Ngày 19 và 27/10/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chính Phủ đã liên tiếp ban hành 2 văn bản, thông qua một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19 là Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 và Nghị định số 92/2021/NĐ-CP.
Những trường hợp được nhận hỗ trợ
Người Đưa Tin đã có trao đổi với ông Nguyễn Tiến Trường, Phó Cục trưởng Cục thuế Hà Nội về công tác triển khai hỗ trợ cụ thể đối với người nộp thuế của đơn vị này trong thời gian qua.
Người Đưa Tin (NĐT): Ông đánh giá ra sao về Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 và Nghị định số 92/2021/NĐ-CP do Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chính Phủ ban hành?
Ông Nguyễn Tiến Trường: Việc thông qua và ban hành các gói gia hạn, giảm thuế, các chính sách hỗ trợ trong thời gian vừa qua có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thể hiện sự chia sẻ khó khăn, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước.
Những chính sách trên đã kịp thời hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp trong việc khắc phục khó khăn, góp phần giữ vững ổn định xã hội, khôi phục sản xuất trong trạng thái “bình thường mới”.
NĐT: Trước đó, đã có những chính sách hỗ trợ về thuế nào cho người dân và doanh nghiệp được ban hành, thưa ông?
Ông Nguyễn Tiến Trường: Ngay từ những ngày đầu khi dịch bệnh Covid chưa bùng phát trên diện rộng vào năm 2020, Chính phủ, các Bộ ban ngành, trong đó có cơ quan thuế đã chủ động rà soát, đánh giá những tác động của dịch bệnh, từ đó tham mưu, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính,…để kịp thời ban hành những chính sách nhằm từng bước hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19.
Ngày 08/4/2020, Chính Phủ đã ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP về việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Tiếp đó là các Nghị định 52/2021/NĐ-CP; Nghị quyết 68/NQ-CP…đều tập trung hỗ trợ vào các vấn đề cụ thể và thiết thực như gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm tiền thuê đất; các hình thức hỗ trợ về bảo hiểm, tài chính, vốn vay cho người lao động và người sử dụng lao động, ….
NĐT: Công tác triển khai được Cục thuế Hà Nội thực hiện ra sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Tiến Trường: Ngay khi Nghị quyết, Nghị định hướng dẫn được thông qua, Cục thuế Hà Nội đã vào cuộc triển khai quyết liệt, ban hành các văn bản quy định nhiệm vụ cụ thể tới từng đơn vị trực thuộc để kịp thời nắm bắt, chủ động tuyên truyền sâu, rộng tới toàn thể người nộp thuế trên địa bàn quản lý.
Song song với đó, Cục thuế Hà Nội cũng đã có văn bản báo cáo, tham mưu cho UBND thành phố về công tác phối hợp triển khai nhiệm vụ giữa các Sở, ngành có liên quan.
NĐT: Ông có thể nói chi tiết hơn về những công tác triển khai cụ thể?
Ông Nguyễn Tiến Trường: Với mục tiêu đảm bảo tất cả người nộp thuế đều có thể tiếp cận, hiểu rõ quyền và lợi ích của mình. Cục Thuế TP Hà Nội đã chủ động số hóa hệ thống tài liệu tuyên truyền, giao nhiệm vụ tới từng đơn vị trực thuộc để kịp thời thông tin, hướng dẫn cụ thể cho người nộp thuế.
Bên cạnh việc đăng tải thông tin công khai trên trang thông tin điện tử của Cục và cơ quan thông tấn báo chí, các hình thức khác như gửi Thư ngỏ, thư điện tử, mạng xã hội…đều được triển khai một cách đồng bộ.
NĐT: Ông lý giải ra sao khi một số doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội phản ánh, cho đến nay, họ chưa nhận được hỗ trợ từ Nghị quyết; Nghị định của Quốc Hội và Chính Phủ?
Ông Nguyễn Tiến Trường: Người nộp thuế nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 406 của Quốc Hội; Nghị định số 92 của Chính Phủ đều được giảm trừ trực tiếp trên mức thuế suất và tỉ lệ tính thuế chứ không phải nhận hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt. Có thể đây là nguyên nhân chính dẫn đến hiểu lầm từ phía một số doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Cục cũng sẽ cho rà soát, kiểm tra lại một cách chi tiết. Tinh thần là nếu phát hiện sai đến đâu, xử lý đến đó, làm thật nghiêm và quyết liệt theo đúng tinh thần chỉ đạo của Quốc Hội; Chính Phủ và Bộ Tài chính.
NĐT: Ông có thể giải thích chi tiết hơn về những hình thức hỗ trợ thuế?
Ông Nguyễn Tiến Trường: Cụ thể những mức hỗ trợ cho người nộp thuế như sau:
Thuế GTGT: giảm trực tiếp trên doanh thu bán hàng. Cục thuế Hà Nội đã có hướng dẫn chi tiết cho các doanh nghiệp về nội dung thể hiện trên hóa đơn từ ngày 1/11 để đủ điều kiện nhận hỗ trợ.
Thuế thu nhập doanh nghiệp: giảm trực tiếp vào số thuế quyết toán cuối năm. Hạn kê khai quyết toán thuế là ngày 31/3/2022.
Đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh: việc miễn giảm sẽ được thực hiện khi đến hạn nộp tiền thuế vào cuối năm nay.
Miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2021: Hiện nay, Cục thuế Hà Nội đang tổng hợp các trường hợp đủ điều kiện được miễn. Đối với các trường hợp đã ra quyết định tính tiền chậm nộp thuế rồi thì không được hưởng chính sách này.
NĐT: Cục thuế Hà Nội dự định có những phương án hỗ trợ gì cho người dân trong thời gian sắp tới?
Ông Nguyễn Tiến Trường: Cơ quan Thuế sẽ tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, duy trì dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử.
Tổ chức bộ phận trực đảm bảo hệ thống CNTT thông suốt 24/7 để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp từ khâu đăng ký, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử…mà không cần phải đến trực tiếp cơ quan thuế. Qua đó, giảm thời gian thực hiện các thủ tục, tạo thuận lợi tối đa để người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước.
NĐT: Xin cảm ơn ông!
Các sắc thuế được giảm như sau:
- Giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với doanh thu năm 2019.
- Miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp của các tháng trong quý III và quý IV năm 2021 đối với hộ, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch COVID-19 trong năm 2021. Thẩm quyền do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định.
- Giảm thuế giá trị gia tăng kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021 đối với các hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh trong các ngành kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh covid 19.
- Đối với doanh nghiệp, tổ chức tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản này được giảm 30% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng;
- Đối với doanh nghiệp, tổ chức tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản này được giảm 30% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng.
- Miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 của các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với doanh nghiệp, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ trong năm 2020.
Trên đây là những chính sách rất kịp thời và cần thiết, là những trợ lực cụ thể để giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất.
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/go-hieu-lam-ve-viec-giam-thue-cho-doanh-nghiep-a3813.html