Việt Nam muốn làm chip, nhân lực lấy ở đâu?

Việt Nam đang thu hút nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn, nhất là sau khi nâng cấp lên tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ. Song, một trong những thách thức lớn của Việt Nam hiện nay là nhân lực.

Trong bối cảnh thế giới tăng tốc trong cuộc đua chuyển đổi số, phát triển hệ sinh thái thiết bị, việc sản xuất chip vi mạch bán dẫn tích hợp trở thành xương sống cho hệ thống điện tử và ngành công nghệ phát triển. Việc áp dụng ngày càng nhiều công nghệ Internet vạn vật (IoT) và công nghệ nhà thông minh thúc đẩy sự phát triển của thị trường chất bán dẫn tại Việt Nam và các nhà máy sản xuất linh kiện bán dẫn đang được xúc tiến để giải quyết tình trạng thiếu hụt toàn cầu.

2 trong số hãng lớn làm chip trên thế giới đã hiện diện tại Việt Nam

Nhiều chuyên gia đánh giá, lĩnh vực bán dẫn Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến của nhiều hãng sản xuất bán dẫn khi thu hút sự quan tâm, hiện diện của những “ông lớn” hàng đầu thế giới của Mỹ và Hàn Quốc như Intel, Samsung… với những dự án từ hàng trăm triệu đến cả tỷ USD đầu tư xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất, lắp ráp...

Việt Nam muốn làm chip, nhân lực lấy ở đâu? - Ảnh 1.

Chiến dịch "Make in Vietnam" đã đánh dấu bước ngoặt lớn cho nền công nghệ số Việt Nam. (Ảnh: DW)

Với sự đầu tư của các hãng lớn, hệ sinh thái bán dẫn trong nước đã dần thành hình. Đó sẽ là cơ hội để Việt Nam có thể làm ra các sản phẩm nội địa sau này. Thế nhưng, để Việt Nam có thể phát triển hệ sinh thái bán dẫn hoàn thiện rồi dần tiến tới sản xuất ra những con chip Made in Vietnam đủ chất lượng còn không ít thách thức.

Để làm ra một chip, có ba khâu cơ bản gồm: thiết kế, sản xuất và đóng gói. Trong đó, Việt Nam hiện chủ yếu tập trung vào lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói. Theo Thạc sĩ Nguyễn Lê Huy, giảng viên khoa Khoa học, kỹ thuật và công nghệ của Đại học RMIT, việc sản xuất chip ở Việt Nam phù hợp với định hướng phát triển “Make in Vietnam”.

“Hầu hết mọi khía cạnh của xã hội hiện đại đều cần đến chất bán dẫn. Nếu thành công trong ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam sẽ “chen chân” vào được chuỗi cung ứng của các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như thiết bị truyền thông, máy tính, thiết bị y tế hay thiết bị quân sự”, ông Huy bày tỏ.

“Việt Nam cần có chiến lược trung và dài hạn để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong nước. Về trung hạn, Việt Nam cần tham gia vào những công đoạn R&D đòi hỏi chủ đạo là yếu tố con người. Song song đó, cần có chính sách hỗ trợ các trường đại học trong nước đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn. Về dài hạn, Việt Nam cần nỗ lực đạt được những thỏa thuận hợp tác hỗ trợ chuyển giao công nghệ với các quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Từ đó tiến tới tự chủ hoàn toàn tất cả các công đoạn quan trọng trong quy trình sản xuất bán dẫn”, ông Nguyễn Lê Huy đề xuất.

Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Công nghiệp Công nghệ thông tin, Bộ TT&TT, đồng thời là người tham gia và xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn cho rằng Việt Nam có thể đi theo hướng làm chip chuyên biệt, thay vì chạy đua theo những dòng chip cao cấp, tiên tiến nhất của thế giới.

“Khi định luật Moore tới hạn, tức khả năng nâng cao hiệu năng của chip theo chu kỳ 2 năm sẽ ngày càng khó, thị trường sẽ cần đến những dòng chip chuyên biệt cho từng ứng dụng. Trong bối cảnh phát triển bùng nổ IoT, nhu cầu về chip chuyên biệt phục vụ IoT sẽ ngày càng lớn lớn. Đây là con đường để Việt Nam có thể đi trong sản xuất chip”, ông Nghĩa bày tỏ.

Việt Nam muốn làm chip, nhân lực lấy ở đâu? - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Công nghiệp Công nghệ thông tin, Bộ TT&TT

Phó Cục trưởng phụ trách Công nghiệp Công nghệ thông tin cũng cho biết theo chiến lược ngành bán dẫn, dự kiến Việt Nam sẽ phát triển song hành, vừa thu hút doanh nghiệp FDI, vừa nâng cao năng lực trong nước.

“Chúng ta chưa nhất thiết phải có sản phẩm ngay, mà có thể đồng hành, tham gia hệ sinh thái của các công ty lớn, đồng thời tập trung vào phân khúc tầm thấp và tầm trung, nơi chúng ta có lợi thế cạnh tranh tốt nhất về giá”, ông Nguyễn Thiện Nghĩa nói.

Phải giải bài toán khó về nhân lực để phát triển ngành bán dẫn

Một trong những thách thức lớn nhất khi phát triển ngành chip tại Việt Nam là nhân lực. Theo đại diện Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin, bên cạnh đề án đào tạo 50.000 kỹ sư, Việt Nam có cách tiếp cận riêng là nâng cao trình độ nhân lực hiện tại, tức trang bị thêm kỹ năng chuyên môn, biến những kỹ sư công nghệ thông tin, điện tử thành kỹ sư chuyên về chip bán dẫn.

“Nếu cứ đào tạo tuần tự 4 năm có một lứa kỹ sư sẽ không đáp ứng được cung cầu. Trong khi đó, Việt Nam có đội ngũ 350.000 kỹ sư CNTT và điện tử, nếu đào tạo họ để làm được việc ngay, chúng ta sẽ đi khá nhanh”, ông Nghĩa nêu ý kiến.

Nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam cần hiện thực hóa đề án về phát triển nhân lực, vì toàn bộ ngành chip bán dẫn đang trong tình trạng thiếu nhân tài. Ngoài ra, đây là ngành có quy mô toàn cầu, để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, Việt Nam cần tạo những điều kiện thuận lợi về thủ tục, thông qua, thuế quan, mở rộng các thỏa thuận đầu tư và hỗ trợ công nghệ.

Trước đây, các công ty chip có xu hướng chuyển dịch từ châu Mỹ sang châu Á vì nhân công giá rẻ. Tuy nhiên đến nay, các công ty lớn sẽ quan tâm đến các yếu tố như năng lực công nghệ, nguồn cung ứng, cơ sở hạ tầng, logistics, hỗ trợ của chính phủ.

Theo báo cáo của Gartner, doanh thu ngành sản xuất chip toàn cầu năm 2022 tăng khoảng 1,2% so với năm 2021, đạt 601,7 tỷ USD. Dự báo, thị trường bán dẫn toàn cầu có quy mô khoảng 1.400 tỷ USD vào năm 2029. Tham gia thị trường bán dẫn toàn cầu, Việt Nam sẽ có được các cơ hội tỷ USD. Dự báo đến năm 2024, công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ vượt giá trị 6,16 tỷ USD.

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/viet-nam-muon-lam-chip-nhan-luc-lay-o-dau-a38711.html