Trước bối cảnh nền kinh tế đang trên đà hồi phục khi dịch bệnh dần được kiểm soát tốt, đáng nhẽ ra showroom ô tô phải được lấp đầy bởi những chiếc xe mới sáng bóng để mời gọi khách. Thế nhưng tất cả đều “vỡ tan như bong bóng" chỉ vì sự thiếu hụt của một con ship siêu nhỏ, được sản xuất gần như hoàn toàn ở châu Á.
Chip bán dẫn là bộ phận quan trọng kiểm soát mọi thứ của ô tô, từ điều khiển hành trình đến bảng điều khiển. Tình trạng thiếu hụt chip đã tạo nên một cuộc khủng hoảng trầm trọng cho ngành công nghiệp ô tô toàn cầu. Các nhà sản xuất không thể hoàn thành được xe, đại lý không có ô tô để bán.
Theo Business Insider, Ford hiện đang có 22.000 chiếc xe đang nằm kho đợi để được hoàn thành. Theo kết quả kinh doanh quý 1 của hãng vào cuối tháng 4 dự báo, sự thiếu hụt chip bán dẫn có thể khiến công ty tiếp tục mất một nửa sản lượng trong quý 2, khoảng 700.000 xe, sau khi mất 200.000 xe trong quý 1. Trong năm 2021, có thể sẽ có đến hơn 1 triệu xe Ford không được giao theo đúng kế hoạch. Và cơn ác mộng này không có dấu hiệu kết thúc cho đến năm 2022. Giám đốc tài chính John Lawler cho biết hàng tồn kho đại lý của Ford đã giảm xuống mức cung cấp trong một tháng và ước tính thiệt hại tài chính của hãng sẽ là 2,5 tỷ USD.
General Motors (GM) lạc quan hơn khi báo cáo thu nhập quý 1 vào tháng 5, điều chỉnh lại mức lợi nhuận cả năm từ 10 tỷ lên mức 11 tỷ USD bất chấp cuộc khủng hoảng chip làm giảm đáng kể sản lượng. Giám đốc điều hành Mary Barra nói với các nhà phân tích Phố Wall trong một hội nghị trực tuyến rằng các đại lý đã gửi cho công ty những bức ảnh về những showroom gần như trống rỗng của họ.
Cả Ford và GM cũng như Stellantis, nhà sản xuất ô tô lớn toàn cầu được thành lập từ sự hợp nhất của FCA và PSA Group trong năm nay, đã dễ dàng đạt mức doanh thu khổng lồ trong quý 1. Lý do đến từ nhu cầu tăng vọt sau đại dịch khiến người tiêu dùng đổ xô đi mua xe bán tải và xe SUV đắt tiền.
Ước tính các đơn đặt hàng cho đến hết tháng 4 thì tổng số xe sẽ được bán trên toàn nước Mỹ đến tháng 12 sẽ là trên 18 triệu xe. Năm 2016 là năm đỉnh cao của ngành công nghiệp ô tô nước này khi bán được con số kỷ lục là 17,55 triệu xe ô tô và xe tải.
Tuy nhiên, tất cả chỉ là trên ước tính. Chúng có thể sụp đổ hoàn toàn nếu như cơn ác mộng thiếu chip bán dẫn trên toàn cầu không được giải quyết. Làm thế nào mà một con chip nhỏ bé chỉ nặng vài gram lại có thể chế tạo ra những chiếc xe tải có thể nặng hơn hai tấn?
Chơi khó với chuỗi cung ứng
Chip bán dẫn là loại linh kiện không thể thiếu trong các phương tiện giao thông. Đặc biệt khi Chevys, BMW, và đặc biệt là thế hệ xe điện mới của hàng loạt thương hiệu ngày càng phức tạp hơn, thì nhu cầu về vi mạch sẽ càng nhiều hơn. Một phương tiện có thể có đến hàng nghìn con chip được bố trí thông qua nhiều mô-đun, điều khiển động cơ, hộp số, hệ thống âm thanh và các tính năng an toàn.
Trong nhiều thập kỷ, những nhà sản xuất ô tô đã đối phó với các nhà cung cấp chip giống như cách họ đối phó với phần còn lại của chuỗi cung ứng. Mike Juran, Giám đốc điều hành của Altia, một công ty giao diện đồ họa làm việc với các nhà sản xuất ô tô, nói với Insider: “Ngay từ đầu, ngành công nghiệp ô tô đã thực sự giỏi trong việc đàn áp các nhà cung cấp".
Ông nói thêm rằng khi nói đến các nhà cung cấp phần mềm và công nghệ, thái độ của các nhà sản xuất ô tô là tỏ ra cứng rắn. Họ cũng đã làm điều đó với các công ty sản xuất chip trong nhiều thập kỷ. Và ngay cả khi chip trở nên quan trọng hơn, các nhà sản xuất chip vẫn là bên yếu thế hơn.
Khi thành lập công ty vào năm 1991, Juran cho biết, 37% chất bán dẫn được sản xuất tại Mỹ. Con số đó hiện là 12%.
Juran mô tả cuộc khủng hoảng hiện tại là sự kết hợp của nhiều yếu tố. Đại dịch đã đóng cửa các nhà máy sản xuất ô tô, làm cạn kiệt hàng tồn kho và giờ đây, ngành sản xuất này đang phải vật lộn để bắt kịp với nguồn cầu từ người tiêu dùng. Các nhà sản xuất đã không lường trước được sự gia tăng về nhu cầu, không chỉ là ô tô, mà ngay cả các thiết bị tiêu dùng điện tử gia đình cũng tăng cao, tất cả đã khiến nguồn cung chip bị cạn kiệt. Hơn thế nữa, vụ cháy tại Renesas, nhà cung cấp chip lớn của Nhật Bản chiếm tỷ trọng 30% thị trường, cũng góp phần làm giảm nguồn cung.
Juran ủng hộ việc đưa một phần hoạt động sản xuất chip trở lại Mỹ, không phải để khôi phục mốc 37% vào đầu những năm 1990, mà là để giảm gánh nặng cho ngành sản xuất chip bán dẫn toàn cầu góp phần đưa ngành công nghiệp ô tô vượt khủng hoảng.
Tia sáng mới cho các nhà sản xuất ô tô
Bên cạnh những tác động tiêu cực, các nhà lãnh đạo của GM và Ford cũng tìm các giải pháp để giải quyết một số vấn đề tồn đọng nhờ cuộc khủng hoảng có thể kéo dài đến năm 2022 này.
Đơn cử, ngành công nghiệp này từ lâu đã bị cáo buộc cho phép tồn kho xe vượt quá tầm tay, dẫn đến việc phải chi ra không ít cho các biện pháp giải quyết ô tô và xe tải tồn đọng.
Giám đốc tài chính GM Paul Jacobson nói với các nhà phân tích trong một cuộc họp sau khi báo cáo doanh thu quý 1 được công bố: “Tôi không nghĩ ai đó sẽ nói rằng mức tồn kho của đại lý là tối ưu. Chúng tôi đang tìm ra giải pháp để tinh gọn vấn đề này".
“GM sẽ không bao giờ quay lại giữ mức tồn kho mà chúng tôi đã có trước đại dịch”, Giám đốc điều hành Mary Barra nói.
Lawler của Ford cũng nói với Insider rằng công ty đang tìm cách vận hành ở mức tồn kho tổng thể thấp hơn cho đến năm 2021.
Juran cho rằng tác động của cuộc khủng hoảng này có thể còn đáng kể hơn nữa. “Mọi người đang suy nghĩ lại về chuỗi cung ứng trong lĩnh vực ô tô. Và họ cũng đang xem xét lại bản chất toàn cầu của nó”.
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/nhung-chiec-xe-khong-the-hoan-thanh-showroom-o-to-trong-rong-ngap-tran-khap-nuoc-my-a38.html