Hoài niệm về đầu thu kỹ thuật số VTC: Vì sao thiết bị một thời "nhà ai cũng có" nay gần như không còn?

Đầu những năm 2000, đầu thu kỹ thuật số là thiết bị gần như phải có trong mọi ngôi nhà, mang đến những kênh truyền hình giải trí đặc sắc. Một biểu tượng công nghệ mà có lẽ sẽ rất hoài niệm với nhiều gia đình người Việt.

Hoài niệm về đầu thu kỹ thuật số

Vào đầu những năm 2000, khi truyền hình analog chỉ gói gọn vài kênh trong nước, sự xuất hiện của truyền hình kỹ thuật số như làn gió mới mang đến trải nghiệm giải trí sống động với vô vàn các kênh truyền hình quốc tế phim ảnh, âm nhạc, tin tức đa dạng, cùng chất lượng hình ảnh sắc nét, nhiều tính năng vượt trội.

Đầu thu kỹ thuật số thời điểm ấy có lẽ là thiết bị mà gia đình nào cũng sở hữu, là chiếc hộp giải trí hoài niệm với rất nhiều người.

Đầu thu kỹ thuật số hay bộ giải mã tín hiệu (Set-top box) là thiết bị giải mã tín hiệu truyền hình, sau đó chuyển dữ liệu hình ảnh và âm thanh được hiển thị trên màn hình tivi.

Không chỉ Việt Nam, đầu thu kỹ thuật số cũng là biểu tượng giải trí gia đình ở khắp nơi trên thế giới. Thiết bị này có lịch sử lâu đời, trải qua nhiều hình hài khác nhau, đi cùng với sự phát triển trăm năm của ngành truyền hình.

Hoài niệm về đầu thu kỹ thuật số VTC: Vì sao thiết bị một thời nhà ai cũng có nay gần như không còn? - Ảnh 1.

Vào những năm 1930, hãng BBC của Anh sử dụng băng tần VHF để phát các kênh truyền hình. Lúc bấy giờ TV sản xuất ra chỉ có bộ phận giải mã tín hiệu ở băng tần VHF.

Sau đó, một hãng truyền hình khác là ITV nhảy vào lĩnh vực này nhưng lại sử dụng băng tần UHF. Bởi vậy những TV đời cũ không thể bắt được các kênh UHF của hãng ITV. Do đó người ta thiết kế ra một thiết bị bắt được các kênh VHF đặt trước những TV đời cũ để có thể xem được các kênh UHF.

Khái niệm bộ giải mã tín hiệu hay Set-top box ra đời từ đó.

Các TV thế hệ sau này tích hợp luôn bộ giải mã UHF và VHF nên không cần dùng đến Set-top box nữa. Nhưng các thiết bị cũng như khái niệm Set-top box không vì thế mà mất đi.

Vào những năm 1950, tại Mỹ, các công ty bắt đầu triển khai mạng truyền hình cáp dưới dạng dịch vụ truyền hình trả tiền. Chỉ những TV nào trả tiền thì mới xem được tín hiệu truyền hình, ngược lại thì không.

Để làm điều này, các công ty làm cho tín hiệu truyền hình bị nhiễu. Tại các hộ gia đình, người ta cần có một thiết bị giải nhiễu thì mới xem được truyền hình trả tiền. Thiết bị như vậy được hãng truyền hình cáp đưa đến cho người dùng, gọi là Set-top box.

Từ những năm 1970 trở lại đây, sự phát triển của công nghệ vệ tinh đã thúc đẩy truyền hình vệ tinh phát triển. Băng tần của vệ tinh thường là C hoặc Ku bởi vậy để thu được những tần số này, cũng cần có một thiết bị giải mã.

Vào những năm đầu thập kỉ 1990, truyền hình kỹ thuật số ra đời và phát triển. Quá trình chuyển đổi sang truyền hình kỹ thuật số mặt đất khiến nhiều TV thời điểm ấy không thể thu được tín hiệu mới. Để những TV này có thể xem được các nội dung số, người ta lại cần đến một thiết bị giải mã số.

Tại Việt Nam, vào năm 2002, công ty VTC bắt đầu triển khai hệ thống truyền hình số mặt đất. Các hộ gia đình muốn xem được trên TV phải mua một thiết bị của VTC thường được gọi là "đầu thu kỹ thuật số".

Ngoài chức năng là thiết bị giải mã, đầu thu kỹ thuật số còn có nhiều tính năng khác nhau tùy theo nhà cung cấp dịch vụ và khu vực.

Một vài tính năng có thể kể đến như kích hoạt phụ đề, tắt âm thanh hoặc ngôn từ tục tĩu. Một số có giới hạn thời gian xem TV hoặc tích hợp sẵn chơi trò chơi điện tử cho trẻ em.

Trải qua thời kỳ hoàng kim, các bộ giải mã tín hiệu giờ đây không còn quá phổ biến như trước. Thiết bị vẫn được cung cấp đi cùng với dịch vụ truyền hình cáp này đang dần bị thay thế bởi TV thông minh, cùng các nền tảng giải trí trực tuyến.

Xu hướng hiện tại của nhiều người dùng trên thế giới là cắt cáp, chuyển sang các dịch vụ streaming đặc sắc hơn như Netflix và Hulu. Trong số những người vẫn chấp nhận sử dụng truyền hình cáp, có hơn một nửa vẫn duy trì là bởi có dịch vụ Internet đi kèm gói cước.

Trước đây, thiết bị giải mã tín hiệu mang lại một giá trị duy nhất, giúp người dùng tìm kiếm, lên lịch và ghi lại nội dung liên quan giữa vô số lựa chọn. Nhưng giờ đây, người xem thích các chương trình theo yêu cầu hơn là phát sóng trực tiếp, các Set-top box này không còn giá trị như trước.

Hoài niệm về đầu thu kỹ thuật số VTC: Vì sao thiết bị một thời nhà ai cũng có nay gần như không còn? - Ảnh 3.

Thời của trực tuyến lên ngôi

Bắt đầu từ năm 2013, truyền hình cáp đi kèm với các bộ giải mã tín hiệu bắt đầu tình trạng "chảy máu thuê bao" trên toàn cầu, trong khi dịch vụ phát trực tuyến Netflix chứng kiến sự thăng hoa.

Theo Netflix, cứ hai hộ gia đình ở Mỹ và Canada thì có một hộ gia đình đăng ký dịch vụ, nâng tổng số người đăng ký lên hơn 67 triệu ở Bắc Mỹ và hơn 100 triệu trên toàn thế giới, chiếm khoảng 12 tỷ giờ nội dung được phát trực tuyến vào năm 2019.

Đến năm nay, nền tảng này vừa lập kỷ lục số người đăng ký lên tới 232,5 triệu.

Một lý do khác khiến truyền hình cáp truyền thống bị quay lưng là người tiêu dùng không còn sẵn sàng trả tiền cho quá nhiều kênh mà họ không có nhu cầu xem, cũng như chi phí tăng quá cao. Từ năm 1995 đến năm 2005, hóa đơn truyền hình cáp ở Mỹ tăng nhanh gấp ba lần so với lạm phát.

Ngoài nội dung đa dạng, từ phim ảnh, truyền hình đến phim tài liệu, hoạt hình, với chất lượng 4K HDR, người dùng ngày nay cũng ưa thích sự đa nền tảng khi có thể xem giữa các thiết bị như máy tính xách tay, điện thoại di động và máy tính bảng.

Với mức giá gói đăng ký tương đương, thậm chí là rẻ hơn, trong khi nhận về lượng nội dung khổng lồ, người dùng có xu hướng cân đối giữa giá thành và lợi ích.

Thành công của Netflix nói riêng và các nền tảng phát trực tuyến nói chung đến từ yếu tố công nghệ. Công cụ đề xuất của Netflix đảm nhận một nhiệm vụ quan trọng - thúc đẩy cá nhân hóa.

Mục tiêu là đảm bảo người đăng ký nhận được nội dung họ muốn và quan tâm. Việc đề xuất liên tục trúng với nhu cầu người dùng tạo nên chuỗi xem liên tục, thậm chí là "gây nghiện".

Một lý do quan trọng khác là nội dung. Netflix đầu tư một số tiền khổng lồ vào nội dung gốc, các nội dung độc quyền không có trên bất kỳ nền tảng nào, khiến người xem bắt buộc phải gắn bó.

Đặc biệt hơn cả, các nền tảng phát trực tuyến mang lại trải nghiệm xem thuần nhất, không bị quảng cáo làm phiền.

Bản thân các nền tảng phát trực tuyến chỉ là những ứng dụng, không cần đến "đầu thu kỹ thuật số", mang lại sự gọn nhẹ, tiện lợi. Sự phổ biến của TV thông minh cũng là yếu tố đồng hành, khi các ứng dụng có thể cài đặt dễ dàng trên hầu hết các thiết bị ngày nay, không cần phải có các thiết bị, dây dợ quá lằng nhằng.

Hoài niệm về đầu thu kỹ thuật số VTC: Vì sao thiết bị một thời nhà ai cũng có nay gần như không còn? - Ảnh 5.

Ứng dụng giải trí gia đình đổi mới sáng tạo

Bắt kịp xu hướng phát triển của phát trực tuyến trên thế giới, tại Việt Nam những năm qua cùng chứng kiến sự ra đời và gặt hái thành công của các nền tảng giải trí trực tuyến quen thuộc với gia đình như VIEON, FPT Play, VTV GO…

Cũng đi theo công thức đa dạng nội dung, sử dụng trên nhiều thiết bị, các Dịch vụ xem nội dung trả tiền Video On Demand (VoD) này có những đổi mới sáng tạo riêng để thu hút người dùng.

VIEON nổi tiếng với các chương trình gameshow đình đám, FPT Play đi đầu với truyền hình tương tác lần đầu xuất hiện ở Việt Nam, còn VTV GO đẩy mạnh kho phim truyền hình. Tất cả đã mang lại nhiều món ăn tinh thần mới mẻ, đặc sắc cho người dùng chỉ với thao tác đơn giản: Bấm là xem.

Đây cũng là những nền tảng tự tin cạnh tranh được với các gã khổng lồ như Netflix, YouTube, IQIYI... với nhiều nội dung thuần Việt, chất lượng cao.

Theo một khảo sát được của Decision Labs, trong quý 3 năm 2021, FPT Play đứng đầu với 24% số lượng người đăng ký, theo sau là Netflix (22%) và VTV GO đứng thứ ba (17%).

VieON đang là cái tên phát triển nhanh, khi trở thành một trong những nền tảng giải trí trực tuyến hàng đầu tại Việt Nam với hơn 35 triệu người dùng, cùng 3,9 triệu người dùng thường xuyên hàng tháng.

Với dân số trẻ cùng tỷ lệ người sử dụng Internet và các thiết bị thông minh cao, dịch vụ trải trí trực tuyến hứa hẹn sẽ còn bùng nổ trong tương lai. Giá thành dịch vụ cũng ở dễ tiếp cận, từ 50 nghìn cho đến 300 nghìn/tháng tùy các gói dịch vụ cung cấp.

Đặc biệt hơn, các nền tảng giải trí trực tuyến Việt Nam còn đẩy mạnh vào mảng truyền hình, giúp người xem có thể theo dõi tất cả các kênh truyền hình trong và ngoài nước giống như sử dụng dịch vụ truyền hình cáp, điều mà các nền tảng nước ngoài còn hạn chế.

Với những thành tựu về đổi mới nói trên, Netflix, VIEON, FPT Play, VTV GO là các nền tảng nằm trong danh sách đề cử của hạng mục Đổi mới sáng tạo trong Ứng dụng Giải trí thuộc Smart Choice Award – phân mục nằm trong hệ thống giải thưởng Better Choice Award năm nay.

Better Choice Awards là giải thưởng tri ân và tôn vinh những đột phá Đổi mới sáng tạo về sản phẩm, dịch vụ, thành tựu mang đến lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng, không tìm ra những sản phẩm tốt nhất mà hướng tới những nhu cầu thực tế, phù hợp nhất theo mục đích sử dụng.

Độc giả có thể nhấn vào link dưới đây để cùng tham gia bình chọn cho các đề cử của giải thưởng Better Choice Awards năm nay.

Hoài niệm về đầu thu kỹ thuật số VTC: Vì sao thiết bị một thời nhà ai cũng có nay gần như không còn? - Ảnh 8.

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/hoai-niem-ve-dau-thu-ky-thuat-so-vtc-vi-sao-thiet-bi-mot-thoi-nha-ai-cung-co-nay-gan-nhu-khong-con-a38374.html