Ông Nguyễn Trọng Phúc cho biết, công tác quy hoạch cán bộ, nhất là quy hoạch vào Trung ương là một công việc rất hệ trọng, vì đây là sự lựa chọn cán bộ cấp chiến lược, có vai trò lãnh đạo không chỉ trước mắt mà còn có tính lâu dài. Do vậy, việc lựa chọn quy hoạch giới thiệu vào Trung ương khóa tới phải rất thận trọng. Vấn đề này phải được đúc rút kinh nghiệm về những cái được và cả những cái chưa được của các nhiệm kỳ vừa qua.
Cái được thì rất rõ khi chúng ta đã có được đội ngũ cán bộ lãnh đạo xứng tầm với yêu cầu nhiệm vụ phát triển đất nước. Công tác này được chuẩn bị rất thận trọng, đúng như tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là không được để lọt vào Trung ương những cán bộ có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, phạm phải tham nhũng, tiêu cực…
Tư tưởng này được quán triệt từ khóa XI, tuy nhiên, trên thực tế Ban Chấp hành Trung ương các khóa XII và XIII vẫn có những cán bộ được giới thiệu nhưng không xứng với vị trí được giới thiệu. Ví dụ, ở khóa XII, số ủy viên Trung ương, thậm chí ủy viên Bộ Chính trị bị kỷ luật, rơi vào vòng lao lý đã rất rõ. Hay sang nhiệm kỳ XIII, đến nay đã có nhiều ủy viên Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị phải thôi Trung ương, thậm chí có người bị khai trừ, kỷ luật, khởi tố…
Từ thực tiễn đó càng đặt cao vấn đề sắp tới, quy hoạch cho nhiệm kỳ khóa XIV phải lựa chọn một cách rất căn cơ, mới có thể có được đội ngũ xứng đáng, xứng tầm nhiệm vụ.
Đề cao trách nhiệm người giới thiệu nhân sự
Vậy theo ông, điều gì cần lưu ý để có thể có được đội ngũ cán bộ trong quy hoạch chất lượng nhất, để qua đó lựa chọn được nhân sự xứng đáng nhất?
Theo chỉ đạo của Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, chúng ta đã triển khai ở một số địa phương, cơ quan Trung ương thực hiện việc quy hoạch, giới thiệu những người xứng đáng vào Trung ương khóa XIV. Đó là sự chỉ đạo kịp thời, và từ đây đến đại hội đầu năm 2026, chỉ còn hơn 2 năm nữa, sự chuẩn bị đó là cần thiết.
Theo tôi, điều quan trọng nhất là phải lựa chọn cho được đội ngũ cán bộ thực sự xứng đáng để sau này khỏi phải ân hận. Muốn như vậy, trước tiên phải đề cao trách nhiệm người giới thiệu nhân sự vào Trung ương, kể cả tổ chức cũng như người đứng đầu giới thiệu, phải chịu trách nhiệm về nhân sự mình đề cử. Nếu không đề cao vai trò trách nhiệm tập thể, cá nhân người đứng đầu, có thể sẽ dẫn tới tình trạng giới thiệu không trúng người xứng đáng vào Trung ương khóa mới.
Trước đây chúng ta đã nêu vấn đề như thế, nhưng cũng có những trường hợp vào Trung ương rồi lại hư hỏng. Nhiều ủy viên Trung ương từ đầu khoá XIII đến nay bị xử lý kỷ luật, thậm chí khởi tố hình sự.
Do vậy, bây giờ cần phải đề cao hơn nữa trách nhiệm tổ chức, cá nhân. Ví dụ, giới thiệu một người vào vị trí bí thư tỉnh ủy và đương nhiên vị trí đó sẽ là cơ cấu Ủy viên Trung ương. Như vậy, tổ chức đảng ở tỉnh đó phải chịu trách nhiệm thế nào, thường vụ cấp ủy phải chịu trách nhiệm ra sao và bản thân bí thư đương nhiệm phải chịu trách nhiệm thế nào trong việc giới thiệu nhân sự đó? Hay một bộ trưởng ở Trung ương chẳng hạn, vị trí này cơ cấu ủy viên Trung ương, bây giờ giới thiệu ai vào vị trí đó phải đề cao trách nhiệm của ban cán sự đảng ở đó như thế nào, vị bộ trưởng đương nhiệm ra sao?…
Bên cạnh đó, cần đề cao trách nhiệm của cơ quan tổ chức đảng. Vì công tác nhân sự là do cơ quan tổ chức xây dựng đảng, ở Trung ương là Ban Tổ chức Trung ương, còn ở địa phương là ban tổ chức các cấp ủy - cơ quan tham mưu cho cơ quan cấp ủy, cơ quan Trung ương về vấn đề nhân sự và lựa chọn nhân sự. Nên cơ quan này cũng phải được đề cao trách nhiệm. Khi có chuyện gì xảy ra phải chịu trách nhiệm đến cùng về sự giới thiệu đó.
Vì lợi ích chung thì không có gì đáng lo ngại
Theo ông, khi đó liệu có xảy ra tình trạng vì sợ trách nhiệm, nên rụt rè, cầm chừng, không dám mạnh dạn tiến cử, đề cử nhân sự?
Không lo cái đó. Vì khi một người đã hết lòng vì sự nghiệp chung, thì công việc của Đảng, giới thiệu người vào cơ quan lãnh đạo của Đảng, của hệ thống chính trị là trách nhiệm với Đảng, với đất nước, với nhân dân. Việc đòi hỏi người đứng đầu, cấp ủy, cơ quan có trách nhiệm không có gì đáng lo ngại. Tất cả vì việc chung, vì lợi ích chung, sự nghiệp chung thì không có gì đáng lo ngại cả.
Các cụ nhà ta đã tổng kết, cái thùng rỗng khi gõ vào thường kêu to. Nên có người nếu chỉ nghe nói thôi thì ghê gớm lắm đó. Nhưng thực chất người ta làm thế nào mới quan trọng. Sự kết hợp giữa nói và làm như thế nào, hành động thế nào, có thực sự vì Đảng, vì nước, vì dân không, hay chỉ vì lợi ích riêng của mình, của gia đình mình. Rồi các cụ từng nói “mồm miệng đỡ chân tay”. Nói thì rất hay nhưng làm lại không đến đâu cả.
Tất cả điều đó đòi hỏi cơ quan làm công tác cán bộ, người có trách nhiệm nhìn nhận đánh giá cán bộ giới thiệu vào cơ quan lãnh đạo phải hết sức tinh tường, mới có thể chọn được đúng người.
Kê khai tài sản là cách kiểm soát quyền lực
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập; giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đầy đủ, không đúng quy định…
Trao đổi về trường hợp này, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, quy định về kê khai tài sản được tiến hành thường xuyên, chặt chẽ chứ không hề lỏng lẻo. Nhưng bản thân người cán bộ lãnh đạo có nhiều cách đối phó, không khai thật, tài sản đứng tên con cái, người nhà, người thân… Điều này đòi hỏi phải hết sức nghiêm túc, nghiêm minh ở cả hai phía, cả phía cơ quan quản lý cán bộ, và bản thân mỗi cán bộ lãnh đạo cũng phải tự giác, công tâm, chấp hành quy định của đảng. Chúng ta có rất nhiều quy định của Đảng để kiểm soát quyền lực, trong đó có kiểm soát về sở hữu tài sản, mà kê khai tài sản cũng là cách để kiểm soát quyền lực. Anh khai không đúng, người ta phát hiện ra ngay, đã không trung thực thì không thể làm lãnh đạo được.
Giới thiệu vào Trung ương phải ở tầm quốc gia
Nhưng có thể hôm nay họ là người tốt, người rất xứng đáng được lựa chọn, nhưng ngày mai, khi có quyền lực trong tay rồi, họ mới sa ngã, mới ngả nghiêng?
Quả đúng là có thể xảy ra trường hợp khi được giới thiệu, người đó là tốt, việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự đó cũng đúng, cũng chuẩn. Thế nhưng đến khi được vào cơ quan lãnh đạo rồi, có quyền lực trong tay rồi, bấy giờ mới sinh chuyện. Đó là khả năng cần phải chú ý. Có thể xem xét cán bộ chưa thực sự thấu tỏ, chưa thực sự đúng với bản chất cán bộ; có thể lúc đánh giá, giới thiệu, người ta là người tốt, có năng lực thật, nhưng khi có quyền lực trong tay lúc đó mới bị tha hoá quyền lực, lợi dụng chức quyền để thao túng, vơ vét, rồi mới bắt đầu hư hỏng… Chúng ta phải nhìn nhận một cách khách quan như thế, để sau này khi quy trách nhiệm người giới thiệu cho thực sự công tâm, khách quan.
Bác Hồ từng nói: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Có thể hôm trước vị cán bộ đó là tấm gương sáng, là anh hùng, nhưng hôm sau lại có thể trở thành người bị quyền lực, lợi ích chi phối, trở thành người hư hỏng. Nói như thế để chúng ta thấy được cái khó trong công tác cán bộ cũng như tầm quan trọng, trách nhiệm rất lớn lao của việc giới thiệu nhân sự vào cơ quan lãnh đạo quan trọng, nhất là cấp Trung ương, cấp chiến lược.
Có ý kiến cho rằng, trong quy hoạch cán bộ nên mở rộng nguồn và không nên chỉ bó hẹp nguồn tại chỗ. Quan điểm của ông ra sao về việc này?
Cái đó là cần thiết, vì trong công tác cán bộ, phải nhìn ở tổng thể, tầm chiến lược chứ không phải nhìn cục bộ, nơi nào biết nơi đó, bộ nào biết bộ đó, địa phương nào biết địa phương đó. Cái đó là đúng thôi, nhìn nhận công tác cán bộ phải nhìn ở tầm quốc gia, nhất là giới thiệu vào Trung ương, phải ở tầm quốc gia. Công tác cán bộ thì không thể loanh quanh ở trong ngành, trong địa phương mình, để từ đó có tầm nhìn cho đúng, tránh cục bộ địa phương, nhìn nhận con người bó hẹp.
Cảm ơn ông.