Sáng 31/8, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã tổ chức hội thảo “Truyền thông đại chúng với hoạt động của Liên hiệp hội Việt Nam” tại Hà Nội nhằm giúp Liên hiệp Hội đánh giá đúng về vị trí, vai trò, uy tín tương ứng với tiềm năng của sức mạnh truyền thông, từ đó đưa ra các giải pháp để báo chí cùng Liên hiệp Hội thực hiện công tác truyền thông hiệu quả.
Phát biểu tại hội thảo về vấn đề sử dụng truyền thông xã hội trong quảng bá hình ảnh tổ chức, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Kinh Đô thị cho biết, trước đây việc nắm bắt, phân tích, dự báo tình hình tư tưởng trong xã hội thường thông qua các phương pháp truyền thống, như tổ chức họp, giao ban, qua báo cáo viên định kỳ, hoặc thông qua các cơ quan báo chí truyền thông.
Tuy nhiên, khi mạng xã hội phát triển, các phương pháp truyền thông truyền thống bị hạn chế do không đáp ứng được tính nhanh nhạy, đa chiều về thông tin.
Cùng với sự phát triển của xã hội, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay, công nghệ truyền thông hiện đại giúp chúng ta có thể kiểm soát được khối lượng thông tin khổng lồ trên mạng xã hội.
“Mạng xã hội không chỉ là một diễn đàn khác tồn tại song song với các phương tiện truyền thông truyền thống, mà còn đại diện cho xu thế của truyền thông mới trong tương lai”, ông Lợi khẳng định.
Điều đó đặt ra cho các cơ quan chức năng, nhà báo và các cơ quan báo chí phải biết sử dụng và khai thác triệt để truyền thông xã hội phục vụ cho hoạt động của mình, trong đó có các tổ chức nghiên cứu khoa học…
Theo ông Lợi, các tổ chức, cơ quan chức năng và các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến cơ sở cần tập trung xây dựng các diễn đàn và chủ động “nắn dòng” thông tin sai lệch, tuyên truyền nhiều bài viết có tính định hướng để lấn át những thông tin tiêu cực.
Bàn về một số biện pháp nâng cao hình ảnh của Liên hiệp Hội Việt Nam - TS. Lê Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Đối ngoại - Bộ TTTT cho rằng, với bối cảnh phát triển nhanh chóng của khoa học, kỹ thuật và công nghệ tại Việt Nam, Liên hiệp Hội Việt Nam cần xây dựng một chiến lược truyền thông mạnh mẽ và hiệu quả nhằm tôn vinh và tạo dựng hình ảnh tích cực về Liên hiệp Hội, đồng thời thu hút sự quan tâm và ủng hộ từ cộng đồng khoa học, giới trí thức và các đối tác.
Đồng thời, xác định rõ mục tiêu truyền thông, bao gồm việc tăng cường nhận thức về vai trò của Liên hiệp Hội trong sự phát triển khoa học và kỹ thuật tại Việt Nam, thu hút sự tham gia và quan tâm từ cộng đồng khoa học và giới trí thức, và tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước.
Cùng với đó, Liên hiệp Hội cần rà soát, đánh giá hiệu quả của các hoạt động truyền thông hiện có, trên cơ sở đó xây dựng Chiến lược truyền thông, đồng thời tổ chức lấy ý kiến phản hồi của cộng đồng khoa học và các đối tác, lắng nghe và tiếp thu các ý kiến chân thành và tích cực, xây dựng để điều chỉnh và cải tiến các hoạt động truyền thông trong thời gian tới.
Ông Vũ Xuân Bân - Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn hoá và Phát triển kiến nghị, Ban Truyền thông và Phổ biến Kiến thức cần nghiên cứu đề xuất với lãnh đạo Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức Giải báo chí khoa học kỹ thuật và văn hóa xã hội tiêu biểu nhằm vinh danh cơ quan báo chí, tác giả, nhà khoa học có thành tích xuất sắc trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học công nghệ, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội trong hệ thống báo chí của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Theo ông Bân, việc tổ chức gặp gỡ, thông tin về công tác báo chí định kỳ hàng quý một lần là rất cần thiết, giúp các cơ quan báo chí Liên hiệp Hội Việt Nam có điều kiện để nói lên tâm tư nguyện vọng của mình.
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/chu-dong-nan-dong-thong-tin-sai-lech-a37544.html