"Trò ảo thuật" chưa có lời giải của kẻ lừa đảo: Điện thoại tự nhiên tắt phụt, 50 triệu trong tài khoản biến mất

"Điện thoại của tôi đột nhiên tắt phụt", nạn nhân cho biết. Khi bật lại, điện thoại đã bị xóa hết dữ liệu. 50 triệu biến mất và cuộc trò chuyện với kẻ lừa đảo cũng không còn.

Điện thoại tắt, tiền cũng mất

Anh chàng này hy vọng sẽ tiết kiệm được chút tiền khi sử dụng dịch vụ chăm sóc thú cưng, nhưng trái với kỳ vọng, số tiền lớn trong tài khoản ngân hàng của anh lại biến mất một cách lạ kỳ.

Tài khoản AzMan KaSim chia sẻ trong bài đăng trên nhóm Facebook Complaint Singapore hôm 14/8, về việc anh đã mất 2.667 SGD (gần 50 triệu đồng) sau khi tải xuống ứng dụng chuyển hướng đến trang web chăm sóc thú cưng.

"Tôi vừa bị lừa", KaSim mở đầu bài viết. "Số tiền trong tài khoản ngân hàng của tôi lên tới 2.667 SGD đã biến mất".

"Đừng bao giờ tải xuống ứng dụng apk (file cài đặt ứng dụng trên các thiết bị Android)", người đàn ông cảnh báo.

Câu chuyện khởi nguồn từ việc AzMan KaSim xem một bài đăng trên Facebook về dịch vụ chải lông cho mèo và bị thu hút bởi mức giá "rất hợp lý" là 105 SGD cho ba con mèo.

Sau đó, anh để lại bình luận trên bài đăng và tiếp tục trao đổi qua WhatsApp, thậm chí còn nói chuyện với "thợ chải" qua một cuộc điện thoại.

"Anh ta bảo tôi tải xuống một ứng dụng để đăng ký và tôi đã làm theo. Tôi không nghi ngờ bất cứ điều gì vì nơi làm việc của tôi cũng thường xuyên sử dụng các ứng dụng dạng apk tương tự", AzMan KaSim kể lại.

Trò ảo thuật chưa có lời giải của kẻ lừa đảo: Điện thoại tự nhiên tắt phụt, 50 triệu trong tài khoản biến mất - Ảnh 1.

Ứng dụng vừa tải xuống cho phép anh ta truy cập vào trang web mô phỏng Olo Pet Grooming Salon, một cửa hàng cắt tỉa lông thú cưng thực tế ở địa phương.

Anh được hướng dẫn cuộn xuống trang web mà mình đang truy cập, tuy nhiên màn hình điện thoại luôn gặp tình trạng nhiễu.

Sau đó, nạn nhân được yêu cầu đặt cọc 5 SGD để xác nhận đặt phòng nhưng giao dịch bị trả lại vì số tài khoản do bên kia cung cấp chưa được đăng ký.

Khi AzMan KaSim liên hệ với "thợ chải" để làm rõ vấn đề này, anh được khuyên là không cần lo lắng và có thể thanh toán đầy đủ sau khi quá trình chải lông hoàn tất.

Ngay lúc đó, anh đột nhiên thấy một thông báo qua SMS rằng 2.667 SGD đã bị trừ khỏi tài khoản.

"Quá trình được thực hiện tự động và điện thoại của tôi đột nhiên tắt phụt", AzMan KaSim nhớ lại.

Anh cố bật lại điện thoại nhưng khi màn hình hiện lên, anh thấy điện thoại của mình đã khôi phục cài đặt gốc và tất cả dữ liệu cũng bị xóa.

"Tôi đến kiểm tra tài khoản ngân hàng và xác nhận rằng số tiền lên tới 2.667 SGD đã bị trừ", anh nói. "Mọi đoạn hội thoại với kẻ lừa đảo cũng biến mất".

AzMan KaSim đã báo cáo vụ việc với ngân hàng và cảnh sát.

Trò ảo thuật chưa có lời giải của kẻ lừa đảo: Điện thoại tự nhiên tắt phụt, 50 triệu trong tài khoản biến mất - Ảnh 2.

Trò lừa không mới nhưng ngày càng tinh vi

Vào tháng 7, chính cửa hàng chăm sóc thú cưng này đã thông báo về việc có những kẻ mạo danh trên WhatsApp.

Olo Pet Grooming Salon lên tiếng cảnh báo: "Chúng tôi đã báo cáo cảnh sát và hợp tác chặt chẽ với những khách hàng bị ảnh hưởng. Các nhà chức trách xác định rằng đây có thể là một loại virus và chúng tôi đặc biệt khuyên bạn không nên tải xuống các dạng tệp như vậy".

Cửa hàng cũng đính chính rằng không thu bất kỳ hình thức đặt cọc nào trước khi cung cấp dịch vụ, cũng như không liên hệ với khách hàng để yêu cầu tải xuống ứng dụng.

Cảnh sát Singapore đã đưa ra cảnh báo về sự gia tăng trở lại của các trò lừa đảo liên quan đến phần mềm độc hại được cài đặt trên điện thoại Android của nạn nhân.

Các trò gian lận sẽ xuất hiện dưới dạng quảng cáo các dịch vụ như chăm sóc thú cưng, bán thực phẩm trên Facebook và Instagram, đặc biệt nhắm đến người dùng thiết bị di động Android.

Khi liên hệ dịch vụ thông qua các nền tảng nhắn tin như WhatsApp, kẻ lừa đảo sẽ gửi đường dẫn tải xuống phần mềm độc hại cho nạn nhân để yêu cầu đặt dịch vụ hoặc mua các mặt hàng thực phẩm và thanh toán tại đây.

Sau đó, nạn nhân sẽ được chuyển hướng đến các trang web đăng nhập ngân hàng trực tuyến giả mạo để nhập thông tin đăng nhập ngân hàng trực tuyến hoặc thông tin thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ để thực hiện thanh toán trong ứng dụng.

Các ứng dụng sẽ chuyển hướng thông tin đăng nhập ngân hàng và SMS OTP từ điện thoại của nạn nhân đến tay kẻ lừa đảo.

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/tro-ao-thuat-chua-co-loi-giai-cua-ke-lua-dao-dien-thoai-tu-nhien-tat-phut-50-trieu-trong-tai-khoan-bien-mat-a37737.html