Huawei, gã khổng lồ viễn thông và điện thoại thông minh của Trung Quốc, đã báo cáo doanh số bán hàng trong 9 tháng đầu năm 2021 sụt giảm 32%. Mức giảm này sâu hơn con số 29,4% trong nửa đầu năm, do hoạt động kinh doanh thiết bị cầm tay của công ty bị tê liệt bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Cụ thể, công ty cho biết đã tạo ra doanh thu 455,8 tỷ nhân dân tệ (tương đương 71,2 tỷ USD) trong 9 tháng đầu năm 2021, ít hơn gần một phần ba so với con số 671,3 tỷ nhân dân tệ mà công ty công bố cùng kỳ năm ngoái. Tỷ suất lợi nhuận ròng là 10,2% trong ba quý, tăng từ 8% trong cùng kỳ năm ngoái và 9,8% trong nửa đầu năm 2021.
Guo Ping, Chủ tịch luân phiên của Huawei, cho biết hoạt động của công ty "phù hợp với kỳ vọng".
"Thông qua cam kết liên tục của chúng tôi đối với đổi mới, R & D, và thu nhận nhân tài cũng như quan tâm chặt chẽ đến hiệu quả hoạt động, chúng tôi tự tin sẽ tiếp tục tạo ra giá trị thiết thực cho khách hàng và cộng đồng nơi chúng tôi làm việc", ông Guo cho biết trong một tuyên bố.
Kết quả kinh doanh mới nhất của Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và trước đây là nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn nhất Trung Quốc, được đưa ra khi công ty đang vật lộn để vượt qua tác động của các lệnh trừng phạt từ chính quyền Mỹ, những sắc lệnh vốn đã cắt đứt quyền tiếp cận của công ty với các con chip tiên tiến.
Huawei cũng đang nhanh chóng đánh mất vị thế trên thị trường điện thoại thông minh của Trung Quốc. Vào tháng 11 năm ngoái, Huawei đã bán mảng kinh doanh smartphone giá rẻ Honor cho một tập đoàn gồm hơn 30 đại lý của thương hiệu này. Điều đó cho phép Honor thoát khỏi các hạn chế thương mại của Mỹ, đang áp dụng đối với công ty mẹ cũ của mình.
Honor, công ty gần đây đã lấy lại quyền truy cập vào các công nghệ của Mỹ bao gồm Google Mobile Services, đã nổi lên trở thành nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn thứ ba ở Trung Quốc trong quý thứ ba, theo báo cáo của Canalys. Lần đầu tiên lọt vào top 3 bảng xếp hạng, Honor đã xuất xưởng 14,2 triệu thiết bị cầm tay trong quý 3, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, Huawei đứng thứ 6 trong thị trường trong quý 3, xuất xưởng khoảng 5 triệu thiết bị trong thời gian này. Tuy nhiên, bất chấp mọi khó khăn, công ty có trụ sở tại Thâm Quyến này cho biết họ sẽ không từ bỏ hoạt động điện thoại thông minh của mình.
"Huawei sẽ vẫn kinh doanh điện thoại thông minh", ông Guo cho biết vào tháng 8. "Cuối cùng, chúng tôi sẽ chiếm lại ngôi vương của mình trên thị trường điện thoại thông minh, đồng thời tiếp tục cải thiện khả năng sản xuất chip của mình".
Nhưng mới đây, Thượng viện Mỹ đã thông qua các quy định hạn chế chặt chẽ hơn để ngăn các công ty như Huawei nhận được giấy phép thiết bị mới do các cơ quan quản lý Mỹ cấp. Trước đó chính quyền Washington đã đưa Huawei vào "danh sách thực thể" của nước này vào tháng 5/2019 vì những lo ngại về an ninh quốc gia, cấm gã khổng lồ viễn thông kinh doanh với các công ty Mỹ mà không có giấy phép.
Kể từ cuối năm ngoái, Huawei đã có những động thái chiến thuật để xây dựng các mảng kinh doanh khác của mình, đồng thời nỗ lực để duy trì sự tồn tại trong ngành công nghiệp smartphone trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ ở Trung Quốc như Xiaomi, Oppo và Vivo.
Những sáng kiến đó bao gồm mở rộng hoạt động dịch vụ đám mây ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; giúp các doanh nghiệp trong nước cắt giảm lượng khí thải carbonl; cung cấp thêm các trạm gốc 5G và thiết bị mạng lõi cho các nhà khai thác viễn thông lớn của Trung Quốc; tăng các thỏa thuận cấp phép bằng sáng chế và thiết lập quan hệ đối tác cho nền tảng di động HarmonyOS, hiện đã được sử dụng trên hơn 150 triệu thiết bị bao gồm cả smartphone và thiết bị đeo.
Giám đốc tài chính của Huawei, Mạnh Vãn Chu, con gái của người sáng lập kiêm giám đốc điều hành Nhậm Chính Phi, đã trở về Trung Quốc vào tháng trước sau gần ba năm quản thúc tại Canada và bà sẽ tiếp tục làm việc tại trụ sở chính tại Thâm Quyến của Huawei.
Tham khảo SCMP
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/hoat-dong-kinh-doanh-smartphone-te-liet-doanh-thu-huawei-giam-32-trong-9-thang-dau-nam-a3716.html