Ông Nguyễn Quyết Thắng, Bí thư Huyện ủy Củ Chi (TP HCM), cho biết huyện đang phân 2 nhóm các xã, thị trấn được đánh giá ở mức bình thường mới và nhóm ở mức nguy cơ để chia thành 4 trạng thái. Trong đó, nhóm nguy cơ sẽ áp dụng trạng thái cấp 1, 2 và nhóm còn lại có thể cấp 3, 4.
Sẽ nâng trạng thái bình thường
"Tuy nhiên, thời điểm này, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch huyện sẽ thực hiện 2 trạng thái cấp 1 và 2, sau 14 ngày (hết 30-9) sẽ đánh giá để áp dụng nâng lên trạng thái cấp 3, 4 khi thấy phù hợp" - ông Nguyễn Quyết Thắng cho hay.
Theo ông Thắng, trạng thái cấp 1, huyện sẽ tiếp tục thực hiện nguyên tắc "ai ở đâu ở yên đó", kiểm soát việc đi lại của người dân từ 6 giờ đến 18 giờ hằng ngày; chưa mở lại chợ truyền thống, chưa cho phép các công trình xây dựng hoạt động lại… Trạng thái cấp 2, sẽ nới lỏng hơn khi cho phép các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh hoạt động lại khi được đánh giá bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh; người dân được cấp "thẻ xanh" để tham gia hoạt động sản xuất và sinh hoạt xã hội trong trạng thái bình thường mới. Chuyển dần việc "đi chợ hộ" sang đi chợ 1 lần/tuần. Riêng các hoạt động lễ hội, tôn giáo… chưa được hoạt động lại.
Trạng thái cấp 3, khởi động lại phát triển kinh tế - văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân. Người dân được đi lại bình thường trong phạm vi toàn huyện (trừ vùng có nguy cơ cao), vẫn tuân thủ 5K, 5T của Bộ Y tế tại nơi công cộng... Tuy nhiên, vẫn chưa cho mở lại hoạt động kinh doanh không thiết yếu như quán bar, làm đẹp, karaoke, mát-xa... và các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.
Ở trạng thái cấp 4, sẽ thực hiện phòng chống dịch trong tình hình mới, người dân không bị hạn chế các hoạt động tập trung ngoài trời, trong nhà và khoảng cách tiếp xúc; được tổ chức các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, đám cưới... cũng như cho phép hoạt động sản xuất - kinh doanh...
Người dân quận 7, TP HCM đi mua sắm tại Co.opmart Huỳnh Tấn Phát. Ảnh: HỒNG CHÂU
Người dân phấn khởi
Sáng 21-9, ghi nhận tại một số siêu thị ở quận 7, người dân đi mua hàng theo phiếu khá đông. Tại Co.opXtra Tân Phong (phường Tân Phong), nhiều mặt hàng thịt cá, rau củ quả tươi sống dồi dào.
Chị Trần Ngọc Thúy (phường Tân Hưng) cho biết: "Khi biết tin từ ngày 16-9, người dân quận 7 được đi chợ nên rất phấn khởi. Tôi để hôm nay mới đi vì những ngày đầu tập trung đông người nên bất tiện. Tại siêu thị này nhiều thực phẩm rau củ, thịt cá... khá phong phú, tươi ngon, nên tôi mua đủ cho gia đình 6 người dùng trong 1 tuần".Chị cho rằng đến siêu thị được yêu cầu quét mã QR để khai báo y tế, kiểm tra giấy tờ đi chợ... Tuy nhiều công đoạn nhưng làm vậy chị thấy an tâm hơn.
Trong khi đó, ở các khu vực còn "vùng đỏ", nhiều hộ dân vẫn phải nhờ "đi chợ hộ" hoặc đặt shipper. Anh Trần Công Trại (đường số 9, phường Tân Phong, quận 7) cho biết gia đình anh và các hộ trong khu vực tuy không được ra ngoài mua sắm nhưng vẫn được phát phiếu mua hàng, tổ trưởng và tình nguyện viên sẽ "đi chợ hộ".
Theo Sở Công Thương TP HCM, hiện lượng hàng hóa tươi sống tại siêu thị dồi dào. Một số mặt hàng chế biến sẵn không phong phú như trước đây do các doanh nghiệp cung ứng đang sản xuất theo phương thức "3 tại chỗ", "2 cung đường, 1 điểm đến" nên công suất chỉ đạt khoảng 30%-50%. Dù vậy, lượng hàng này vẫn bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng.
Không để sót người hưởng trợ cấp đợt 3
Ông Dương Hồng Thắng, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, cho biết nhằm bảo đảm việc thống kê đúng, không bỏ sót, không trùng lắp nhóm đối tượng nhận hỗ trợ đợt 3 theo yêu cầu của UBND thành phố, huyện đã thống kê sơ bộ trên địa bàn có hơn 400.000 người dân được đề xuất hưởng trợ cấp đợt 3. Các hồ sơ đang được khẩn trương xem xét để chuyển qua BHXH huyện kiểm tra chéo, nhóm đối tượng còn đi làm nhận lương tháng 8 sẽ không được hưởng trợ cấp đợt này.
T.Hồng
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/tp-hcm-mo-dan-tro-lai-cac-hoat-dong-a375.html