhỏ. Mặc dù có thể không phải là tương lai của smartphone, điện thoại gập chắc chắn vẫn sẽ được sử dụng bởi một nhóm người dùng nhất định. Inverse kỳ vọng các thiết bị ra đời sau này sẽ có giá bán tốt hơn vì công nghệ màn hình gập dần phổ biến và không quá hiếm có như trước.
Lee Kun Hee - Những lựa chọn chiến lược và kỳ tích Samsung
Cuốn sách cho thấy những chọn lựa chiến lược nhạy bén và đúng đắn của ông Lee Kun Hee, từng bước đưa Samsung đến vị trí hôm nay. Bên cạnh đó, sách đề cập tinh thần và ý chí lao động, thái độ làm việc quyết liệt, phong cách quản lý độc đáo của Lee Kun Hee.
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/dieu-smartphone-gap-con-thieu-a39499.html