CEO VNG: “IPO trên thị trường quốc tế là việc tôi rất sợ, nhưng vẫn phải làm”

Ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần VNG mới đây đã có buổi chia sẻ về chặng đường 19 năm phát triển của VNG tại Diễn đàn “Đổi mới sáng tạo vượt qua thách thức chiến lược cho một Việt Nam chuyển đổi” được tổ chức tại Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (Hòa Lạc).

3 bài học giúp VNG “sinh tồn” trong suốt 19 năm

Chia sẻ về câu chuyện thành công của VNG tại Diễn đàn Quỹ Đầu tư Đổi mới Sáng tạo Việt Nam (Vietnam Venture Summit 2023), ông Lê Hồng Minh, CEO VNG cho biết, mỗi năm, cứ vào bữa tiệc sinh nhật công ty, các lãnh đạo của VNG luôn luôn nói với nhau một câu rằng: “Ơn chúa, chúng ta lại sống sót thêm 1 năm nữa”.

“Đối với VNG, thành công là khi chúng tôi có khả năng sống sót và đứng vững trong bối trong bối cảnh thị trường công nghệ luôn luôn có sự biến động”, ông Minh cho hay.

Theo đó, vị lãnh đạo VNG đã chia sẻ 3 bài học đã giúp VNG có thể “sinh tồn” và đứng vững trên thị trường trong suốt 19 năm. Bài học đầu tiên đó là tìm kiếm và nắm bắt cơ hội tham gia vào các làn sóng công nghệ từ thuở manh nha.

Ông Minh kể lại, vào khoảng những năm 2003-2004, khi ông mới chỉ là chủ một quán cà phê Internet, ông nhận thấy rằng tất cả các khách hàng trong quán đều chơi cùng một tựa game - MU Online.

“Lúc đó, tôi đã nghĩ, nếu mọi người trong cùng một quán cà phê Internet cùng chơi một trò chơi, thì có thể tất cả mọi người ở Việt Nam cũng sẽ chơi trò này”, ông Minh cho biết.

Chính vì suy nghĩ đó mà VNG được thành lập. Ông Minh đánh giá, thời điểm đó, công ty gặp rất nhiều may mắn vì đã nắm bắt được đúng thời điểm Internet trên PC (máy tính cá nhân - PV) bùng nổ.

“Thành thực mà nói, trong 5 - 7 năm sau đó, cho dù chúng tôi làm bất cứ game gì, cho dù game đó tệ đến đâu, chúng tôi vẫn có rất nhiều người dùng”.

Đây cũng là bài học mà vị lãnh đạo VNG đã đúc kết được, đó là việc theo kịp làn sóng công nghệ vào thời điểm mới bắt đầu là vô cùng quan trọng.

Sau làn sóng về Internet, VNG tiếp tục gặp may khi tham gia vào làn sóng điện thoại di động. Cụ thể, thời điểm Apple ra mắt iPhone năm 2008, giá điện thoại vẫn khá cao và khó tiếp cận với người Việt. Cuối năm 2011, lãnh đạo VNG đã có một cuộc gặp với Samsung. Họ giới thiệu dòng điện thoại thông minh Android giá rẻ cho thị trường Việt Nam và đề nghị VNG phát triển một vài ứng dụng như âm nhạc hay tin tức.

“Đầu năm 2012, VNG đã dồn toàn lực để phát triển các ứng dụng cho smartphone như Zalo và nhiều ứng dụng khác. Không cần KPI cho các sản phẩm trên PC, chỉ mobile thôi! Thật may mắn, vì 2012 là năm VNG thành công nhất về các sản phẩm cho PC”, ông Minh chia sẻ.

“Đối với VNG, thành công là khi chúng tôi có khả năng sống sót và đứng vững trong bối trong bối cảnh thị trường công nghệ luôn luôn có sự biến động”.

_Ông Lê Hồng Minh, CEO VNG_

Bài học thứ hai, theo ông Minh, đó là đặt mục tiêu cho doanh nghiệp. Ông Minh cho biết, lãnh đạo VNG có xu hướng đặt mục tiêu rất đơn giản cho công ty. Bởi nếu có quá nhiều mục tiêu thì rất khó để mọi người hiểu mục tiêu nào là quan trọng, tập trung thế nào, và cần dành bao nhiêu nguồn lực cho nó.

“Là một công ty về Internet, chúng tôi hiểu được rằng điều quan trọng nhất đối với công ty đó là có được tầm ảnh hưởng rộng rãi đến tất cả mọi người”, vị lãnh đạo VNG nhấn mạnh.

Vì thế, vào năm 2008, khoảng 2-3 năm sau khi VNG ra mắt sản phẩm đầu tiên, dàn lãnh đạo VNG đã ngồi lại với nhau để trả lời câu hỏi: “Mục tiêu của công ty trong thời gian tới là gì?”.

“Chúng tôi đặt ra mục tiêu 1441. Tức trước năm 2014, chúng tôi muốn có 41 triệu người dùng. Đẻ làm được điều này, chúng tôi đã ra mắt rất nhiều sản phẩm Internet, trong đó có Zalo. Tuy nhiên, phải đến năm 2016, chúng tôi mới đạt được mục tiêu này”, ông Minh kể lại.

Ông Minh nói thêm, như một truyền thống, sau mục tiêu 1441, lãnh đạo VNG đã đặt ra mục tiêu 2332 từ 5 năm trước, tức đạt 320 triệu người dùng năm 2023. Hiện VNG có 150 triệu người dùng toàn cầu. Theo ông Minh, công ty mới đi được nửa đường, và sẽ còn một quãng đường rất dài, và ông cảm thấy những thước đo đơn giản giúp VNG tiếp tục thử thách bản thân.

“Tháng trước tôi đã có dịp nói chuyện với một start-up về game, tôi hỏi mục tiêu của họ là gì và họ trả lời là muốn có 1 tỉ người dùng. 1 game duy nhất mà mục tiêu là 1 tỷ người dùng. Tôi đã quay về nói với team của mình là chúng ta vẫn cần vẫn cần tập trung và tìm mọi cách để đạt được mục tiêu 2332 đã đặt ra”, ông Minh nói.

Bài học cuối cùng mà nhà sáng lập VNG muốn chia sẻ đó là mạo hiểm. Ông Minh lý giải, lãnh đạo VNG cho rằng trong cuộc sống cũng như trong kinh doanh không thể có những kết quả tuyệt vời nếu không dám chấp nhận rủi ro. Điều quan trọng là cần nhắc rủi ro là gì và liệu có chấp nhận nó hay không.

“Chúng ta không thể có những kết quả tuyệt vời nếu không dám chấp nhận rủi ro”, CEO VNG chia sẻ

Giờ đây, khi nhiều người hỏi về kế hoạch IPO trên thị trường quốc tế, ông Minh cho biết: “Tôi có thể nói một điều rằng, việc IPO cũng là một điều khiến chúng tôi rất sợ. Vì nó kéo theo những rủi ro đáng kể. Tuy nhiên, đó là điều mà chúng tôi tin tưởng, vì nếu không làm thì VNG không thể đưa công ty phát triển một cách thực sự”.

“Hiện tại VNG đang đầu tư nguồn lực cho dự án AI và cũng gặp phải một số rủi ro, nhưng hy vọng rằng VNG vẫn sẽ “sống sót” như cách mà VNG đã tồn tại 19 năm qua”.

_Ông Lê Hồng Minh, CEO VNG_

Ông Minh nói một trong những điều khiến ông trăn trở, là làm thế nào để định hướng cho VNG để công ty thực sự tập trung vào AI, vì có rất nhiều mảng kinh doanh khác nhau. Rất khó để một công ty có quy mô lớn từ bỏ rất nhiều thứ đã và đang làm để trở thành một công ty chuyên làm AI.

“Hiện tại VNG đang đầu tư nguồn lực cho dự án AI và cũng gặp phải một số rủi ro, nhưng hy vọng rằng VNG vẫn sẽ “sống sót” như cách mà VNG đã tồn tại 19 năm qua”, CEO Lê Hồng Minh bày tỏ.

Những lĩnh vực sẽ chi phối tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia cho biết, Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo Toàn cầu (GII) năm 2023 đã chỉ ra rằng, trong năm qua tuy tốc độ và tổng giá trị giao dịch đầu tư mạo hiểm có sự suy giảm đáng kể, nhưng số lượng giao dịch lại tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay. Tổng chi tiêu cho R&D từ cả khu vực Chính phủ và khu vực tư nhân trên toàn cầu tiếp tục tăng lên theo giá trị thực và vẫn đạt mức cao trong lịch sử. Làn sóng đổi mới sáng tạo của thời đại chuyển đổi số và khoa học chuyên sâu đang diễn ra mạnh mẽ với sự phát triển của các lĩnh vực như công nghệ thông tin, y tế, năng lượng.

Trong bối cảnh này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư, ông Trần Duy Đông nhận định, hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo như một “ngọn lửa đang âm ỉ cháy”, chỉ cần môi trường và “chất xúc tác” thuận lợi là có thể bùng lên mạnh mẽ. Việt Nam đang kiến tạo môi trường và những yếu tố thuận lợi cho đổi mới sáng tạo nói chung và đầu tư khởi nghiệp sáng tạo nói riêng.

Theo ông Vinnie Lauria, Đối tác sáng lập Quỹ Golden Gate Ventures, với vị thế vững chắc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, liên tục nhận nguồn đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang phát triển mạnh mẽ, Việt Nam đang viết nên một trang mới về tốc độ tăng trưởng mà các thị trường khác sẽ học hỏi.

“Trong một năm đầy thách thức đối với hầu hết các nền kinh tế, Việt Nam đã chuyển hướng phát triển kinh tế sang tốc độ cao, khẳng định mình là trung tâm tăng trưởng kinh tế mới của châu Á", Ông Vinnie Lauria, đánh giá.

“Trong một năm đầy thách thức đối với hầu hết các nền kinh tế, Việt Nam đã chuyển hướng phát triển kinh tế sang tốc độ cao, khẳng định mình là trung tâm tăng trưởng kinh tế mới của châu Á".

_Ông Vinnie Lauria, Đối tác sáng lập Quỹ Golden Gate Ventures_

Một minh chứng cho đà tăng trưởng ổn định của Việt Nam chính là danh sách các công ty Việt Nam niêm yết tại thị trường quốc tế. Sau sự kiện niêm yết của Vinfast và Society Pass vào năm 2023, dự kiến trong 18 tháng tới đây sẽ có các sự kiện niêm yết được kỳ vọng của VNG, TIKI và The CrownX.

Đồng quan điểm với đại diện Quỹ Golden Gate Ventures, ông Delano Musafer, Giám đốc Thị trường vốn APAC, Sở giao dịch chứng khoán New York nhận định, Việt Nam đã nổi lên nhanh chóng không chỉ ở châu Á mà còn trên thị trường toàn cầu. Nhiều nhà đầu tư đang chú ý đến các công ty chất lượng, có chiến lược chuyển đổi mạnh mẽ, thành tích tăng trưởng cao của Việt Nam. Đó là tín hiệu tích cực với Việt Nam khi đã có một chiến lược rõ ràng về thị trường trong và ngoài nước.

Trong bối cảnh ngày một nhiều doanh nghiệp Việt Nam có được sự chú ý của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, Founder và Giám đốc điều hành của Galaxy FinX, ông Marcin Miller cho rằng, mối quan hệ giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là các Start-up cũng như các quỹ đầu tư mạo hiểm phải là quan hệ đôi bên cùng có lợi, không bao giờ nên thỏa hiệp.

Theo đó, Giám đốc điều hành của Galaxy FinX nhận định, khi lựa chọn nhà đầu tư để kêu gọi vốn, các doanh nghiệp nên suy nghĩ về mối quan hệ giữa hai bên cũng như sự hỗ trợ mà doanh nghiệp nhận được từ các nhà đầu tư.

“Khi lựa chọn đối tác, các doanh nghiệp không nên chỉ nghĩ đến việc nhận tiền từ các nhà đầu tư mà cần phải xem đây là cơ hội để học hỏi và trau dồi kỹ năng cho quá trình khởi nghiệp. Bên cạnh khả năng cung cấp vốn, các doanh nghiệp cần phải xem xét đến khả năng của các nhà đầu tư trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận kiến thức, chuyên môn và cơ hội kết nối, mở rộng các mối quan hệ đối tác mới”, ông Marcin Miller nhấn mạnh.

Nhận định về những lĩnh vực tiềm năng trong thời gian tới, ông Anwar Aridi - Chuyên gia Cao cấp về Chính sách Đổi mới sáng tạo, Ngân hàng Thế giới đánh giá, hầu hết các khoản đầu tư lớn sẽ tập trung vào các 5 lĩnh vực chính được dự đoán sẽ chi phối tăng trưởng kinh tế trong tương lai bao gồm: Công nghệ y tế, công nghệ tài chính, công nghệ hỗ trợ hậu cần, nền kinh tế xanh và công nghệ giáo dục.

"Hầu hết các khoản đầu tư lớn sẽ tập trung vào các 5 lĩnh vực chính được dự đoán sẽ chi phối tăng trưởng kinh tế trong tương lai bao gồm: Công nghệ y tế, công nghệ tài chính, công nghệ hỗ trợ hậu cần, nền kinh tế xanh và công nghệ giáo dục".

_ Ông Anwar Aridi, Chuyên gia Cao cấp về Chính sách Đổi mới sáng tạo, Ngân hàng Thế giới_

Theo báo cáo của NIC và Golden Gate Ventures, chi tiêu chăm sóc sức khỏe bình quân đầu người ở Việt Nam đã tăng gấp ba lần trong 5 năm qua. Giá trị giao dịch trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng kép 15% trong 4 năm tới nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính của 70% người dân Việt Nam hiện vẫn chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng.

Trong khi đó, lĩnh vực công nghệ hỗ trợ hậu cần, các mô hình kinh doanh nhỏ lẻ cũng đóng vai trò quan trọng. Bên cạnh đó, đối với kinh tế xanh, Việt Nam đang dẫn đầu trong nỗ lực phát triển năng lượng sạch ở Đông Nam Á với các đổi mới về năng lượng gió và mặt trời. Cuối cùng, lĩnh vực công nghệ giáo dục được đánh giá có đà tăng trưởng tự nhiên, ngày càng thu hút nguồn đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam.

Không chỉ vậy, theo ông Lê Hồng Minh, CEO VNG, hiện giờ, làn sóng AI tất nhiên đã rất rõ ràng, và thử thách lớn nhất với VNG là công ty không thể từ bỏ tất cả mọi thứ để chỉ làm AI, vì có rất nhiều “di sản” từ trước. Nhưng đây rõ ràng là cơ hội cho các start-up có thể tiến vào làn sóng này và khởi nghiệp từ đầu.

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/ceo-vng-ipo-tren-thi-truong-quoc-te-la-viec-toi-rat-so-nhung-van-phai-lam-a38946.html